Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mía “đắng” vì… Covid-19
Thứ hai: 00:58 ngày 01/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có bài viết “Cây mía - qua rồi thời hoàng kim” phản ánh diện tích mía của tỉnh ngày càng giảm; những khó khăn của người trồng mía, cũng như hiệu quả kinh tế của cây mía hiện nay, so với những cây trồng khác… Vụ mùa 2020-2021, diện tích mía càng giảm so với vụ trước, do đó, để cây mía trở lại thời hoàng kim, cần một lời giải cho bài toán quyền lợi hợp lý giữa nhà máy và nông dân.

Các phương tiện vận chuyển mía được khử khuẩn, phun thuốc sát khuẩn kỹ càng trước khi đưa nguyên liệu về Việt Nam.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất, đưa mía về Việt Nam

Cửa khẩu quốc gia Phước Tân (xã Hoà Bình, huyện Châu Thành) là một trong những cửa khẩu được nhiều người trồng mía hợp tác với các tỉnh vương quốc Campuchia lựa chọn để vận chuyển mía về Tây Ninh do đường sá thuận lợi. Có đến đây mới hiểu các cơ quan chức năng rất tích cực hỗ trợ người trồng đưa mía về nước. Ðặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc nhập khẩu được thực hiện một cách nghiêm ngặt theo quy định của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thấy- Chi cục phó phụ trách Chi cục Hải quan cửa khẩu Phước Tân cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân có hợp tác trồng mía bên Campuchia đưa mía về nước thuận lợi, ngày 11.1.2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 63 cho phép thực hiện phương án vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ có đầy đủ lực lượng chuyên ngành quản lý niên vụ 2020-2021.

Như vậy, có rất nhiều cửa khẩu được nhập khẩu mía khi có các lực lượng chuyên ngành quản lý như Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch y tế, Kiểm dịch thực vật để kiểm tra mía nhập khẩu theo quy trình quy định. Doanh nghiệp, cá nhân có thể mở tờ khai điện tử trước 1 ngày, cũng như thực hiện quy trình nhận hàng, giao hàng theo quy định tại cửa khẩu là mía được thông quan nhanh chóng.

Theo ông Nguyễn Phúc Thành- kiểm dịch viên kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu Phước Tân, do mía là nông sản nên quy trình kiểm soát dịch bệnh của ngành nông nghiệp cũng nhanh chóng, sau khi kiểm dịch viên thực hiện các thủ tục đúng quy định.

Lao đao vì dịch bệnh Covid- 19

UBND tỉnh đã đề ra 3 phương án về việc vận chuyển nông sản sau thu hoạch từ Campuchia về tỉnh trong niên vụ 2020-2021. Theo đó, phương án 1 quy định tài xế chạy phương tiện của Việt Nam đến biên giới, đổi tài không tiếp xúc, tài xế Campuchia đưa phương tiện sang khu vực biên giới của Campuchia vận chuyển nông sản và đưa phương tiện quay trở lại cửa khẩu; phương tiện vận tải được cơ quan y tế phun thuốc diệt trùng, sát khuẩn trước khi đổi tài xế Việt Nam; thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hoá theo quy định (nếu có) và vận chuyển nguyên liệu về nhà máy.

Ðối với phương án 2, đổi đầu kéo và sử dụng rơ-moóc Campuchia: tại vị trí số km số 0, tài xế phía Campuchia sử dụng đầu kéo Campuchia tiếp nhận rơ-moóc Campuchia hoặc rơ-moóc Việt Nam đi vào vùng nguyên liệu tiếp nhận mía, sau đó quay lại vị trí km số 0 để tài xế Việt Nam sử dụng đầu kéo Việt Nam tiếp nhận rơ-moóc có mía và vận chuyển về nhà máy Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà.

Tài xế ngồi trên đầu xe, không xuống xe và không tiếp xúc với tài xế Campuchia. Rơ-moóc vận tải được cơ quan y tế phun khử trùng, sát khuẩn trước khi đổi đầu kéo; thực hiện kiểm tra, giám sát theo quy định (nếu có) và vận chuyển nguyên liệu về nhà máy.

Phương án 3 cũng quy định, phương pháp vận chuyển mía nguyên liệu từ Campuchia về Việt Nam để các doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn phương thức vận chuyển.

Theo ông Nguyễn Văn Thấy, từ 7 giờ sáng đến 17 hằng ngày, khi cửa khẩu mở cửa hoạt động, các lực lượng chức năng đã có mặt để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển mía nguyên liệu về Việt Nam. Tuy nhiên, tại cửa khẩu Phước Tân, đến thời điểm hiện nay, mỗi ngày chỉ có hơn 130 tấn mía nhập khẩu.

Có nhiều nguyên nhân- khách quan lẫn chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn do doanh nghiệp không thoả thuận được với chủ các phương tiện về chi phí vận chuyển. Ông Thấy cho biết thêm, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi, số phương tiện đăng ký với Sở Công Thương thì nhiều, nhưng ở khu vực cửa khẩu hiện nay lại rất ít, số lượng mía nhập về giảm.

Chị H.T- một cá nhân hợp tác trồng mía ở Campuchia cũng thừa nhận điều này, chị cho rằng do thuê nhân công thu hoạch mía, vận chuyển từ Campuchia đến cửa khẩu, rồi thuê xe đến cửa khẩu nhận nguyên liệu, thực hiện các biện pháp kiểm dịch theo quy định khiến chi phí vận chuyển tăng cao.

Theo Chi cục phó phụ trách Chi cục Hải quan cửa khẩu Phước Tân, cũng vì lý do này, doanh nghiệp không thể chủ động phương tiện để đưa nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam nhiều. Một số cá nhân, doanh nghiệp đã dùng xe máy cày vận chuyển mía nguyên liệu nhập khẩu qua đường cửa khẩu theo quy định, sau đó, xe máy cày đổ mía tại điểm tập kết hàng hoá gần cửa khẩu để chờ xe nội địa lên vận chuyển về nhà máy. Ðây cũng là một trong những phương pháp thuận lợi mà doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn trong bối cảnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu.

Theo nhà máy Thành Thành Công - Biên Hoà, tính đến ngày 20.1.2021, tổng diện tích mía thu hoạch khoảng 3.185 ha (Việt Nam 2.645 ha, Campuchia 540 ha); sản lượng 191.000 tấn (Việt Nam 164.000 tấn, Campuchia 27.000 tấn); công suất nhà máy trung bình khoảng 6.000 tấn/ngày (do đầu vụ thiếu mía, hiện tại khoảng 8.000 tấn/ngày). Công suất tối đa của nhà máy 9.800 tấn.

Từ số liệu thống kê của nhà máy, có thể nhận thấy mía nguyên liệu được nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam ít hơn nhiều so với niên vụ trước. Và cũng có thể khẳng định rằng, mía “đắng” do Covid-19 và nhiều nguyên nhân khác, chứ không phải do các cơ quan chức năng không tạo điều kiện thuận lợi cho mía nhập khẩu như dư luận râm ran thời gian qua.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh