Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mệt như làm giáo viên chủ nhiệm

Cập nhật ngày: 14/04/2011 - 07:52

Mới đây, Phòng giáo dục trung học thuộc Sở GD- ĐT tổ chức hội thảo “Công tác giáo viên chủ nhiệm trong trường phổ thông”. Tham dự, ngoài phần lớn thầy cô giáo đang làm công tác chủ nhiệm lớp ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông còn có một số cán bộ quản lý. Qua hội thảo đã bộc lộ nhiều điều đáng suy ngẫm từ chính tiếng nói của những người trong cuộc…

Cô và trò trong giờ học (ảnh chỉ có tính minh hoạ)

Được đánh giá là một giáo viên chủ nhiệm (GVCN) giỏi của Trường THPT Lý Thường Kiệt, với hơn 30 năm trong nghề, cô giáo Mang Thị Lời bày tỏ nỗi niềm: công việc chủ nhiệm lớp không chỉ giới hạn ở trường học, trong giờ hành chính mà còn diễn ra ở bất cứ nơi đâu, lúc nào khi cần thiết. Thí dụ: 12 giờ đêm, học sinh gọi điện thoại đến nhà kêu cứu vì... bị cha ngược đãi, có học sinh bị băng nhóm vây đánh cũng chạy tới nhà GVCN cầu cứu, con em bỏ nhà đi hoang, phụ huynh cũng đến tìm GVCN nhờ giúp… Nhiều lúc đang đi chợ, thấy học sinh mình chạy rong (thay vì ngồi trong lớp học), cô giáo lại phải “đuổi theo” tìm hiểu lý do… Tất cả những công việc ấy đã chiếm khá nhiều thời gian của GVCN, trong khi đồng lương thì không theo kịp giá cả thị trường!

Về chế độ dành cho GVCN: một tiết sinh hoạt chủ nhiệm chỉ được tính bằng một tiết dạy- theo cô Lời là điều vô lý! Đồng tình với quan điểm này, bà Đặng Thị Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Kiệt (Thị xã) cho rằng công tác của GVCN quá nhiều, nên cần có chế độ thêm giờ cho người làm công tác này. Hiện nay GVCN chỉ được hưởng 4,5 tiết/tuần  đối với lớp 6, 7, 8 và 4,75 tiết/tuần đối với lớp 9 là quá ít.

Tại hội thảo, cũng đã có ý kiến cho rằng: GVCN hiện nay phải đối mặt với những tình huống phức tạp như: học sinh là con em trong những gia đình giàu có, quen được nuông chiều nên rất đua đòi, ham chơi hơn ham học, dễ nhiễm phải những thói hư tật xấu. Trong khi đó, thời lượng dành cho công tác chủ nhiệm của các thầy, cô giáo rất ít, chỉ một tiết/tuần nên cho dù có tâm huyết mấy cũng không đủ thời gian để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong việc giáo dục học sinh, cũng không có thời gian để giúp đỡ những em chậm tiến…

Nhiều GVCN bậc trung học cơ sở phản ánh rằng, có hai vấn đề bức xúc đối với người GVCN: Thu tiền học sinh và đi vận động học sinh bỏ học trở lại lớp. “Việc thu tiền khiến chúng tôi- trong con mắt của các em học sinh giống như người đòi nợ thuê” – một giáo viên phàn nàn như vậy!

Hiện nay trường nào cũng có giáo viên chuyên trách phổ cập giáo dục nhưng hễ có học sinh trong lớp bỏ học là GVCN lại phải cất công lặn lội đến tận nhà để “kêu gọi” các em trở lại lớp.

Học sinh Trường THCS Long Vĩnh (Châu Thành) trong giờ học.

Tại buổi hội thảo, nhiều GVCN và cán bộ quản lý đều cho rằng, cần tăng chế độ đồng thời giảm giờ thực dạy cho GVCN. Cụ thể: tăng tiết quy đổi của GVCN từ 5 lên 6 hoặc 7 tiết. Tuy nhiên, thực tế cho dù có tăng đến 10 tiết cũng không mấy GVCN được hưởng tiền thừa giờ. Bởi lẽ đại đa số giáo viên hiện nay dạy không đủ số tiết theo định mức cho nên có tăng số tiết chủ nhiệm thì tổng số tiết cũng chưa vượt quá định mức.

Cũng có ý kiến đề xuất: Bộ cần có chính sách hỗ trợ… tiền sử dụng điện thoại cho GVCN, bởi những người làm công tác này phải thường xuyên sử dụng điện thoại để liên hệ với gia đình học sinh! Mặt khác, nên bố trí giáo viên chuyên trách về hoạt động ngoài giờ để chia sẻ gánh nặng cho GVCN. Tốt nhất Bộ nên sửa đổi Thông tư 28 về chế độ làm việc của giáo viên ở trường phổ thông để GVCN cũng được hưởng phụ cấp chức vụ.

Ngoài vấn đề về chế độ, các nhà giáo tham dự hội thảo đã kiến nghị ngành giáo dục và đoàn thanh niên các cấp nên giảm bớt các hoạt động phong trào không thật cần thiết, mang nặng tính hình thức để học sinh tập trung cho việc học.

Thầy giáo Trần Hoài Vũ của Trường THPT chuyên HLK bày tỏ quan điểm: GVCN nên thông qua nhiều kênh tiếp xúc khác nhau để nắm bắt được thông tin phản hồi từ phía học sinh, hạn chế tối đa tình trạng học sinh có biểu hiện chống thầy cô giáo hoặc bất hợp tác với GVCN. Công việc của người GVCN là quản lý, giáo dục và dạy dỗ con người chứ không phải loại bỏ con người, nhà trường không phải là nơi quản chế và giáo viên không phải là quan toà.

Tương tự, đại diện Trường THPT Tây Ninh viện dẫn ý kiến của PGS-TS Mạc Văn Trang (Viện khoa học giáo dục Việt Nam) để nói về những điều người GVCN cần phải có: “Nếu tôi là một GVCN, tôi sẽ diễn đạt sứ mệnh của mình như sau: các em học sinh cần có tôi, tôi sẽ cùng các em xây dựng một tập thể lớp biết thương yêu nhau và có kỷ luật tự giác; trong đó mỗi cá nhân đều được tôn trọng, đối xử công bằng và tự do phát triển theo các giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích. Tôi sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không ngừng học hỏi để thực hiện ngày một tốt hơn các vai trò của một GVCN, xứng đáng với các em học sinh, cha mẹ học sinh và nhà trường đã đặt niềm tin vào tôi”!

VIỆT ĐÔNG