Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Miền đất âm vang một chữ Hùng
Thứ bảy: 06:58 ngày 24/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xin gọi hoặc nhớ về Lộc Ninh bằng cái tên Lộc Ninh- Suối Ông Hùng. Cái tên âm vang một chữ Hùng, trong cả lòng dân và cả những trang sử Lộc Ninh.

Trên dòng kênh Đông, Lộc Ninh.

Đi Bến Củi lần này, tôi cứ thấp thỏm lo vì dạo đầu năm đã có thông tin nâng cấp con đường từ ngã ba Đất Sét về Bến Củi, theo chương trình những mục tiêu đột phá của tỉnh nhà là một số đường nối sang tỉnh bạn (ở đây là sang Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) sẽ được nâng cấp và mở rộng.

Vậy mà may quá! Đầu tháng 8.2019, tôi đi thì đường cũ vẫn còn đây. Mặt nhựa đường còn tốt chán. Thong dong người và xe đi lại trên đường. Tuy vậy vẫn cần nói thêm rằng, vào các buổi sớm, chiều, con đường này đã trở nên vô cùng chật chội. Đấy là do ở góc Đông Nam ngã ba Đất Sét thuộc địa phận xã Truông Mít đã có một khu công nghiệp mọc lên. Cổng vào chính lại đặt ở đoạn đầu đường Đất Sét- Bến Củi.

Phía đối diện lại có đường vào mỏ đá Lộc Trung, thành ra những giờ ấy đường trở nên đông nghẹt. Dòng người xe toả về hai hướng:- ra dường 784, hoặc vào Lộc Ninh- Suối Ông Hùng. Thật chẳng kém gì ở đoạn đường qua Khu công nghiệp Chà Là hai buổi sáng và chiều tối. Vậy thì con đường này vẫn cứ phải mở rộng và nâng cấp, không chỉ phục vụ nhu cầu đối ngoại, mà còn là đòi hỏi tự thân ở một vùng phát triển mà thôi.

Dường như chữ Hùng đã vang lên đâu đó. Vâng! Là ở ngay đầu đường vào từ ngã ba Đất Sét này đây. Tôi còn chưa hiểu rõ nguyên do cái tên Đất Sét. Nhưng rõ ràng Truông Mít vang danh đã từ lâu lắm: Đường 782 và 784 xưa thuộc con đường Sứ cho các sứ bộ của nước Chân Lạp, sau là Khmer dẫn voi ngựa ầm ầm sang triều cống vương triều Nguyễn.

Đến năm 1815, vua Gia Long cho mở rộng đường này để thuận lợi hơn cho việc ngoại giao hai nước. Đến khi Pháp xâm lăng, nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên chống giặc. Trong đó vang danh nhất là cuộc chiến đấu của Trương Quyền, khi ông liên kết với ông hoàng Pô kum pô của Hoàng gia Khmer cùng chiến đấu với kẻ thù chung. Cuộc chiến ấy chỉ kéo dài có 4 năm, từ 1864 đến 1867 nhưng nhiều trận đã khiến cho quân Pháp thua đau. Một trong những căn cứ của Trương Quyền là ở vùng Truông Mít.

Nghe cái chữ Truông, lại nhớ câu ca dao xưa: “Yêu em thì anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Truôngvùng đất hoang vu, rộng, mọc nhiều cây cối (theo Từ điển Việt Nam). Ở đây có lẽ rất nhiều cây mít, cũng là một cây có thể nuôi sống người ta những lúc đói lòng.

Miền đất này có lẽ đã còn hoang hoá đến đầu thế kỷ 20. Vì theo một nghị định xếp hạng các loại đường làng (hương lộ) tại các tỉnh trong đó có Tây Ninh, ban hành ngày 8.3.1919 thì còn chưa có con đường nào qua miền đất nay là Truông Mít, Lộc Ninh- Suối Ông Hùng hay Bến Củi (sách Chế độ Thực dân Pháp ở Nam kỳ của Nguyễn Đình Tư, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2016).

Dù lúc ấy đã có các con đường như: đường số 1 ngang từ Gò Dầu Hạ đến Suối Cao; đường số 2 ngang từ Trà Võ đến Truông Mít, hay đường làng số 11: “ở km 5,000 Bùng Binh đến Bàu Đồn…”. Miền đất này quả là nơi lý tưởng để bảo bọc, chở che những người yêu nước thời đất nước bị xâm lăng. Vì thế mới xuất hiện những cái tên như Ông Hùng, Trương Quyền… thậm chí có thể cả cụ Phan Văn Mật- nghĩa quân chống giặc, được tôn vinh là thành hoàng đình Truông Mít.

Cho đến những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, tuyến đường này càng trở nên ác liệt. Vì đây là con đường cắt ngang tuyến hành lang phía Đông nối liền căn cứ Bời Lời tiếp giáp Sài Gòn - Gia Định, lên chiến khu Trà Vong của chính quyền cách mạng tỉnh Tây Ninh. Vậy nên, ngay sau khi lực lượng võ trang tỉnh được thành lập với Chi đội 11, Trung đội C đã chủ động tiến công các đồn địch ở Khedol, Suối Đá, Lộc Ninh- Suối Ông Hùng (sách Truyền thống Cách Mạng xã Lộc Ninh (1945-1975), Đảng bộ huyện Dương Minh Châu xuất bản năm 2017).

Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt đã có từ đây, kéo dài tới hết cuộc kháng chiến chống Pháp. Du kích Lộc Ninh- Suối Ông Hùng cùng bộ đội chủ lực phối hợp đánh cả các đồn địch ở cao su Bến Củi, tuyến đường Đất Sét- Lộc Ninh và cả phục kích tiêu diệt địch trên đường số 5- đường Sứ, sau là tỉnh lộ 26. Đến năm 1951, ta lập huyện căn cứ Dương Minh Châu làm nơi đứng chân của Xứ uỷ và Bộ Tư lệnh Nam bộ, Phân liên khu miền Đông…

Trong thời gian này, phía địch cũng cho “xây dựng các đồng bót, tháp canh (Tua) ở các tuyến lộ 13, 26, Đất Sét- Bến Củi, gom dân vào các châu vi. Tại khu vực Lộc Ninh- Suối Ông Hùng, chúng đóng lô cốt dày đặc trên lộ nhằm lấn chiếm và kiểm soát hành lang, phía Tây Nam căn cứ…” (sách Truyền thống Cách Mạng xã Lộc Ninh (1945-1975), Đảng bộ huyện Dương Minh Châu xuất bản năm 2017). Lộ 2 ở đây chính là đường nối từ quốc lộ 22B qua Trà Võ sang Truông Mít, đoạn gần với ngã ba Đất Sét ngày nay.

Cuộc chiến đấu ở vùng đất này còn quyết liệt hơn gấp bội phần khi bước sang thời kháng chiến chống Mỹ. Địa bàn chiến lược nên địch quyết chiến, mà ta thì quyết giữ. Quân dân Lộc Ninh - Suối Ông Hùng chống bắt lính, chống gom dân vào ấp chiến lược. Rồi vượt qua các chiến dịch, càn quét, qua từng chiến thuật chiến tranh của địch. Nào chiến dịch tố cộng mang tên Trương Tấn Bửu (1956-1957). Rồi kế hoạch Staley - Taylor bình định miền Nam trong 18 tháng, kể từ đầu năm 1961...

“Từ đầu năm 1963 đến 1964, địch gấp rút tăng cường xây dựng lại đồn bót trên các trục lộ, trong đó có trục lộ ngã ba Đất Sét- Suối Ông Hùng- Bến Củi làm lá chắn ngăn chặn ta tấn công từ căn cứ Bời Lời, căn cứ Dương Minh Châu, chia cắt mối quan hệ giữa đồng bào trong vùng kiểm soát của địch với đồng bào vùng kháng chiến…” (Sđd).

Vậy mà, quân dân Lộc Ninh- Suối Ông Hùng đã dũng cảm vượt qua mọi âm mưu, mọi chiến dịch hành quân như “Thu Đông 3” (năm 1963); các cuộc càn Mastiff, Birmingham, An Dân 79/66, Attelboro trong năm 1966. Sang năm 1967 lại là cuộc đối đầu với cuộc hành quân Junction City lớn nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh.

