Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Miếu Bà xứ Trảng
Chủ nhật: 23:25 ngày 20/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong cộng đồng, cư dân lập miếu thờ các vị nữ thần, cầu sự che chở, bảo hộ của các Bà. Có những ngôi miếu đến nay đã hàng trăm năm tuổi, chứng kiến và mang trong mình những biến thiên của thời cuộc cùng những câu chuyện đậm tính dân gian gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Trảng Bàng.

Miếu Bà Cây Xay (phường Trảng Bàng). 

Tại Trảng Bàng, các nữ thần được đông đảo cư dân tôn thờ như bà Chúa xứ, Linh Sơn thánh mẫu, Ngũ Hành nương nương, bà Thuỷ Long, bà Chúa Tiên, bà Chúa Ngọc, Địa Mẫu hay những vị nữ thần trong tín ngưỡng của người Hoa như Thiên Hậu thánh mẫu, Kim Hoa thánh mẫu, Lê Sơn thánh mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ... Bồ tát Quan Âm của Phật giáo trong hình tướng của người phụ nữ cũng được dân gian hoá như một vị nữ thần có tấm lòng từ bi, luôn che chở, cứu khổ, ban niềm vui cho người dân và có cách gọi thân mật, tôn kính là “mẹ Quan Âm” hay “Phật Bà”.

Quan niệm dân gian “mỗi xứ có một Bà” nên phần lớn là miếu thờ bà Chúa xứ. Miếu thờ Ngũ Hành nương nương có số lượng khá nhiều với 6 ngôi (phường Trảng Bàng có 4 ngôi: 2 miếu ở khu phố Lộc Thành, 2 miếu ở khu phố Gia Huỳnh; phường An Tịnh có 1 ngôi miếu ở khu phố An Thành; phường Gia Bình có 1 ngôi ở khu phố Chánh).

Là nơi phát tích nên tục thờ Linh Sơn thánh mẫu (Bà Đen) hay còn được xem là quê hương của Bà theo huyền tích Lý Thị Thiên Hương, Trảng Bàng có 2 ngôi miếu thờ Linh Sơn thánh mẫu (1 ngôi ở Giếng Mạch thuộc khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng và 1 ngôi ở ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận). Ở Trảng Bàng nói riêng và cả Tây Ninh nói chung có duy nhất ngôi miếu thờ Thuỷ Long thánh mẫu độc lập nơi đầu rạch Vàm Trảng, một đoạn của sông Vàm Cỏ Đông, thuộc khu phố An Thới, phường An Hoà.

Các vị nữ thần còn được phối thờ chung với nhau trong cùng một ngôi miếu, nhiều nhất là bà Chúa xứ, Ngũ Hành nương nương, Địa Mẫu, Phật Bà Quan Âm... hay Thiên Hậu thánh mẫu được phối thờ ở miếu Bà Cây Cầy (phường Gia Lộc), Lê Sơn thánh mẫu được phối thờ ở miếu Bà Ngũ Hành Cây Da (phường Trảng Bàng) đã thể hiện sự cộng cư của cộng đồng người Việt và người Hoa ở Trảng Bàng.

Dung hoà trong tín ngưỡng dân gian hay tinh thần nhập thế của Phật giáo mà ở các đình làng, chùa có lập miếu thờ Bà, riêng Linh Sơn thánh mẫu còn được đạo Phật suy tôn là Bồ tát, trở thành vị hộ pháp chốn già lam với hơn 10 ngôi chùa ở Trảng Bàng có miếu thờ.

Miếu Bà An Phú (phường An Hoà) dưới cây trôm cổ thụ.

Xưa, việc lập miếu thờ là việc lớn rất được chú trọng, đều do quan chức tại địa phương, các vị chủ, cả trong thôn, ấp cùng nhân dân đứng ra thực hiện. Vị trí được chọn để cất miếu thường trên gò đất cao, có phong cảnh đẹp như miếu Bà Chúa xứ Nguyên Nhung (xã Đôn Thuận), miếu Bà Ngũ Hành (gần chùa Huỳnh Long, phường Trảng Bàng); nơi có nhiều cổ thụ như miếu Bà Chúa xứ Bàu Rong (phường Gia Lộc); gần sông nước hay khu vực thị tứ như miếu Bà Thuỷ Long (phường An Hoà) quay mặt ra sông Vàm Cỏ Đông, miếu Bà Ngũ Hành (hương lộ 10, khu phố Lộc Thành), miếu Bà Chúa xứ Bến Ghe (phường Trảng Bàng) có vị trí gần như đối diện nhau ở hai bên đầu kênh Trảng Bàng, có mặt tiền quay ra kênh.

Cho rằng giếng mạch bắt nguồn từ núi Bà Đen, trên núi lại có Bà cai quản, và để cầu mong Bà phù hộ cho nguồn nước của giếng mạch tồn tại lâu dài, dân chúng đã xây dựng ngôi miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu (phường Trảng Bàng) ở cạnh giếng. Miếu Bà Ngũ Hành (đường Duy Tân, khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng) ở vị trí bên cạnh kênh, chợ Trảng Bàng (nay là chợ cũ Trảng Bàng) và gần với miếu Ông Cả, đình Gia Lộc, các hội quán, nghĩa từ của người Hoa.

Hay, ngôi Ngũ Hành cổ miếu còn được biết đến là miếu Bà Cây Da (phường Trảng Bàng) ở vị trí cũ của đình Gia Lộc sau khi đình di dời về vị trí mới vào khoảng những năm 1929... Tất cả các vị trí được chọn để xây dựng miếu thờ đều dựa theo những yếu tố về phong thuỷ và thuận tiện cho cư dân đến viếng.

Ở Trảng Bàng, buổi đầu phần lớn các miếu thờ nữ thần được dựng bằng tre lợp lá, sau được cải tạo lại bằng cột gỗ, lợp ngói. Đến nay, hầu như các miếu đều được xây dựng kiên cố, khang trang bằng bê tông, cốt thép với kiến trúc truyền thống theo lối 3 gian hay kiểu nhà tứ trụ.

Nhiều nơi vẫn còn giữ ngôi miếu nhỏ từ xưa đến nay như miếu Bà Chúa xứ Cây Sao, miếu Bà Chúa xứ Cây Dương (phường An Tịnh), miếu Bà Cây Xay (phường Trảng Bàng) được dựng mái thiếc che lên bên trên phủ cả ngôi miếu.

Khánh thờ Linh Sơn thánh mẫu ở chùa Phước Lưu (phường Trảng Bàng).

Trang trí ở các miếu thờ đa phần đơn giản, ít cầu kỳ. Ở một số miếu có dùng tượng gốm Cây Mai, tượng gốm Lái Thiêu xưa để trang trí trên nóc và cột rào như ở Linh Sơn thánh miếu (khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng) có tượng lưỡng long tranh châu, ông Nhật, bà Nguyệt; miếu Bà Ngũ Hành (đường Duy Tân, khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng) có tượng lưỡng long tranh châu, lân, cá hoá rồng. Hiện nay, nhiều ngôi miếu sau khi trùng tu đã được trang trí lại với các tượng gốm, xi măng hay đá Non Nước.

Các hoành phi, liễn đối ở miếu nay thường được đắp nổi bằng xi măng trực tiếp trên tường rồi sơn son thếp vàng hoặc sơn màu, riêng ở Linh Sơn thánh miếu (phường Trảng Bàng) còn 2 bức hoành bằng gỗ: “Thiên thu thánh mẫu”, có lạc khoản “Cung hạ tuế thứ Tân Mão niên bát nguyệt cát nhựt tạo, Hồng ân Thất Phủ Hoà An hội bổn hội đồng kính bái” do cộng đồng người Hoa, người Minh Hương ở Thất phủ hội quán Trảng Bàng cúng cho miếu vào năm 1951.

Bức thứ hai ghi “Linh Sơn thánh miếu”, có lạc khoản bằng chữ quốc ngữ cho biết xây dựng vào năm 1932 và trùng tu vào năm 1999. Một số miếu thờ có khánh thờ Bà được chạm khắc gỗ như miếu Bà Linh Sơn, miếu Bà Chúa xứ Cây Gõ (phường Gia Lộc). Mỹ thuật nhất là khánh thờ tại miếu Bà Ngũ Hành (đường Duy Tân, phường Trảng Bàng) được chạm trổ phụng triều nhật, hạt chầu, dơi, hoa lá và trên có cuốn thư chạm chữ “Ngũ Hành cung”.

Khánh thờ Ngũ Hành nương nương ở miếu Bà Lộc Thành (phường Trảng Bàng).

Trước đây, bên cạnh miếu Bà Ngũ Hành (phường An Tịnh) có ngôi miếu thờ Quan Công, thường gọi là miếu Ông do cộng đồng người Việt và người Hoa tại địa phương cùng thành lập nên. Trong thời gian chiến tranh, miếu Ông bị đốt cháy, cư dân địa phương đã di dời tượng Quan Công, Mã Đầu tướng quân, ngựa xích thố qua bên miếu Bà Ngũ Hành và phối thờ đến ngày nay. Ở miếu còn có bức hoành phi “An Nghĩa miếu”, có thể đoán định rằng đây là tên của ngôi miếu Quan Công trước đây.

Phí Thành Phát

Tin cùng chuyên mục