Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Miếu ngũ hành (tiếp theo và hết) 

Cập nhật ngày: 11/08/2021 - 00:30

BTN - Nếu ta coi kiến trúc miếu là “phần xác”, thì “phần hồn”- văn hoá phi vật thể theo cách gọi hiện nay, là lễ hội cúng miếu Ngũ Hành cũng không kém phần đặc sắc. Ðấy là so với các lễ hội tôn giáo hoặc dân gian Tây Ninh đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Miếu Ngũ Hành phường 1, nay là miếu bà Linh Sơn Thánh mẫu.

Nói về gánh nặng thời gian và sự quên lãng của con người thì miếu xóm Hố đang có nhiều nguy cơ nhất, bởi những phần đã xây dựng và tồn tại tới nay đều trên dưới trăm năm. Ở ngôi miếu chính, mặt bằng vuông mỗi bề 4m, được xây khá chắc chắn với trụ gạch vuông, tường xây 3 phía, chừa cửa chính về phía trước.

Thế nhưng, mái ngói móc thường xuyên chịu cảnh cây cổ thụ gãy nhánh rơi xuống. Người dân phải chặt tỉa những cành cây lớn sà trên mái trước mỗi mùa mưa bão. Vậy mà cũng đã mấy lần hư hại, phải thay thế hay lợp lại.

Ngôi võ ca, nơi diễn ra các tiết múa hát chầu mời, múa mâm vàng cũng là nơi làm lễ cầu an do sư sãi các chùa Phật về dâng cúng. Có thể đây là ngôi võ ca đẹp và cổ nhất còn lại trong khu vực TP. Tây Ninh và huyện Châu Thành.

Dù mặt tiền miếu chỉ 4m, nhưng võ ca mở rộng về phía trước với một mặt bằng vuông, rộng 5,4m và sâu 5,7m. Võ ca chia thành 3 nhịp, 3 gian không tường vách. Chỉ có những hàng cột gỗ gõ (hoặc lim) đen bóng, cột tứ trụ có đường kính hơn 30cm. Kết cấu cột, kèo, ngàm, xiên, trính tạo nên một bộ khung kết cấu vững chắc đỡ bộ mái ngói hình bánh ít quen thuộc của kiến trúc miếu đình truyền thống phương Nam.

Từ năm 1962, do bom đạn làm hư, sập nên mái ngói phải thay bằng mái tôn. Mấy lần thay mới hay sửa chữa, mái đình vẫn là màu tôn gỉ sét. Tuy vậy, cũng không sao! Vì linh hồn ngôi võ ca vẫn là bộ cột.

Người xóm Hố đã cố giữ gìn bộ cột, cho dù bị đạn bom phá hoại một phần; phần nữa là do mối mọt và sự huỷ hoại của thời gian. Cách nay trên 10 năm, các vị trong Ban hội miếu đã dùng dầu nhớt chống mối mọt thành công. Thì đến năm nay, sự huỷ hoại của thời gian đã khiến bộ khung cột kèo xiên trính này bị hư hại, vô phương chống đỡ.

Nhiều cây cột mục ruỗng vào tận trong tâm cột. Các cây xiên, cây trính nứt toác hoặc bị mối ăn tơi tả, chỉ còn như tựa vào kết cấu. Dù mái tôn sắt nhẹ, nhưng quá nửa số cây rui đã mục nát, chỉ còn lại hình thù hay dấu vết.

Không ai dám chắc là ngôi võ ca này còn đứng được bao lâu. Vậy nên, nếu dịch bệnh đã lui, vào những lễ hội cúng miếu sau này, các cô đồng có còn hồn nhiên hát câu: “Am tiền ai khéo lập khéo xây/ Bên Ðông con Phụng múa, bên Tây bà ngự về…” trong một ngôi võ ca rệu rã với thời gian.

Còn sự lãng quên? Thực ra nhiều người dân các phố quanh chợ TP. Tây Ninh đã dần quên rằng trên đường Tua Hai từng có một ngôi miếu Ngũ Hành. Bởi lẽ, từ khoảng 2 năm nay, miếu đã thay đổi bảng hiệu, từ Ngũ Hành sang miếu Linh Sơn Thánh mẫu (Bà Ðen).

Sau khi “đổi họ thay tên” thì ngôi miếu được trùng tu tôn tạo đàng hoàng. Vẫn giữ nguyên hình dáng võ ca phía trước ba gian, mái bánh ít, nhưng mái tôn xập xệ được thay bằng mái bê tông giả ngói. Người dân tín ngưỡng ở đây không còn phải lo nạn cành cây dầu rơi xuống làm bể mái như xưa.

Nếu ta coi kiến trúc miếu là “phần xác”, thì “phần hồn”- văn hoá phi vật thể theo cách gọi hiện nay, là lễ hội cúng miếu Ngũ Hành cũng không kém phần đặc sắc. Ðấy là so với các lễ hội tôn giáo hoặc dân gian Tây Ninh đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Như các lễ hội vía Bà trên núi Bà Ðen, dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch, hay lễ Kỳ yên đình Gia Lộc… Tại miếu Ngũ Hành khu phố 5, phường 1, lễ cúng diễn ra trong 2 ngày 12 và 13.2 âm lịch. Sáng sớm ngày 12, dân xóm đã đến lo việc chuẩn bị và sắp đặt.

