Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nói đến miếu Ngũ Hành trên đất Tây Ninh, nhiều người chắc sẽ nhớ đến lời hát của gia đình cô đồng Mơ hát ở miếu Ngũ Hành xóm Hố. Cô đồng Mơ có thâm niên trên dưới 40 năm đi hát chầu mời trong tiết mục múa mâm vàng ở các đền miếu Tây Ninh.
Những câu hát mở đầu của cô thường là: “Ngũ hành năm vị chị em/ Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ mời ngắm xem am tiền/ Am tiền ai khéo lập khéo xây/ Bên Đông con phụng múa, bên Tây bà ngự về/ Bà về xem trưởng xem ca/ Về xem đờn xem điệp, Bà xem qua mâm vàng…”.
Có lẽ, đây cũng là tiết mục thu hút nhất của một lễ hội cúng Bà ở các miếu Ngũ Hành. Trẻ em và người lớn xúm xít vòng quanh trong ngôi võ ca, nơi diễn ra màn múa hát.
Người lớn thường gửi các mâm vàng, phẩm vật cúng nhờ các cô đồng dâng lên cùng những lời ước nguyện. Trẻ em thường chăm chú xem những trò diễn múa lạ lùng ít khi chúng thấy ở tivi.
Miếu Ngũ Hành xóm Hố.
Các lễ hội cúng miếu Ngũ Hành thường diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Đây là một trong nhiều lễ cúng thuộc về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Tín ngưỡng này có nguồn gốc rất xa xưa từ vùng châu thổ sông Hồng. Sau này, trong cuộc khai phá mở mang vùng đất mới phương Nam, khoảng từ thế kỷ 17 về sau, lưu dân Việt đã mang theo tập quán tín ngưỡng về vùng đất mới.
Tục thờ Mẫu chính là một sinh hoạt văn hoá phổ biến của người dân lao động, chủ yếu là nông dân. Rõ ràng, nó có sức sống mãnh liệt và uyển chuyển, thích nghi, hoà hợp với các tín ngưỡng của người dân bản địa. Trên đất Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại suốt mấy trăm năm, từ thời mở đất cho đến ngày nay.
Khoảng 200 năm trước (1820), Trịnh Hoài Đức trong sách Gia Định thành thông chí đã ghi nhận về sinh hoạt tín ngưỡng trên vùng đất Nam bộ. Đấy là “Họ (người dân) hay chuộng đạo Phật, tin việc đồng bóng, kính trọng nữ thần như bà chúa Ngọc, bà chúa Đông (quen gọi người phu nhân tôn quý bằng Bà), bà Hoả Tinh, bà Thuỷ Long và cô Hồng, cô Hạnh…”.
Sau này, một số nhà nghiên cứu cho rằng tục lệ thờ Bà (Mẫu) trên vùng đất phương Nam là có thêm sự ảnh hưởng của đạo Lão- thời kỳ suy thoái. Như nhà văn Sơn Nam trong sách Đình miếu Nam bộ xưa và nay, có đoạn: “Đạo Lão chủ trương sống theo tự nhiên, không bị ràng buộc.
Ăn uống tuỳ thích, hưởng thụ tuỳ theo nhu cầu, làm bạn với thiên nhiên, vui đùa thoải mái để được sống lâu. Đồng thanh tương ứng, người cùng một ao ước, thích gặp nhau như kiểu một câu lạc bộ, nhập thân vào thế giới của nhang đèn để ca hát, múa, nhảy…”.
Cho đến nay, ở các miếu Ngũ Hành hoặc có phối thờ Bà Chúa xứ, hay các Mẫu khác, thì các lễ hội vẫn diễn ra, với xu hướng ngày càng đông vui, trang trọng.
Trong đó, nhất thiết không thể thiếu đi phần hát múa bóng rỗi, mâm vàng. Dĩ nhiên, đấy là vào những năm còn chưa xuất hiện dịch Covid-19. Trong 2 năm 2020-2021, đa số các lễ hội tạm ngưng, hoặc chỉ còn lễ nghi dâng cúng nội bộ.
Lễ cúng hoành tráng nhất gần đây chỉ còn ở miếu Bà Chúa xứ Phước Tân (xã Thành Long). Tại đây cũng có phối thờ các bà Ngũ Hành. Đấy là vào ngày 5.6.2020, nhằm 24 tháng 4 Canh Tý (tháng nhuận) khi cao điểm dịch đã đi qua, Tây Ninh vừa trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Sách Đình Nam bộ xưa và nay của 2 tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường (Nhà xuất bản Đồng Nai, năm 1999) cũng xếp Ngũ Hành nương nương vào mục các nữ thần (chương IV- Tập hợp các thần linh dân dã được tích hợp vào đình Nam bộ).
Quả nhiên là ở Tây Ninh, ngoài các miếu Ngũ Hành hoặc các miếu phối thờ nhiều vị “Mẫu” dân gian, thì nhiều ngôi đình cũng có miếu nhỏ thờ ngũ hành.
Theo nghiên cứu trên, thì “Ngũ Hành Nương Nương là 5 vị nữ thần biểu tượng năm chất cấu tạo vũ trụ. Vì vũ trụ sanh nên biểu tượng nữ, đồng bào thường gọi là “Năm Mẹ”: Thổ Đức Thánh Phi, Hoả Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thuỷ Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi.
Dân gian tin rằng năm vị thần vừa kể có quyền năng với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim loại, nước nôi, cây gỗ... Do đó được đông đảo quần chúng tôn thờ, nhất là vùng ven thành phố”.
Các ông cũng cho biết thêm là, trước đây miếu Ngũ Hành chỉ thờ bằng các bài vị đặt trên ban thờ. Gần đây mới có phong trào thay thế bài vị bằng các tượng thờ xi măng với tượng trưng cho năm chất bằng các màu áo: vàng, đỏ, xanh lá cây, trắng, tím.
Đối chiếu với tình hình ở các miếu ngũ hành thuộc TP. Tây Ninh và huyện Châu Thành, thì Thành phố trước đây có 2 miếu Ngũ Hành. Một ở khu phố 5, phường 1 mà người dân quen gọi là xóm Hố; hai ở trên đường Tua Hai, ngay dưới bóng cây dầu cổ thụ lớn nhất TP. Tây Ninh. Vài năm gần đây, ngôi miếu này biến thành miếu thờ Linh Sơn thánh mẫu, được xây dựng lại hết sức khang trang, đẹp đẽ.
Xét về địa thế, những ngôi này đều gần các ngôi chợ của TP. Tây Ninh. Như ngôi xóm Hố rất gần khu chợ cũ, ở góc đường Lê Lợi - Trần Hưng Đạo ngày nay.
Thời chưa có xe hơi, người dân đi lại, chuyên chở hàng hoá chủ yếu là trên kinh rạch. Từ bến gần chợ cũ, thuyền xuôi theo dòng rạch khoảng hơn cây số là tới miếu Ngũ Hành.
Sau này chợ chuyển về gần cầu Quan, hoặc về vị trí chợ Thành phố hiện nay, lại rất gần ngôi miếu đường Tua Hai. Những thợ thuyền, chủ cơ sở dịch vụ liên quan đến “đất đai, củi lửa, kim loại, nước nôi, cây gỗ…” rất tiện việc cúng lễ trong năm.
Còn ở Châu Thành, miếu Bà bến Thốt Nốt thuộc xã An Bình đã có biến đổi về các Mẫu thờ phụng. Trong đó, chiếm vị trí chủ yếu trên ban là các vị Mẫu Hoàng, Mẫu Địa và Chúa xứ nhưng vẫn còn tới 2 ban thờ 5 vị Ngũ Hành.
Truy tìm nguồn gốc, cho thấy miếu này thoạt tiên thờ bà Hoả (Hoả Đức Thánh Phi). Đấy là do khi lưu dân tới khai phá, nơi đây còn nhiều lam sơn, chướng khí, thường có hiện tượng thấy lửa bốc cao quá ngọn cây rừng. Trên gần biên giới thuộc xã Thành Long, còn một ngôi miếu nữa.
Tiếng là thờ Bà Chúa xứ Nguyên Nhung, nhưng tượng thờ nổi bật lại là tượng 5 vị Ngũ Hành nương nương, với đầy đủ trang phục áo khăn, mũ miện thêu thùa kim tuyến gắn đá thuỷ tinh long lanh đẹp đẽ. Sự biến động về tượng thờ ở đây cũng có thể là do từng có chợ trời Phước Tân bán buôn sôi động ở gần đây.
Người dân đến cúng bái tại ban thờ Ngũ Hành ở miếu Bà Chúa xứ Phước Tân (xã Thành Long) Ảnh chụp vào tháng 6.2020.
Như vậy là, trên địa bàn TP. Tây Ninh hiện chỉ còn 1 ngôi miếu Ngũ Hành xóm Hố (khu phố 5, phường 1). Miếu nằm trên một bến sông đẹp tuyệt, xưa gọi là bến Miễu.
Xa hơn nữa, còn có tên là bến Voi, do hằng ngày có những đàn trâu rừng và voi về uống nước, tắm bùn. Bến Miễu từng có cả một cụm rừng xưa sót lại. Ngày nay vẫn còn những cây sao, bụi duối có tuổi mấy trăm năm.
Cây trôm cổ thụ có gốc rễ trồi lên trong đường tròn đường kính 10m thì đã chết. Nhưng vẫn còn bụi duối cổ xưa cộng sinh với cây bồ đề trùm lên các ụ đất ngổn ngang gạch cổ giống như gạch xây tháp Cổ Lâm, Chót Mạt và Bình Thạnh.
Một vài cụ cao tuổi thường qua lại cúng miếu kể rằng, theo lời các cụ sơ, cụ cố truyền lại thì miếu đã có trên 200 năm tuổi tác. Ngôi võ ca khung cột gỗ xưa tồn tại cũng quá trăm năm, nay phải lợp tôn thay mái ngói. Còn phần ngôi miếu chính được xây gạch còn đến giờ cũng gần 90 năm tuổi, đã mấy lần thay từ ngói sang tôn, và năm nay lại có nhà tài trợ chuyển từ tôn về ngói.
Các ngôi miếu Ngũ Hành ở thành phố Tây Ninh vẫn đang gồng mình lên chống chọi với sức nặng thời gian, và cả nguy cơ quên lãng của con người.
TRẦN VŨ
(còn tiếp)