BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mì rớt giá, vẫn không bán được

Cập nhật ngày: 03/03/2009 - 10:12

Mì quá lứa bị teo đọt thúi củ không còn bán được

Những ngày qua, các cơn mưa trái mùa đã làm cho bà con nông dân canh tác cây mì càng thêm lo lắng, bởi vì hiện nay chẳng những mì bị rớt giá lại “ế ẩm” không ai mua. Mì đã đến lứa thu hoạch chưa bán được, gặp mưa sẽ bị thối củ thì chỉ có nước cày bỏ. Ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, Tân Châu, canh tác 3 ha mì giống MO đã đến lứa bán, nhưng giá cả “bán mão” chỉ ở mức gần 12 triệu đồng/ha, trong khi vốn đầu tư mỗi ha cũng gần 12 triệu đồng, nhưng trong đó có 2 ha ông Hùng phải trồng lại 2 lần, nếu bán mì với giá hiện nay ông sẽ lỗ khoảng 5 triệu đồng. Ông Phạm Văn Dũng ngụ ở ấp Tân Hoà, xã Tân Phú canh tác gần 20 ha mì cho biết, chưa có năm nào mì bị rớt giá thê thảm như năm nay. Mọi năm giá cả có thấp cũng được 30 triệu mỗi ha, còn năm nay mì của ông, lái chỉ trả giá mua mão ở mức 11 triệu đồng/ha, tính ra ông bị lỗ gần 20 triệu.

Gặp gỡ và trao đổi với một thương lái chuyên mua mì đổ cho các nhà máy, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Hải nhà ở xã Tân Hưng cho biết, sở dĩ mì năm nay không có giá một phần “do ảnh hưởng kinh tế thế giới suy thoái, các đối tác thu mua bột giảm, các nhà máy trong tỉnh thì hoạt động cầm chừng trong khi tìm đối tác nên giá bấp bênh lên xuống bất thường”. Từ việc giá cả không ổn định chỉ trong 3 tháng thu mua mì anh Hải đã bị lỗ trắng gần 1 tỷ đồng. Trao đổi với ông Quốc Thanh Xeo- chủ DNTN chế biến mì Bình Minh (TX Tây Ninh) cho biết, hiện nay nhà máy của ông thu mua mì của nông dân trên dưới 600.000 đồng/tấn 30 chữ bột nhưng thời điểm hiện nay ít có đám mì nào đạt tới 30 chữ bột, nếu trời cứ mưa sớm thế này thì chữ bột càng sụt giảm, cao nhất chỉ khoảng 25-26 chữ, trừ chi phí, công nhổ, vận chuyển thì còn lại khoảng 450.000 đồng/tấn, vì vậy nhà máy hoạt động cầm chừng chủ yếu để giữ cho công nhân có việc làm, chứ không có lãi. Ông Xeo cũng cho biết hiện nay nhà máy của ông hoạt động chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng từ cuối năm 2008 đến nay phía đối tác chỉ nhận hàng cầm chừng, giá cả thì bấp bênh không ổn định, nên giá thu mua mì trong nước bị sụt giảm. Ông Xeo kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và người nông dân không thiệt thòi trong sản xuất, góp phần xây dựng kinh tế của tỉnh nhà.

Huỳnh Ba