Trên bờ suối Ông Hùng, ngày nay có một tấm bia đá dựng gần sát bên đường Đất Sét- Bến Củi, chữ khắc chìm trên đá, tô vàng: “Tại đây, đêm 28/2/1967 được du kích dẫn đường, Tiểu đoàn 9 trung đoàn 16 Quân giải phóng đã tiêu diệt tiểu đoàn 3, lữ đoàn thiết giáp số 11 quân Mỹ, bắn cháy 31 xe tăng và 6 khẩu pháo 105 mm, loại bỏ vòng chiến đấu hàng trăm tên Mỹ, lịch sử tôn vinh mãi mãi chiến công này”.

Đây chính là chiến công vang dội tại Lộc Ninh- Suối Ông Hùng vào ngay những ngày đầu của cuộc càn quét khổng lồ với 45.000 quân Mỹ và hàng trăm ngàn phi pháo địch (kéo dài từ 22.2 đến 13.4.1967). Và đấy cũng chỉ là một trong hàng trăm trận đánh của bộ đội và dân quân du kích trên địa bàn…Để tới ngày 12.3.1975, miền đất mang tên Hùng đã hoàn toàn được giải phóng.

Sau lưng bia, suối Ông Hùng vẫn tràn trề nước chảy. Suối trườn qua những rẫy nương, vườn tược đã ắp đầy cây trái xanh tươi. Hai bên đường đã trải dài những dãy phố dài, tấp nập bán mua như các vùng dân cư đông đúc. Kề bên trụ sở Uỷ ban xã Lộc Ninh là chợ. Gần trưa, chợ thưa thớt không đông và nổi bật trên mặt tiền là dòng chữ: Chợ Suối Hùng. Trước mỗi nhà dân ở đây thường có một cây cầu nho nhỏ vì có một con kênh cặp lộ chạy dài suốt từ khu nhà máy ở Truông Mít đi vào, thông tới suối Ông Hùng. Sau lưng nhà vẫn là mênh mông các vườn cây trái đang rộ lên màu vàng tươi hoa nhãn.

Thế nhưng qua suối chạy đúng 1km nữa thì Lộc Ninh- Suối Ông Hùng bỗng có một gương mặt mới tinh, sáng sủa. Đấy là khi ta gặp kênh Đông. Đất trời bỗng sáng bừng lên nhờ trời mây bát ngát và cả ánh sáng phản chiếu từ dòng nước thênh thang leo lẻo xanh trong. Cái ngã ba ở đầu đường, trước cầu kênh ấy đã nhộn nhịp đông vui như một bến sông trên bến dưới thuyền.

Từng đoàn xe ca chạy tới đầu cầu kênh rồi quẹo trái theo đường bờ kênh đã láng nhựa hẳn hoi để chạy về hướng Phước Minh, nơi có lòng hồ. Bên này, cách độ 50 mét là một công trường. Có lẽ đây là điểm khởi đầu của dự án đường sang Dầu Tiếng, một cây cầu sẽ bắc qua kênh. Miền đất quê hương của lúa và đậu này có lẽ cũng đang cựa mình chuyển đổi. Đã ít thấy màu xanh của lúa mà sum suê các vườn nhãn, trái cây.

Dọc bờ kênh thấy khá nhiều trại vịt, cá giống, kể cả một cơ sở giết mổ gia cầm ở ấp Lộc Tân. Và lạ thay, giữa không gian bừng bừng sức sống và tươi mới này, lại còn cả một ngôi miếu cổ thờ bà Chúa Xứ. Có một cây cổ thụ thật cao và đường bệ làm tàn lọng che cho ngôi miếu. Và dưới kênh còn có cả một ghe chài đang thả lưới. Cái giỏ của cô bé vừa nhận từ cha dưới ghe đưa lên có độ 5 kg cá trắng.

Cô gọi tên là cá chảy. Hỏi chuyện một vài người, thì dù tên xã chính thức là Lộc Ninh, nhưng ai cũng gọi quê mình bằng cái tên trìu mến: Lộc Ninh- Suối Ông Hùng. Nhờ thế chăng, cái âm hưởng hào hùng một thời vẫn còn vang mãi. Xin gọi hoặc nhớ về Lộc Ninh bằng cái tên ấy. Cái tên âm vang một chữ Hùng, trong cả lòng dân và cả những trang sử Lộc Ninh.

Ghi chép của NGUYỄN QUỐC VIỆT

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục