Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Miễn học phí - phải chờ luật
Thứ tư: 06:20 ngày 29/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Muốn bỏ thu thì phải sửa luật, cho dù chủ trương bỏ thu học phí đối với cấp trung học cơ sở đã được ghi trong Nghị quyết 29 của Trung ương Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục. Như vậy, trước mắt, học kỳ I của năm học 2018-2019, học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh cấp trung học cơ sở vẫn phải đóng học phí.

Học sinh Trường trung học cơ sở Mạc Ðĩnh Chi.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất thông qua nghị quyết bỏ thu học phí đối với học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở. Theo tính toán, sau khi chủ trương bỏ thu học phí được triển khai thực hiện, cả nước có khoảng 5 triệu học sinh mầm non và trung học cơ sở không còn phải đóng học phí nữa.

Ngay sau khi Chính phủ có nghị quyết bỏ thu học phí, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục (qua các phương tiện truyền thông, cả báo chính thống lẫn mạng xã hội) bày tỏ thái độ đồng tình cao trước thông tin này.

Ðể ra được nghị quyết bỏ thu học phí, Chính phủ đã phải cân nhắc, bởi vì từ lâu, đã có nhiều lãnh đạo ở các cấp đề nghị miễn phí đối với học sinh trung học cơ sở. Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đã đề nghị Bộ GD-ÐT nghiên cứu tham mưu, đề xuất bỏ thu học phí đối với học sinh cấp trung học cơ sở.

Tại thời điểm đó, số liệu thống kê cho thấy, ở cấp học này, trong cả nước mỗi năm thu được hơn hai ngàn tỷ đồng tiền học phí. Tính chung trong cả nước, con số đó không quá lớn, ngân sách hoàn toàn có thể đảm trách được.

Tuy vậy, tháng 3.2018, trong quá trình lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, nội dung miễn học phí đối với học sinh cấp trung học cơ sở đã bị đưa ra khỏi dự luật. Lý do, theo giải thích của đại diện Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn nên chưa thể bỏ học phí đối với cấp trung học cơ sở.

Tại thời điểm đó, chủ trương bỏ thu học phí đối với học sinh mầm non 5 tuổi chưa được bàn đến (trừ ý kiến của một số địa phương).

Sau khi Chính phủ thông qua nghị quyết miễn thu học phí, một câu hỏi được đặt ra, khi nào nghị quyết có hiệu lực, năm học 2018-2019, học sinh mầm non 5 tuổi và trung học cơ sở có phải đóng học phí nữa hay không? Thắc mắc nêu trên xuất phát từ việc, trong nghị quyết chỉ nói không thu học phí nhưng không nói khi nào thì chính thức bỏ thu.

Theo một số thông tin, mặc dù nghị quyết của Chính phủ đã được thông qua nhưng muốn ngừng hoàn toàn thu học phí thì phải chờ Luật Giáo dục (sửa đổi) đang tiếp tục lấy ý kiến chỉnh sửa, bổ sung để thông qua vào tháng 10 năm nay.

Thông tin này là có căn cứ, bởi vì, chế độ thu học phí được ghi rõ trong luật hiện hành. Vì thế, muốn bỏ thu thì phải sửa luật, cho dù chủ trương bỏ thu học phí đối với cấp trung học cơ sở đã được ghi trong Nghị quyết 29 của Trung ương Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục. Như vậy, trước mắt, học kỳ I của năm học 2018-2019, học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh cấp trung học cơ sở vẫn phải đóng học phí.

Chủ trương bỏ thu học phí, dù khó khăn lắm mới được thông qua nhưng thực ra, chuyện này đáng lý phải thực hiện từ lâu. Một nguyên tắc cơ bản là, một khi đã phổ cập giáo dục, tức bắt buộc tất cả học sinh trong độ tuổi đến trường thì cần miễn học phí.

Chủ trương phổ cập giáo dục trung học cơ sở được triển khai đầu những năm 2000, theo lộ trình, đến năm 2010, cả nước sẽ phải hoàn thành phổ cập ở cấp học này (Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn năm 2007, trước thời hạn 3 năm).

Chưa bàn đến tính bền vững, thực chất của phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhưng đã phổ cập thì nên miễn học phí. Ðối với học sinh mầm non, vừa qua, Tây Ninh là một trong những tỉnh, thành phố sau cùng của cả nước được Bộ GD-ÐT công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non đối với trẻ 5 tuổi.

Chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được bắt đầu từ năm 2010, theo lộ trình, năm 2015, cả nước phải về tới đích. Ðến thời điểm này, chuyện phổ cập giáo dục đối với trẻ 5 tuổi đã hoàn thành. Vì thế, bỏ thu học phí đối với bậc học này là đúng. Một khi đã bỏ thu học phí đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở thì không có lý do gì để tiếp tục thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi.

Theo giải trình của Bộ GD-ÐT, “việc Nhà nước mới miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS chưa được miễn học phí, gây khó khăn khi huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số.

Mức thu học phí không quá cao, nhưng cũng là gánh nặng đối với gia đình thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo. Miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.

Miễn học phí đối với học sinh THCS sẽ góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội”. Như vậy, chuyện bỏ thu học phí do chính Bộ GD-ÐT tham mưu Chính phủ, điều này đáng được hoan nghênh.

Bỏ thu học phí là tốt, hợp lòng dân nhưng còn một vấn đề khác, đó là lạm thu các khoản tiền trong nhà trường. Tháng 10.2016, Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện đợt khảo sát về tình hình thực hiện thu, chi các loại phí đối với ngành Giáo dục và một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Kết quả cho thấy, học phí chỉ chiếm chưa quá 20% tổng số tiền mà một học sinh phải đóng trong năm học. Cá biệt, có những trường, học phí chỉ chiếm hơn 10% tổng loại phí.

Cần biết, theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, học sinh phải đóng học phí và lệ phí tuyển sinh, thế nhưng hầu như không một trường học nào tuân thủ quy định này. Cũng cần nói thêm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có những khoản thu dù không có trong luật nhưng không thể không thu, ví dụ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế hay tiền bán trú ở bậc học mầm non.

Nhưng điều cần quan tâm là, các cơ sở giáo dục đã tự ý thu nhiều khoản tiền vô tội vạ đến mức có ý kiến bình luận, lạm thu trong nhà trường đã thành bệnh kinh niên, mạn tính. Do vậy, bỏ thu học phí là tốt nhưng học sinh và gia đình người học vẫn chưa trút bỏ được gánh nặng vì vô số các loại phí khác vẫn đã và đang đè lên vai họ.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục