Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Miền căn cứ địa Phước Vinh 

Cập nhật ngày: 22/11/2023 - 22:43

BTN - Ngược về quá khứ, Phước Vinh còn là vùng căn cứ địa của tất cả các lực lượng chống giặc ngoại xâm kể từ cuộc kháng chiến đầu tiên của các sĩ phu và nghĩa binh triều Nguyễn, quyết không tuân lệnh triều Tự Đức, khởi binh chống Pháp.

Nhà bia liệt sĩ Phước Vinh

Ngày 21.9 vừa qua, Tỉnh đoàn Tây Ninh tổ chức cuộc toạ đàm truyền thống: “Những câu chuyện kể từ thư Bác Hồ và Bác Tôn gửi học sinh Trường Hoàng Lê Kha trong kháng chiến” (Báo Tây Ninh ngày 25.9). Bên mái đầu đã bạc của lớp cựu nhà giáo và học sinh thuở ấy là những mái đầu xanh của thế hệ trẻ hiện giờ.

Chợt nhớ lại những câu thơ hai Bác viết trong lá thư ấy, đề ngày 25.9.1965. Đấy là đoạn: “Hai bác tin rằng: Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta họp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi…”.

Nhìn lại, thì ý nguyện của hai Bác đã thành. Hai miền Nam - Bắc “sum họp một nhà” được hơn 48 năm; trẻ già đã vui chung, nhưng hai Bác thì về với “Thế giới người hiền” như trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.

Kể thêm chút ít, cho thế hệ hôm nay biết. Đấy là thầy trò Trường Hoàng Lê Kha nhận được thư Bác cũng vào dịp Tết Trung thu trên vùng căn cứ của trường ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Vào năm 1962, ngôi trường được thành lập, Phước Vinh là một trong những xã đầu tiên thuộc vùng giải phóng ở Tây Ninh. Ngược về quá khứ, Phước Vinh còn là vùng căn cứ địa của tất cả các lực lượng chống giặc ngoại xâm kể từ cuộc kháng chiến đầu tiên của các sĩ phu và nghĩa binh triều Nguyễn, quyết không tuân lệnh triều Tự Đức, khởi binh chống Pháp.

Xã Phước Vinh xưa là Hảo Đước- một thôn thuộc tổng Hoà Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh từ năm Minh Mạng thứ 19. Sau khi Pháp chiếm tỉnh Tây Ninh vào năm 1862, đến khoảng 1865 thì chúng lập thêm tổng Tabejul với 7 thôn. Phước Vinh thoạt đầu mang tên Ta păng-Brosoc.

Từ năm 1877, lại lập thêm tổng Khăn Xuyên với các thôn xã ở liền kế bên (Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ, 2008). Về phía chính quyền cách mạng sau tháng 8.1945, đến tháng 4.1949 thành lập huyện Khăn Xuyên, trong đó Phước Vinh là xã Khăn Xuyên Bắc. Đến khi bỏ tên huyện này, thì ở đây thuộc về xã Khăn Xuyên. Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn tái lập xã Tà păng- Brosoc sau đổi tên thành Phước Vinh thuộc quận Phước Ninh; còn chính quyền cách mạng đặt tên là xã Tà Păng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau 1975, trở lại tên xã Phước Vinh.

Người Phước Vinh rất tự hào về truyền thống của quê hương. Truyền thống ấy có lẽ bắt đầu từ những lãnh binh và nghĩa sĩ quyết định chọn nơi đây lập cứ địa chống “Tây Dương” trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Vậy nên, hơn một lần ta sẽ đọc được những dòng đầy tự hào ấy, trong cuốn sách: “Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh”, do Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh và Đảng bộ huyện Châu Thành xuất bản năm 1985.

Như trong đoạn “vài nhận xét về xã ta trong kháng chiến 9 năm”, là: “Hơn 3 ngàn ngày đẫm máu, mồ hôi và nước mắt ấy, xã ta đã xứng đáng với truyền thống cha ông đàng cựu, tiếp nối đánh giặc Phú-Lang-Sa (Pháp) và con cháu ngày nay đã đánh thắng, đuổi giặc Phú-Lang-Sa về nước…”.

Các vị “cha ông đàng cựu” ấy chính là: “Dân Phước Vinh hầu hết là người không chịu cảnh sống bất công bỏ xứ sở lên đây xây dựng quê hương mới. Họ có truyền thống yêu nước bất khuất, chống áp bức, chống mọi kẻ thù xâm lược. Cho nên từ xưa vùng đất này là vị trí tốt cho các vị lãnh binh dùng làm nơi trú quân chống giặc…”.

Con kênh đào từ năm 1963 trên địa bàn xã Phước Vinh

Các vị lãnh binh được nhắc ở đây, có thể là Khâm Tấn Tường lập phủ An Cơ ngay trên đất Hảo Đước vào năm 1861-1862. Nhưng nổi bật nhất, được chép lại tư liệu thành văn nhiều nhất phải là Trương Quyền, liên minh với ông hoàng Khmer Pu Kom Pô thành liên quân chống Pháp. Hầu hết sách, sử viết về huyện Châu Thành đều nhắc đến những chiến công Trương Quyền- con trai Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.

Nay chỉ xin chép lại một đoạn trong sách sử do người Pháp viết về ông. Đấy là ở cuốn “Đại Nam Quốc lược sử” của Alfred Schreiner, in năm 1906. Đây có thể là trận càn quét quy mô lớn đầu tiên của giặc trên đất Tây Ninh, sau khi liên quân Trương Quyền - Pu Kom Pô tiến công vào đồn địch ở thành Săng-đá, tiêu diệt cả “quan đốc lý bổn quốc sự vụ” là ông De Larclauze. Quân Pháp từ Sài Gòn phái cả thuỷ và bộ quân lên chi viện.

Chỉ huy là quan năm Marchaise: “Khi ông quan năm Marchaise đến nơi, người có dạy tầm soát nghịch đảng lối chung quanh đồn, song không thấy chi hết. Bữa 14 Juin (14.7.1866) người ra đi một lần nữa với 150 quân nhơn và hai khẩu đại bác. Lần này người gặp giặc như người ta đã báo.

Lối 3 giờ chiều, người thấy quân cao man ở sau rạch Vịnh, mà hai bên bờ sình lầy lung lắm; người truyền lệnh áp đánh. Không đặng bao lâu, đạo colone binh liền ra giữa lầy mà giáp với quân giặc đông số quá đỗi, ông quan năm Marchaise với 13 người bị tử trận. Qua năm giờ, phải thối về, nhờ có hai khẩu pháo thủ nên ông quan ba Founier mới ngăn đặng quân nghịch lại- họ chết nhiều- và đem binh về, song rủi phải bỏ mấy người tử trận…”.

Trận đánh chống càn oanh liệt này đã diễn ra ngay trên đất Tà păng- Brosoc xưa và Phước Vinh nay, ở trên phía thượng nguồn rạch Sóc Om còn có một địa danh xưa là “kho lương đàng cựu”. Có phải là kho lương của Trương Quyền và Pu Kom Pô khi các ông đóng căn cứ nơi này?

Bến Băng Dung

Lịch sử đã được lặp lại sau khoảng 80 năm, lần này ở mức cao hơn, quy mô hơn gấp cả trăm lần. Đấy là từ sau 1945, khi cuộc kháng chiến chống Pháp do Đảng lãnh đạo, thì Phước Vinh lại trở thành: “xã căn cứ vùng sâu phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh và huyện Châu Thành, là xã căn cứ địa của Tỉnh uỷ Gia Ninh thời kháng Pháp, là cửa ngõ phía Tây của Trung ương Cục miền Nam thời kháng Mỹ…” (Lời giới thiệu, Sđd).

Và không chỉ có thế, “Phước Vinh cũng vinh dự được đón nhiều lực lượng cơ quan của trên về đứng chân… Chỉ riêng phần của Miền (Đông Nam bộ), các cơ quan thuộc Trung ương Cục về đây đóng khá đông và khá lâu:/- Bộ phận Tuyên huấn Miền đóng ở bàu rau muống.

Tại đây Tuyên huấn Miền đã mở lớp đào tạo cán bộ sơ trung cấp nhiều khoá, có khoá hàng trăm học viên/ Bộ phận T13 của trên ở đây mở lớp đào tạo cán bộ, và huấn luyện tân binh bổ sung cho các huyện trong tỉnh, cho lực lượng tỉnh và 3 E chủ lực Q 7- 61, 62, 63 của Miền…”.

Rồi bộ phận Quân lực Miền và Binh vận Miền đóng ở bàu Cỏ Sả; bộ phận An ninh Miền đóng ở Nàng Rà; bộ phận Quân y Miền đóng ở Bàu Phèn; bộ phận Hậu cần Miền đóng ở Chót-Lo-Viêng và Thâm Thái; bộ phận Y4 của Sài Gòn- Chợ Lớn đóng ở bến Cây Nu; Trạm Giao bưu của Miền cũng đứng chân ở đây… Đấy là còn chưa kể tới các cơ quan tỉnh chọn Phước Vinh làm căn cứ, như Trường Đảng tỉnh và Trường Hoàng Lê Kha như đã kể. Đây là trong thời kháng chiến chống Mỹ.

Cũng không thể không nhắc tới đây là địa bàn hoạt động chính của lực lượng bộ đội Hải ngoại I- Nam bộ, sau này phát triển thành bộ đội Si-Vô-Tha và Đông Bắc Khmer lừng lẫy thời kháng chiến chống Pháp (từ tháng 10.1946). Còn biết bao cơ quan đơn vị từ Trung ương đến địa phương chọn Phước Vinh làm căn cứ địa- một căn cứ địa anh hùng suốt hai cuộc kháng chiến, cho đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Trần Vũ (còn tiếp)