Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Miệt mài với nghề làm nhang
Thứ hai: 11:51 ngày 19/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khu phố Long Tân, phường Long Thành Bắc (thị xã Hoà Thành) từ lâu nổi tiếng với nghề làm nhang. Gia đình bà Trần Kim Yến là một trong những hộ còn giữ và sống bằng nghề truyền thống ở khu phố.

Bà Yến tỉ mỉ se nhang

Khu phố Long Tân, phường Long Thành Bắc (thị xã Hoà Thành) từ lâu nổi tiếng với nghề làm nhang. Gia đình bà Trần Kim Yến là một trong những hộ còn giữ và sống bằng nghề truyền thống ở khu phố. Bà Yến có gần 40 năm theo nghề làm nhang. Mấy mươi năm trước, bà Yến đến với nghề khi tuổi đời còn khá trẻ và bắt đầu bằng việc làm thuê cho các hộ làm nhang trong vùng. Sau nhiều năm làm công, bà tích luỹ kinh nghiệm rồi tự mở cơ sở làm nhang và theo nghề cho đến tận bây giờ. Bà kể, trước đây nhang được làm thủ công, mọi công đoạn phải làm bằng tay. Hiện nay, nhờ có máy móc nên các công đoạn giảm đi rất nhiều, cây nhang làm ra đều và đẹp hơn. Nghề làm nhang bây giờ bớt vất vả, nhưng người dân không còn mặn mà, do thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng. Nhiều người từ bỏ nghề để đi làm những công việc khác có thu nhập cao hơn. Cũng vì thế, ở địa phương chỉ còn vài hộ giữ nghề làm nhang truyền thống này.

Trải qua nhiều khó khăn, nhưng bà Yến vẫn cố gắng bám trụ, theo đuổi nghề. Với bà, cái nghề này khó có thể làm giàu; nhưng chịu khó làm thì không phải lo việc đói ăn, thiếu mặc. Bà Yến cho biết, nhờ nghề làm nhang mà kinh tế gia đình bà ổn định nhiều năm qua. Thu nhập từ nghề giúp bà nuôi các con khôn lớn, rồi giờ đến nuôi các cháu ăn học. Bà Yến đã quen với việc thức dậy sớm, dang mình dưới nắng để phơi nhang. Ở cái tuổi 60, bà Yến vẫn miệt mài làm nhang và chưa có ý định bỏ nghề. Bà nói: “Tôi duy trì nghề này vì đây là công việc chính của gia đình. Theo nghề ở tuổi này giúp vợ chồng tôi có việc làm nuôi sống bản thân, còn đỡ đần được con cái. Mỗi ngày, vợ chồng tôi làm ra 50kg nhang, thu nhập cũng được vài trăm ngàn đồng, đủ trang trải cuộc sống. Vào dịp tết, số lượng nhang làm ra nhiều, cũng tất bật, vất vả hơn, nhưng thu nhập kiếm được tăng hơn thường ngày”.

Đôi tay bà Yến thoăn thoắt hết cho tâm vào máy đến cho bột vào phễu. Bà vui vẻ nói thêm: “Ngày nay, nghề làm nhang mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng ở một số công đoạn vẫn phải cần đến đôi tay. Phơi nhang nhìn thì dễ nhưng rất vất vả vì phải thường xuyên theo dõi, quan sát, phải canh để trở mẻ nhang cho đều nắng. Nhang phơi đủ nắng có mùi thơm, bảo quản được lâu. Còn nếu trời mưa mà không thu gom kịp, bột nhang sẽ bị rã, mẻ nhang đó coi như bỏ. Mùa nắng làm nhang thích lắm, mau khô, cho màu đẹp. Còn mùa này cực lắm, một ngày gom vô không biết bao nhiêu lần, đang ăn cơm, mưa đến bỏ chén cơm mà chạy cho kịp. Dưới cái nắng gắt, người làm nhang phải luôn tay phơi và thu gom nhang khô vào nhà, để quá nắng thân nhang sẽ bị cong, không đẹp. Vì thế người làm nhang phải kiên nhẫn, yêu nghề mới gắn bó lâu dài”. Bà Yến chia sẻ, từng có nhiều người gần xa tìm đến làng nhang, ghé thăm nhà bà để tìm hiểu công đoạn làm nhang. Thấy họ thích thú, chụp nhiều ảnh nên bà rất vui, là động lực để bà gìn giữ nghề truyền thống của gia đình.

Bà Yến phơi nhang

Chị Bùi Thị Huệ, sinh năm 1970, ngụ tại khu phố Long Thời, phường Long Thành Bắc đến với nghề làm nhang như duyên nợ. Cái nghề này giúp kinh tế gia đình chị đi lên, có cuộc sống ổn định. Chị Huệ kể, vợ chồng chị ở Đồng Tháp lên Tây Ninh lập nghiệp. Những ngày đầu ở vùng đất mới, gia đình chị rất khó khăn, phải làm nhiều việc kiếm sống. Tại khu phố, có một số gia đình làm nhang. Chị để ý thấy các công đoạn làm nhang đều được làm bằng máy móc, cũng dễ làm, nên chị xin vào học nghề. Nhưng bắt tay vào làm mới biết không dễ như suy nghĩ. Do chưa quen tay, quen việc, chị khá vất vả để sử dụng máy móc, những mẻ nhang đầu tiên không đạt như mong đợi. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm khách hàng, mối bán rất khó khăn. Không nản chí, chị nghiên cứu để cây nhang sản xuất ra được đẹp, đem đi chào hàng khắp nơi. Dù công việc vất vả, nhưng càng làm chị càng thích, càng yêu nghề, rồi gắn bó từ lúc nào không hay. Cứ thế, cái nghề này theo chị cho đến tận bây giờ.

Chị Huệ khoe sản phẩm nhang

Nghề không phụ lòng của người yêu mến và gìn giữ nó. Sau hơn 10 năm theo nghề, sản phẩm nhang do chị Huệ làm ra được ưa chuộng bởi đẹp mắt, có hương thơm tự nhiên, giá cả phải chăng. Chị Huệ cho biết, nghề làm nhang rất vất vả, lời lãi không nhiều, chủ yếu lấy công làm lời. Để có nhang kịp đem phơi nắng, chị phải thức từ sớm. Chị làm ra 2 loại nhang: nhang thường và nhang thơm. Chị thực hiện luôn công đoạn đóng gói sản phẩm mới cho ra thị trường, chủ yếu bán trong tỉnh.

Công việc vất vả nhưng chị Huệ thấy rất vui. Vì nhờ nghề này mà chị có thu nhập ổn định. Chị tự hào và biết ơn cái nghề này. Với chị, làm nhang không chỉ là nghề để kiếm sống, mà đã trở thành đam mê, là động lực để chị không ngừng phát triển nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm nhang để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính. Trung bình mỗi ngày cơ sở của chị làm được 200kg nhang. Một mình chị làm không xuể, phải thuê 2 nhân công làm ăn theo sản phẩm. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng chị có thu nhập ổn định từ 8 đến 10 triệu đồng. Theo chị Huệ, nghề làm nhang không chân lấm tay bùn nhưng nhọc nhằn, luôn chân luôn tay. Trong các công đoạn làm nhang, trộn bột là công đoạn quan trọng nhất, bột phải mịn mới làm ra cây nhang đẹp, bóng. Nếu pha trộn không đúng cách thì nhang rất dễ bị vỡ, mùi hương của nhang không thơm, mau tàn, cháy không đều, cháy không hết.

Được phơi đủ nắng, nhang sẽ có màu đẹp, có hương thơm

Theo những hộ làm nhang lâu năm, nghề làm nhang cần có vốn mới theo được, ngoài chi phí mua máy móc, nguyên liệu thì trong làm ăn, người làm nhang phải chấp nhận giao hàng theo kiểu “gối đầu” mới giữ được thương lái, bạn hàng. Vì vậy, nhiều người không bám trụ nổi, đành bỏ nghề, đi se nhang thuê cho các hộ khác.

Chị Nguyễn Thị Hiền- Chủ tịch Hội LHPN phường Long Thành Bắc cho biết, qua nhiều năm, nghề làm nhang truyền thống ở phường bị thu hẹp do hiệu quả kinh tế đem lại không cao, các hộ thiếu vốn sản xuất, đầu ra. Vừa qua, Hội đã thành lập mô hình Tổ phụ nữ phát triển nghề truyền thống - làm nhang tạo sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm khuyến khích, hỗ trợ vốn cho hội viên phụ nữ, vừa tạo việc làm, vừa giữ gìn và phát triển nghề truyền thống ở địa phương.

THẾ ANH

Báo Tây Ninh
Tìm hiểu cv là gì Khám phá script trong công việc
Tin cùng chuyên mục