Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Miền đất cổ Cẩm Giang 

Cập nhật ngày: 21/05/2019 - 18:51

BTNO - Vào một ngày đẹp trời, từ TP.Hồ Chí Minh theo đường Xuyên Á và quốc lộ 22B lên Tây Ninh. Đến nơi nào thấy ngọn núi đậm đà xanh, như ở ngay phía trước con đường thì có nghĩa là bạn đã đi trên đất Cẩm Giang rồi đây.

Rước sắc về đền.

Miền đất đẹp như mơ, nay là một xã thuộc huyện Gò Dầu, cũng đã khấp khởi lên cao những cửa nhà, công trình hai bên mặt lộ. Nhưng đôi chỗ vẫn hiện ra dòng Vàm Cỏ Đông rất gần, êm trôi thong thả. Vào tháng tư, có thể gặp những mảng lục bình trôi tim tím màu hoa.

Không có gì nổi bật lắm đâu, như nhiều xã dọc đường đã đô thị hóa. Thỉnh thoảng mới có ngôi nhà cao từ 2 đến 3 tầng. Ngôi cao nhất lại là tháp chùa Cẩm Phong, cao đến 5 tầng tháp xòe ra như một đóa sen in trên mặt nước sông Vàm. Ấy thế mà Cẩm Giang luôn có cái gì đó bắt ta phải nhớ.

Dâng hoa trước đài chiến sĩ.

Tây Ninh có đặc sản trời ban là núi Điện, sông Vàm. Thì chỉ ở Cẩm Giang ta mới nhìn rõ nhất cả núi và sông dưới trời xanh mây trắng. Núi dâng đầy trước mặt, tròn nây, có ngọn như mâm xôi cúng. Còn sông thanh thản bập bềnh những cánh hoa trôi.

Múa chiêng

Thôn làng Cẩm Giang đã có từ rất lâu rồi. Sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận rằng: ‘Hồi đầu bản triều, đặt đạo Quang Phong ở phận thôn Cẩm Giang, năm Minh Mạng thứ 5, đắp bảo gọi là bảo Quang Hóa…”. Đầu bản triều, tức là thời vua Gia Long (1802-1820). Nhà nghiên cứu vùng đất Nam bộ Nguyễn Đình Tư sau này viết rõ hơn là: “Tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi (1779), khi đã khôi phục được đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chánh và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn. Đạo sở đặt tại Cẩm Giang…” (Tạp chí Xưa Nay, số 96, năm 2001).

Trống khai hội

Như vậy là, cái tên Cẩm Giang đã có từ ít nhất cách đây 240 năm. Và đấy cũng là “tỉnh lỵ” đầu tiên của vùng đất Tây Ninh. Tuy vậy, việc xây thành, đắp lũy cho quan quân đồn trú thì phải tới năm 1824 (Minh Mệnh thứ 5) mới có. Phải mất một con giáp nữa thì phủ Tây Ninh mới được hình thành (1836). Đến khi ấy thì thành phủ Tây Ninh, coi như một “tỉnh lỵ” thứ hai mới được thiết lập trên vùng đất mới.

Múa rồng rước đền.

Miền đất cổ, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi trên đất Cẩm Giang có tới 4 di tích lịch sử- văn hoá cấp tỉnh. Đấy là 2 ngôi đình Cẩm An và Cẩm Long. Một ngôi đền thờ và một khu lăng mộ tương truyền là thờ Quan lớn Đại thần Huỳnh Công Thắng.

Đấy là chưa kể tới chùa Cẩm Phong cũng là một di vật để lại của người xưa. Chùa nay nằm giữa, một bên sông, một bên quốc lộ. Truyền tụng rằng xưa có vị quan người Huế, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của triều đình thì ở lại bên sông lập am cốc tu hành. Từ đấy mới thành chùa Cẩm Phong, nhưng dân vẫn nhớ vị sư tiền bối nên gọi chùa Quan Huế.

Võ sinh trẻ biểu diễn ở đền Cẩm Giang.

Dưới quyền trụ trì của thượng tọa Thích Định Tánh, khoảng 15 năm trở lại đây Cẩm Phong đã trở thành một trung tâm từ thiện nhân đạo lớn nhất tỉnh Tây Ninh, chùa luôn nuôi dưỡng hàng trăm trẻ mồ côi và các cụ già cô đơn, nghèo khó. Tình người Cẩm Giang cũng bao la như nước sông Vàm.

Quốc lộ 22B qua Cẩm Giang.

Ca dao Cẩm Giang có câu: “Dù ai xuôi ngược bộn bề/ Tháng tư mùng sáu nhớ về Cẩm Giang”. Đấy là dịp lễ hội rất đông vui tại đền thờ Quan lớn Đại thần Huỳnh Công Thắng. Nhưng vào trung tuần tháng 2 âm lịch, lễ kỳ yên các đình Cẩm Long, Cẩm An cũng vui chẳng kém gì. Xem lễ hội Cẩm Giang, dễ thấy bừng bừng một tinh thần thượng võ. Nhiều năm, có cả võ sinh từ trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh về tham dự. Các đội lân sư rồng cũng đem đến những điệu múa điêu luyện nhất, khiến cho ai nấy đã dự một lần thì sẽ hẹn ngày về lại năm sau.

Đình Cẩm An

Rước thuyền tống tiễn quan ôn đình Cẩm An.

Cũng là nhờ ngôi đền thờ quan lớn đại thần Huỳnh Công Thắng, mà Cẩm Giang đã lưu giữ được chút ít bóng hình về Bảo Quang Hóa- ngôi thành được xây dựng đầu tiên trên đất Tây Ninh. Đền nằm ngay vị trí xưa là cổng chính, hưởng mặt ra sông Vàm Cỏ Đông. Bạn cứ hình dung đi, thời ấy còn chưa có quốc lộ 22B. Từ đây nhìn xuống một triền sông dài, nổi trôi những cụm lục bình hoa tím.

Bên kia sông là bát ngát rừng cũng mang tên là rừng Quang Hóa. Phía tay phải là bóng núi Bà Đen cao vời, lừng lững giữa trời. Tầm mắt bao quát cả miền đất núi cao sông dài. Thật đắc địa với người xưa thời mở đất. Có lẽ cũng vì cảnh quan ấy mà Cẩm Giang thành tên gọi. Miền đất, dòng sông này là Sông Gấm (Cẩm Giang).

Nguyễn Quốc Việt