Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày nay, muốn tới miếu Bà đã thật là tiện lợi. Từ ngã tư Thanh Điền trên quốc lộ 22B, rẽ về hướng cầu Gò Chai. Đến 1 ngã tư nữa, rẽ phải là đường ra thẳng ấp Thanh Bình rất êm thuận.
Cổng chào xã nông thôn mới An Bình cao, rộng khang trang. Điều này khiến ai người thành phố Tây Ninh từng đến miếu Bà từ hơn 10 năm trước buộc phải trầm ngâm nhớ lại.
Lúc ấy làm gì đã có đường đi, chỉ có đoạn đầu qua xã Thanh Điền là đường thôn đất đỏ. Sau đấy cứ bờ ruộng mà đi, xe máy phải là “tay lái lụa” mới có thể bươn vào tận ngôi miếu nhỏ tận cùng trong xóm vắng.
Miếu Bà ở bến Thốt Nốt.
Cho đến tận bây giờ, vào năm 2020, dù ấp đã có đường đá nhựa, lại nối dài ra thêm một con đường xuyên qua cánh đồng Sẩm Nổi mà sang xã Ninh Điền, vậy mà ở vào cuối xóm nên khu miếu Bà vẫn còn vắng vẻ đìu hiu trong những ngày thường.
Thường chỉ thấy hai bà coi miếu, một bà luôn tay têm những miếng trầu xanh xinh xắn. Hỏi bà sao têm nhiều trầu thế? Bà móm mém cười bảo, ngày nào chẳng dâng trầu nước lên ban cho các Mẫu dùng. Trầu và cau vẫn là những thứ quen thuộc của đất An Bình (Thanh Điền ngày trước). Lá trầu vừa hái, tươi non xanh mướt.
Trái cau tươi bổ tư, được cuốn lại vừa xinh trong mỗi lá trầu. Mỗi dĩa dâng lên trông như cái tổ chim mà bầy chim xúm vào giữa dĩa, nơi đặt một túm thuốc rê sợi vàng như râu bắp. Thật đẹp và điệu đàng chẳng kém những trầu têm cánh phượng ngày xưa.
Được những bàn tay khéo léo của làng quê chăm sóc, các ban thờ không chỉ có trầu thuốc mà còn luôn có hoa tươi, trái ngọt cùng khói nhang ngào ngạt toả thơm. Ban thờ nay cũng đã khang trang, tô đắp thêm những cửa võng, phù điêu trang trí. Hai bên đặt hạc đậu lưng rùa đắp vữa xi măng. Trên ban thờ đặt nhiều pho tượng thờ, gồm hai bộ “Ngũ hành nương nương”.
Thêm nữa là ba pho của những: Chúa xứ nương nương, Mẫu hoàng, Địa mẫu. Ba pho sau lớn hơn hẳn, đều cao hơn một mét. Tất cả được đặt ngay nhau trên cùng một bệ thờ. Nghĩ lại mà coi! Cùng với sự phát triển của quê hương, các ngôi thờ tự thuộc tín ngưỡng dân gian cũng có những chuyển dịch, biến thiên chưa từng có.
Như ngôi miếu Bà bến Thốt Nốt này đây! Thoạt đầu miếu chỉ là một ngôi miễu ngang 1 mét, dài 1,5 mét, nằm lọt thỏm trong vườn cây rợp bóng rộng tới hơn 3 công đất. Vậy nên thường phải dựng tạm chiếc vỏ ca phía trước rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu cúng kiếng của bà con tín ngưỡng.
Ngày nay, sau một cuộc “đại trùng tu” vào năm 2007, miếu đã lớn lên như một ngôi đình. Ngôi chính điện vuông 5 mét mỗi bề này cấu trúc kiểu xưa với bộ khung tứ trụ, mái ngói ta xoè ra hình bánh ít. Cái vỏ ca phía trước cũng dài rộng thêm, che toàn bộ khoảng sân hàng trăm mét vuông, từ cổng vào cho đến miếu.
Đấy là còn chưa kể tới những dãy nhà phụ bên hông. Hay các ngôi miễu nhỏ trước sân, được xây kiểu “liên kề” như nhà phố, mỗi căn có bề ngang chỉ hơn một mét. Căn thờ ông Tà, căn của Thần tài - Thổ địa.
Miếu Ông Hổ kề bên miếu thờ binh gia, chiến sĩ. Lại có cả hai ngôi lớn hơn thờ Quan thánh Đế quân và ông “Cố Tổ lục”. Bà lão têm trầu bảo, ông tổ là người chủ đầu tiên của khu đất này từ những ngày xưa. Các vị thần theo tín ngưỡng dân gian, cũng đã theo dòng thời gian mà biến đổi. Thường chỉ có thêm vào mà không bị mất đi.
Têm trầu dâng Bà mỗi ngày.
Những câu chuyện chắp nối từ hơn 10 năm qua cho thấy. Thoạt tiên, miếu chỉ thờ bà Hoả- là một trong 5 vị “Ngũ hành nương nương”: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Nguyên do là từ thuở các lưu dân Việt tìm đến đây “khai cơ mở đất”.
Vào những đêm hoang lạnh rừng suối nguyên sơ, thỉnh thoảng người ta thấy những vệt lửa to như bó đuốc vụt bay lên từ những chòm cây thốt nốt đứng chơ vơ trên rỗng Bà Cầu. Cho rằng đấy là nơi có thần linh trú ngụ, thêm nữa là việc chăn nuôi gia súc gia cầm cũng không hiệu quả, do nhiều dịch bệnh gây ra.
Do vậy, dân xóm hùn lại cùng dựng lên ngôi miếu thờ bà Hoả, cầu mong “Bà” phù hộ, tống quái diệt ôn để bảo vệ mùa màng cùng các loại vật nuôi. Tương truyền, từ đấy mà bệnh dịch thuyên giảm hẳn. Tiếng lành đồn xa, miếu bà Thốt Nốt thành ra nổi tiếng linh thiêng… Thời gian sau nữa thì sản xuất phát triển, không chỉ có nghề nông mà còn nhiều nghề nghiệp khác như mộc, rèn…
Dân xóm cũng tiếp thu tinh thần tín ngưỡng ở các nơi phố xá, nên các tượng thờ đã là cả 5 vị Ngũ hành. Kể từ năm 2007 trở đi, mới có thêm các vị Chúa xứ, Mẫu hoàng, Mẫu địa như một số nơi thờ tự khác. Một tiếp biến văn hoá rõ rệt của các ngôi đền miếu dân gian là sự nhích gần hơn nữa về Phật giáo. Nhiều ngôi ở Tây Ninh, trong đó có miếu Bà Thốt Nốt, đều đã có cấu trúc “tiền Phật, hậu Thánh”.
Mà biểu tượng phật phần nhiều là đài tượng Quán Thế âm bồ tát đặt ở vị trí trang trọng nhất, trước sân. Miếu tổ chức “xuân thu nhị kỳ” hai dịp cúng mỗi năm, vào các ngày 15 - 16.4 và 16 - 17.10 (âl). Thường vào dịp này, các nhóm hát múa hầu đồng cũng có mặt, góp cho lễ cúng nhiều màu sắc âm thanh, không thể thiếu những màn múa mâm vàng đặc sắc. Người từ thành phố Tây Ninh và các địa phương khác cũng về dự cúng.
Còn với những ai không chú ý nhiều đến văn hoá dân gian? Thì An Bình cũng là một miền đất còn nồng hậu những đơn sơ quê kiểng có lẽ đã lưu giữ nhiều hình ảnh thời khai hoang mở đất của cha ông.
Từ miếu đi thêm hơn trăm mét nữa là tới bến nước xưa được gọi là bến Thốt Nốt. Bởi trên bến trơ vơ những cây thốt nốt già nua, nhiều cây đã chết chỉ còn như một dấu than (!) lặng đứng. Đây có thể là một trong những bến thuyền đầu tiên của lưu dân theo sông Vàm Cỏ Đông từ miền hạ đi lên.
Trước bến, bên kia rạch là miên man xanh lúa của cánh đồng Sẩm Nổi. Con rạch đã bị lục bình và cây hoang chen kín, vì chắc đã lâu không sử dụng thuyền ghe. Vài chiếc còn ở bến thì cái bị nhấn chìm, cái đã bị bỏ cho hoang phế. Xã nông thôn mới An Bình đã có thêm con đường chạy qua giữa cánh đồng Sẩm Nổi, nên con đường ấy thuận lợi hơn cho mọi việc trên đồng.
Gặp một vài người cao tuổi ở bến Thốt Nốt, có người nhớ con rạch trước bến trước kia được gọi là rỗng Bà Cầu. Từ “rỗng” chắc là phương ngữ của người Thanh Điền xưa. Có người bảo, rỗng là do đường trâu bò đi, hoặc đường xe bò đi lâu, lún xuống mà thành, như mương, như rạch nước. Bà con nơi đây cũng gọi cái gò nổi giữa cánh đồng kia là Sẩm Nổi. Sẩm cũng không có trong từ điển cổ. Chỉ có từ Sâm, hoặc Sầm với ý nghĩa là: “Chỗ có cây cối rậm, khuất tịch” mà thôi.
Cổ miếu Bà, bến nước, cánh đồng… Tất cả vẫn còn kia, dù đã có ít nhiều đổi khác. Con đường mới cho người đi qua luôn thấy một cảnh sắc mới mẻ, tươi non. Vào mùa nước nổi, cánh đồng Sẩm Nổi như một biển nước mênh mông, bởi nước đã tràn bờ sông Vàm Cỏ Đông. Hàng ngàn cánh cò trắng chấp chới bay mách cho con người, rằng đây là một miền đất lành- miền đất có miếu Bà Thốt Nốt.
TRẦN VŨ