BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Miền xa thẳm

Cập nhật ngày: 27/07/2018 - 07:57

BTN - Những dòng tên khắc các anh chị đã rực rỡ vàng tươi trở lại, sau mấy năm mưa gió mài mờ. Vô tình hay cố ý đây! Mà hoa cỏ đậu cũng nở vàng ươm trên từng vệt cỏ dưới chân tượng đài. Ðiệp màu với sắc nhũ vàng tươi rói trên nền đá đen huyền vĩnh cửu.

Xin mượn tên một bài hát đầy cảm xúc của nhạc sĩ Ðức Trịnh làm tên của bài viết kỳ này. Bởi bài hát ấy cho ta nhớ về những miền thẳm xa không tới được, nhưng lại luôn ở trong cõi nhớ của người đang sống. Ðấy là miền các liệt sĩ nằm xuống, an nghỉ đời đời trong nỗi nhớ thương của người thân và của toàn dân...

 

Tôi đã đến được vài miền ấy trên đất Tây Ninh. Như nghĩa trang Ðồi 82- Tân Biên, nơi yên nghỉ của 14 ngàn liệt sĩ. Ðồi 82 hơn trăm năm trước đã được coi là một quả đồi thiêng (với người quá khứ). Thì hôm nay đã thực sự trở nên thiêng liêng, ở trong nỗi nhớ của nhiều người trên cả nước, là bởi con em, cha, bác của họ vẫn nằm đây.

Nhớ một lần nhà văn Khuất Quang Thuỵ (hiện là Tổng Biên tập báo Văn nghệ) lên đây, anh đã khóc khi gặp lại đồng đội của Sư đoàn 320 tới cả trăm liệt sĩ. Nhang chia không đủ, anh đành thét vang:- Ðồng đội ơi, tôi về thăm các bạn đây! Nghĩa trang Ðồi 82 hôm nay ngập tràn hoa cỏ và cây kiểng quý.

Nhưng thương nhất vẫn là loài hoa cúc áo. Bông nhỏ như đồng xu, nhưng bền bỉ và cần mẫn bò đến từng ngôi mộ. Vào tháng 12 năm ngoái, tôi còn gặp cả hoa súng hai màu trắng, tím trong hồ nước ở trung tâm nghĩa trang. Ðằng sau là những cột thông linh. Phía trước là nhà bia, lầu chuông... đều có thể soi bóng trong hồ nước tròn, cùng với rung rinh những vệt màu trắng, tím...

Rồi đến nghĩa trang Trà Võ, nghĩa trang Hoà Thành, nghĩa trang Dương Minh Châu, nghĩa trang Châu Thành - Thành phố, hay nghĩa trang Trảng Bàng nằm ở xã Lộc Hưng (nay là Hưng Thuận)- tâm điểm của vùng “Tam giác sắt”.

Nhớ nghĩa trang Trà Võ tháng 6 leo qua đầu tháng 7 luôn cháy đỏ màu hoa phượng. Nhớ nghĩa trang Dương Minh Châu quanh năm bông trang nở đỏ hoặc vàng. Nhớ nghĩa trang Châu Thành cũng luôn rợp màu bông trang, bông sứ và cả cái mái cổng như một mái nhà sà xuống thấp, để “con bước vào phải cúi” như một sự kính cẩn nghiêng mình trước khi tới viếng thăm.

Nhớ nghĩa trang vùng ác liệt nhất ở Trảng Bàng. Ác liệt đến nỗi nghĩa trang còn có nhiều ngôi mộ gió tượng trưng, chỉ có mộ bia mà không hài cốt. Thịt xương nhiều liệt sĩ đã tan vào đất, nhưng linh hồn họ vẫn có thể đang hát ca rì rào trên những đám lá cao su xanh tốt bời bời ở phía xa kia. Vâng! Ðấy là những miền xa thẳm tôi đã đến và không sao quên được.

Vậy mà có khi tôi lại quên một miền xa thẳm thật gần. Miền ấy ở ngay phường Ninh Sơn, ngay ngã ba một lối lên Tân Châu, một nẻo đường vào núi, cách ngã tư trung tâm 30.4 và Cách Mạng Tháng Tám chỉ gần 3 cây số, lúc nào cũng nổi bật lên một trụ tháp tượng đài như một con tàu vũ trụ sắp bay lên.

Xin cảm ơn anh đốc công của Công ty Công Minh đã nhắc cho tôi nhớ. Bởi công ty anh đang hối hả thi công tu sửa lại toàn bộ công viên tượng đài anh hùng - liệt sĩ tỉnh Tây Ninh. Suốt cả tuần qua, các anh chị công nhân đã thận trọng lát lại từng viên đá vỡ, trồng lại từng ô cỏ.

Và dĩ nhiên, trau chuốt từng tấm bia đá đen khắc tên liệt sĩ ở phía sau Ðài Tổ quốc ghi công. Còn thêm, những trụ đèn mới tinh, những hồ phun nước rực đèn cho những ngày đại lễ.

Xin nhắc lại để những ai lỡ quên (như tôi) thì nhớ. Có 19 tấm bia tất cả. Một tấm giữa ghi tên các anh hùng và lãnh đạo qua các thời kỳ kháng chiến đã hy sinh. Hai bên, mỗi bên 9 tấm bia hướng về phía tượng đài như những trang sách mở ra giữa chừng sững lại. Mỗi bia khắc được 900 dòng tên họ. Tổng cộng lại là trên 16.000 liệt sĩ. Vẫn chưa đủ vì vẫn còn rất nhiều liệt sĩ không còn tên họ...

Những dòng tên khắc các anh chị đã rực rỡ vàng tươi trở lại, sau mấy năm mưa gió mài mờ. Vô tình hay cố ý đây! Mà hoa cỏ đậu cũng nở vàng ươm trên từng vệt cỏ dưới chân tượng đài. Ðiệp màu với sắc nhũ vàng tươi rói trên nền đá đen huyền vĩnh cửu.

Còn nữa, vườn cây dầu và bằng lăng bao quanh đài cũng đã lên cao, um tùm toả bóng trên những lối đi lát đá. Nếu người sống dạo chơi nơi đây có thể nghe những tiếng rì rào tán lá, như tiếng xôn xao của quá khứ vọng về.

Tôi cũng nhớ từ mấy năm qua, vào dịp lễ Phật đản, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tây Ninh cũng rước xe hoa đến nơi đây để tri ân và nhắc nhớ. Giá như có thêm một lầu chuông như lầu chuông ở chùa núi Bà đã tặng nghĩa trang Ðồi 82 Tân Biên.

Ðể ai đến, thỉnh lên thì tiếng chuông linh thiêng sẽ vang đến cả những cõi u minh nào đấy. Giữa không gian khoáng đạt với gió thổi mây bay, hoa vàng cỏ xanh, tượng đài sừng sững... có thể bạn cũng thèm nghe một tiếng chuông chùa.

Nguyễn