Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển thực chất để thu hút đầu tư vào Phú Quốc.
Chiều 16/12, tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật được thông qua ở kỳ họp thứ 8, trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an giới thiệu những điểm mới của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47).
Luật số 47 năm 2019 quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi khu đó đáp ứng đủ bốn điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Ông Quang nói, quy định này nhằm tiếp tục thực hiện việc miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo Quyết định số 80 năm 2013 của Chính phủ.
Trả lời câu hỏi tại sao trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển sẽ khó đảm bảo an ninh quốc phòng, nhưng nội dung này vẫn được quy định trong Luật, đại tá Trần Văn Dự, Phó cục trưởng Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, lo ngại này đã được Ban soạn thảo tính toán.
Phó cục trưởng Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Trần Văn Dự. Ảnh: HT
"Chúng ta đang miễn thị thực cho người nước ngoài vào Phú Quốc 30 ngày và đang thu hút, tranh thủ đầu tư nước ngoài vào đây", ông nói và dẫn chứng các hãng hàng không đang triển khai đường bay vào đảo Phú Quốc, hiện mỗi ngày khoảng 1.000 lượt khách vào hòn đảo.
Tuy nhiên, do dự án Luật Hành chính kinh tế đặc biệt bị dừng nên "phải dùng các cụm từ kỹ thuật trong Luật 47 năm 2019 để linh hoạt trong quá trình vận dụng, ví dụ điều kiện khu kinh tế ven biển thực chất là điều kiện của đảo Phú Quốc", đại tá Dự cho biết.
Thứ trưởng Lương Tam Quang cho hay, Luật số 47 năm 2019 còn sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho lao động nước ngoài để phân biệt người nước ngoài được cấp giấy phép lao động và người nước ngoài không thuộc diện này; ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho luật sư nước ngoài để phân biệt người nước ngoài là nhà đầu tư và người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam.
Luật cũng sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu Luật hiện nay chỉ quy định một loại thị thực, thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT với thời hạn 5 năm thì Luật mới nêu rõ nhà đầu tư có vốn góp giá trị dưới 3 tỷ đồng chỉ được cấp thị thực có thời hạn không quá một năm, nhà đầu tư có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên đuợc cấp thẻ tạm trú đến 10 năm.
"Quy định trên phù hợp với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đồng thời khắc phục tình trạng lợi dụng góp số vốn nhỏ để hợp thức hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài", Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang nói.
Luật 47 năm 2019 quy định thị thực du lịch có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày để hạn chế tình trạng người nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của việc cấp thị thực du lịch (đến 3 tháng) vào Việt Nam hoạt động vi phạm pháp luật.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Nguồn VNE