Ðàn ông sắp xếp các ban thờ sạch sẽ, tôn nghiêm với đầy đủ nhang đèn, bông trái. Ðàn bà lo soạn chén đĩa, bình hoa. Người làm bánh trái, người nấu xôi hoặc sắp xếp các ban thờ. Ðến giữa buổi chiều thì mọi việc đã xong. Hoa cắm trong các bình chủ yếu là cúc, sen và huệ; trái cây bày biện trong các đĩa lớn có đủ loại xoài, cam, quýt, lê, táo, thanh long…

Ngoài ra, còn có xôi, bánh quy, bánh ít. Gọi là bánh quy bởi hình viên bánh giống như những con rùa nhỏ. Viên bánh nhỏ như bánh trôi màu trắng, điểm 1 nốt son tươi rồi đặt trên mảnh lá chuối còn xanh. Ðĩa bánh trên ban thờ bà có 5 hoặc 10 chiếc bánh (quy và ít), một đĩa xôi lớn vun đầy, vài thố và đĩa món ăn chay, 5 bộ chén đũa và 5 ly nước.

Ðiểm trang thêm còn có 3 hoặc 5 chén, mỗi chén 5 bông vạn thọ, 1 đoá sen lớn và 5 bông huệ trắng. Ðấy là phẩm vật cúng chay của ngày 12. Ngày 13 cúng mặn, trên bàn lễ ở võ ca còn bày thêm một con heo quay. Tại các ngôi miễu nhỏ thờ ông Hổ, ông Tà, Thổ thần cũng bày lễ vật tương tự, nhưng chỉ có 3 bộ ly chén. Ngày 13, mỗi ngôi miễu sẽ có thêm dĩa bày một miếng to thịt heo luộc chín.

Thật đáng ngạc nhiên là trong các không gian nhỏ bé của ngôi võ ca lại diễn ra các phần lễ cực kỳ trọng thị, nghiêm trang. Chập tối 12 sẽ có lễ cầu an do các vị tăng và phật tử của ngôi chùa Phật đến cúng, có dàn nhạc ngũ âm phụ hoạ cho lời kinh trầm bổng, ngân nga.

Vị trưởng Ban hội miếu áo thụng xanh, khăn đóng quỳ lạy theo từng hiệu lệnh. Lễ cầu an diễn ra trong khoảng 1 giờ, và kết thúc bằng việc chủ lễ đọc sớ rồi đem “hoá”. Tiếp theo sẽ là các nghi lễ hát chầu mời- thỉnh tổ, dâng bông và múa mâm vàng.

Ðây mới chính là phần thu hút nhất của một kỳ lễ hội. Ðèn nến long lanh toả sáng. Các cô đồng má phấn môi son. Mấy cây đờn cũng so dây nắn phím cho hợp với các làn điệu rỗi hoặc nam xuân, ca lý… Người lớn và rất đông trẻ em xúm xít vây quanh các nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian.

Bên trong ngôi võ ca ở miếu xóm Hố, tháng 3.2021.

Các nhà nghiên cứu thường có xu hướng “bóc tách”, đâu là phần lễ đâu là phần hội trong một lễ hội dân gian. Tuy vậy, ở lễ hội cúng miếu Ngũ Hành, thật khó mà phân biệt được. Như sau bài hát chầu mời (còn gọi là hát cửa đình) sẽ chuyển tiếp tới tiết mục dâng bông.

Các cô đồng vừa múa vừa dâng những chén bông và phẩm vật cúng theo nhịp điệp nhặt khoan bổng trầm của nhạc lễ. Các ông chức sự kính cẩn đón từng chén đĩa từ tay các cô đồng đặt lên ban thờ. Ðặc biệt, tới phần dâng múa mâm vàng thì nghệ thuật hát và múa đã được thăng hoa, tới độ người nghệ nhân có thể biểu diễn xuất thần trong từng động tác kết hợp thân thể với chiếc mâm vàng, hoặc các đồ vật thay thế như bông huệ, cây dù, kiếm…

Những mô tả trên đây, chủ yếu lấy từ thực tế lễ hội cúng miếu Ngũ Hành ở khu phố 5, phường 1 từ các năm 2019 trở về trước. Cho dù, tới nay thì cổ miếu này vẫn chưa được công nhận di tích lịch sử văn hoá, nhưng ngôi miếu và lễ hội hằng năm của người dân xóm Hố chứng tỏ một sức sống dân gian bền bỉ và đặc sắc.

Hằng năm, miếu vẫn có các mạnh thường quân hỗ trợ, nhưng không thể cứu đỡ nổi ngôi võ ca ngày càng xuống cấp. Miếu Ngũ Hành xóm Hố đang rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng.

Trần Vũ

Từ khóa
Miếu ngũ hành