BAOTAYNINH.VN trên Google News

Miền quê không yên tĩnh 

Cập nhật ngày: 10/05/2021 - 06:13

BTN - Thời gian gần đây, ở các xã vùng sâu, vùng xa- nơi phần lớn người dân sinh sống nhờ canh tác nông nghiệp, bỗng dưng trở nên ồn ào, không còn bầu không khí trong lành vốn có, khi cơn sốt đất đi qua. Nhiều đồng ruộng bị “băm nhỏ” vì các tay đầu cơ đất vươn “vòi bạch tuộc” đến.

Ngay cả bờ kênh cấp 3 cũng bị “đầu nậu” san bằng làm đường nhằm “xẻ thịt” đất nông nghiệp tại ấp Chòm Dừa, xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành.

Ðất vùng sâu bị phân lô

Trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt “dự án bất động sản” nông nghiệp ở các xã vùng xa với lời quảng cáo cực kỳ hấp dẫn của “cò đất”, giá cả “hữu nghị” chỉ 2 - 3 trăm triệu cho mỗi thửa đất có diện tích từ 1.000m2 trở lên: “Ðất nằm mặt đường xe ô tô vô tới chỗ, gần khu dân cư đông đúc, gần cụm công nghiệp…”. Ðể thêm phần kích thích tâm lý nhiều người, “cò đất” còn rao: “Ðất mới phân lô, đã bán gần hết, chỉ còn vài lô cuối” (!?).

Ðể tìm hiểu thực hư, phóng viên theo lời quảng cáo của “cò đất” trên mạng xã hội tìm đến xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành. Tại ấp Bình Lợi, tiếp chúng tôi là một người tên T- được người dân nơi đây cho biết là “đầu nậu” mua hơn 2 ha đất nằm bên trong khu đất nông nghiệp rộng lớn, gần kênh.

Theo chỉ dẫn của T, chúng tôi chạy trên con đường rải đá 1x2 giữa ruộng. Ði được gần cây số, T dừng xe lại chỉ một khu đất nông nghiệp cặp đường đang trồng mì xen canh cao su khoảng một năm tuổi và cho biết, đây là thửa đất mà anh ta rao bán.

Thửa đất này là có mục đích sử dụng là cây hàng năm khác với diện tích 2,2 ha. Sau khi mua, T đã phân ra 22 lô, mỗi lô 1.000m2 và kêu giá 250 triệu đồng/lô, có thương lượng. T cho biết thêm, đã bán 12 lô, chỉ còn 10 lô. T tự tin rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ bán hết do nhu cầu “đầu cơ” của người dân khá cao.

Khi chúng tôi hỏi sao đã bán 12 lô đất mà còn trồng cao su và mì? T nhanh nhảu trả lời, do người mua chưa có nhu cầu sử dụng nên họ cho chủ đất cũ mượn canh tác. Khi nào cần, chủ đất cũ sẽ nhổ mì, đốn cao su trả đất. T còn khoe đã bỏ ra khoảng 600 triệu đồng đầu tư nâng cấp đường, chứ trước đây đường nội đồng, rất xấu.

“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”

Ông Nguyễn Tấn Ðạt- Chủ tịch UBND xã Hảo Ðước cho biết, các tay “đầu nậu” thường tìm mua thửa đất nông nghiệp lớn phải có đường nội đồng để có thể tách thửa theo quy định, chứ không có tình trạng tự mở đường, phân lô.

Sau khi mua đất, “đầu nậu” tìm cách “tranh thủ”, vận động người dân có đất xung quanh đồng ý cho họ nâng cấp đường nội đồng như đổ đá mi, đá 1x2… mọi chi phí đều do “đầu nậu” chịu. Tất nhiên, người dân địa phương thấy có nhiều cái lợi như thuận tiện trong vận chuyển nông sản, đi lại thăm đồng… nên rất đồng thuận.

Sau đó, các hộ dân có đơn kiến nghị trưởng ấp nâng cấp làm đường. Vì là nguyện vọng của nhiều người, nên trưởng ấp phải tổ chức họp dân để lấy ý kiến, rồi báo cáo lên UBND xã. Rõ ràng, việc nâng cấp đường hoàn toàn chính đáng,

UBND xã phải chấp thuận. Ðường hoàn thành, ngay lập tức “đầu nậu” tách ra làm nhiều thửa để bán. Lúc đó, địa phương không giải quyết cho tách thửa cũng không được vì họ làm đúng quy định. Ðây là điều nhức nhối mà địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn. Nếu không cho tách thửa thì bị khiếu nại, còn nếu giải quyết thì e rằng đất nông nghiệp bị “xẻ thịt”, phá vỡ quy hoạch, các “đầu nậu” sẽ thổi giá đất nông nghiệp ở địa phương lên cao.

Ông Nguyễn Văn Cường- Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, huyện Châu Thành cho biết, dù xã ở khu vực biên giới, nhưng các “đầu nậu” đất cũng đã mò đến, sử dụng chiêu bài mua đất có diện tích lớn, sau đó lấy lòng người dân để nâng cấp đường. Biết đây là chiêu “xẻ thịt” đất nông nghiệp, nhưng địa phương không thể không giải quyết vì họ làm đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, cũng vì lẽ này, hiện nay địa phương rất cẩn trọng với những trường hợp người dân đề nghị tự bỏ chi phí để nâng cấp đường.

“Ðầu nậu” T (mặc áo thun trắng, nghe điện thoại) hướng dẫn phóng viên mua đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” tại ấp Bình Lợi, xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành.

Có cả sự tham gia của cán bộ ðịa phương (?!)

Trong vai một người cần mua đất nông nghiệp để phân lô, chúng tôi liên lệ với cán bộ địa chính tên T tại xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành. Sau khi chúng tôi cho biết được một “đầu nậu” giới thiệu gặp T để tìm nguồn đất, anh ta tận tình hướng dẫn chúng tôi đi xem đất.

Qua sự hướng dẫn của T, chúng tôi chạy vào một con đường lớn tại ấp Chòm Dừa, xã Ðồng Khởi. Cũng như những nơi khác, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ rải đá, bên trong là cánh đồng đang canh tác của người dân. Thửa đất mà T chỉ có diện tích hơn 1 ha, đã được làm đường, đang trồng mì tươi tốt.

Ðiều làm chúng tôi bất ngờ nhất là thửa đất này có hai mặt tiền. Không rõ cơ quan, đơn vị nào quản lý mà để cả một đoạn đường bờ kênh cấp 3 bị “đầu nậu” san bằng để làm đường. T cho biết, mảnh đất này được tách ra hơn 10 thửa và đã bán hết. Còn những thửa đất khác, nếu chúng tôi có nhu cầu mua, chờ hết giờ hành chính, T dẫn chúng tôi đi xem, còn giờ anh ta bận công tác.

Ðem sự việc trên trao đổi với lãnh đạo UBND xã Ðồng Khởi, ông Trần Rạng Ðông- Chủ tịch UBND xã cho biết sẽ tiến hành làm việc với ông T để chấn chỉnh việc cán bộ địa chính làm “cò”. Riêng vấn đề bờ kênh cấp 3 bị “đầu nậu” san bằng rải đá làm đường, đó là trách nhiệm của Xí nghiệp khai thác thuỷ lợi Châu Thành, chứ địa phương không quản lý kênh (!?). Do đó, ông Ðông đề nghị chúng tôi liên hệ với đơn vị quản lý kênh để tìm hiểu.

Vấn đề vì sao đất nông nghiệp ở nông thôn thời gian qua lên cơn sốt bất thường đã phần nào được giải mã. Hệ luỵ của tình trạng này là không nhỏ với địa phương, với người bán đất và cả người mua đất. Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong thời gian tới.

Thế Nhân