Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Miếu ông Tà ở Bến Củi
Thứ năm: 11:04 ngày 07/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vẫn là 2 mái ngói dốc như xưa với màu ngói ong óng đỏ. Bên trong miếu có ban thờ chính và các ban thờ phụ. Cấu trúc khá giống một ngôi đình.

Trống lân khai hội miếu ông Tà mùng 7 tháng Giêng.

Xin trả lời ngay câu hỏi đặt ra ở cuối kỳ trước. Rằng chắc chắn miền đất Bến Củi vẫn giấu trong lòng những bí mật của nền văn hoá bản địa thuở xa xưa. Như Gò Tháp ở ấp 6, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, năm 2011, đoàn khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh có đến khảo sát lại, thì “di tích đã bị phá huỷ hoàn toàn vị trí khai quật trước đây, nay chỉ còn là một nền đất bằng phẳng, được cây rừng phủ kín, không còn nhận ra đâu là di tích kiến trúc cũ…” (báo cáo năm 2011).

Khai quật năm 1991, và đoàn khảo cổ đã lấp cát trở lại để bảo tồn. Hai mươi năm sau trở lại (2011) thì “cây rừng phủ kín”. Đấy lại là điều đáng mừng, vì gia chủ đã không tiếp tục đào phá huỷ hoại di tích. Cây cỏ lại trùm lên, cũng là một cách bảo vệ cho di tích mà phần cơ bản nhất vẫn nằm trong lòng đất.

Các di tích quốc gia ở Tây Ninh như tháp Chót Mạt, tháp Bình Thạnh chẳng phải đã bị cây rừng trùm lên hoang phế mấy trăm năm đó sao, cho đến khi người Pháp phát hiện lại vào năm 1886. Biết đâu đến một lúc nào đó khai quật trở lại với quy mô lớn hơn, sẽ phát lộ những chân móng tháp cổ tuyệt đẹp như điều đã diễn ra năm 2019 ở di tích khảo cổ học Bến Đình - Tiên Thuận! Dù sao đó cũng là chuyện khá xa vời.

Còn gần gũi hơn, là chuyện tảng đá thờ trong ngôi miếu ông Tà tại ấp 1, xã Bến Củi. Và, phía sau chuyện tảng đá lại là phát hiện về một trong những dòng họ đầu tiên đến khai cơ lập nghiệp trên quê hương Bến Củi.

Trở lại miếu ông Tà ấp 1, Bến Củi vào ngày 7 tháng Giêng năm Quý Mão (2023). Rất đông dân trong và ngoài ấp 1 về dự lễ cúng miếu ông Tà. Các bà, các chị xúm xít lại từng góc nhỏ trên sân, soạn sửa các món ăn. Trẻ em quần tụ trước miếu xem đội lân sư rồng biểu diễn. Trống nổi tưng bừng.

Các võ sinh trang phục đỏ diễn bài trống trận hào hùng trên hàng chục chiếc trống đại. Các cụ già, chức sắc làm lễ áo dài khăn đóng. Các bàn tiệc, trà bày sẵn trên sân, dưới bóng cây rừng mát rượi. Tín ngưỡng thờ ông Tà vẫn còn phổ biến ở Tây Ninh, với các ngôi miễu nhỏ được dựng lên phối thờ trong các ngôi đình miếu dân gian người Việt, nhưng có lẽ chẳng nơi đâu có được lễ cúng đông vui như ở miếu ông Tà ấp 1, Bến Củi. 9 giờ sáng, đã có khoảng 300 người có mặt trong khu miếu võ. Sân miếu rộng vài trăm mét vuông đều được lát gạch xi măng.

Ngôi miếu còn lại từ xưa cũng được tu sửa lại. Dù chỉ là ngôi có mặt bằng chữ nhật, chiều rộng hơn 3m, chiều dài hơn 4m nhưng cũng được lát gạch men từ tường vách xuống nền nhà. Vẫn là 2 mái ngói dốc như xưa với màu ngói ong óng đỏ. Bên trong miếu có ban thờ chính và các ban thờ phụ. Cấu trúc khá giống một ngôi đình.

Chính giữa, thay vì đại tự chữ thần lại là một tảng đá hình trụ tròn thuôn dài phủ khăn đỏ. Hai bên là 2 ban thờ hậu hiền và tiền hiền (như ở các ngôi đình). Trên ban cũng có các lư hương, bình bông nhưng thay vì đôi hạc chầu lại là đôi ngựa sơn đỏ và đôi voi đắp bằng xi măng.

Ông Phó Ban quản lý bảo, đôi voi này có từ năm, sáu mươi năm về trước. Trên ban, trước ông Tà đá xám và các cặp voi, ngựa lim dim cặp mắt nhìn ra, là phẩm vật cúng đã dâng lên. Có mâm xôi trắng cùng tảng to thịt heo luộc đặt trên. Có gà luộc nguyên con, heo quay xẻ thành miếng lớn. Rồi hoa quả và bánh trái. Trong phẩm vật, không thể thiếu đĩa bày đôi cá tràu (lóc) nướng, như gợi nhớ một thời khai hoang mở đất của lưu dân.

Ông Phó Ban phụ trách nghi lễ cúng cho biết, lễ cúng miếu khởi sự từ 8 giờ, bắt đầu với việc một vị tuổi cao, uy tín cầm dao rựa chặt một cái cây nhỏ, tượng trưng cho “mở cửa rừng”. Sau đó là lễ rửa tay rửa mặt, trình diện và lạy ông Tà.

Ban cắt đặt 3 ông làm chánh tế và bồi tế quỳ trước ban thờ, thực hiện các nghi thức dâng hương hoa, trà, rượu và các phẩm vật cúng. Ngoài ra, còn có các ông phụ tế rót rượu, trà, đọc và đốt sớ. Nghi thức này cũng gần giống nghi lễ cúng kỳ yên ở các đình làng, chỉ là không có trống mõ chiêng phụ hoạ cùng âm nhạc của dàn nhạc lễ.

Xong xuôi, các ông chánh và bồi tế mỗi người uống một hớp rượu và ăn một miếng thịt nhỏ tượng trưng. Kết thúc nghi lễ cúng, tất cả mọi người, không phân biệt trẻ, già, lớn bé đều quây quần quanh những bàn tiệc cùng ăn uống.

Các món ăn cũng chủ yếu là của từng nhà dân trong ấp mang tới cúng. Ông Đặng Thành Lập- Phó Ban quản lý miếu, năm nay đã 65 tuổi bồi hồi nhớ lại: Đông vui thế này nhưng vẫn chưa bằng những kỳ cúng miếu thời xưa. Là vì lúc ấy, cúng miếu còn có những trò chơi như đá gà, sòng tài xỉu. Vậy nên có thời về cúng miếu lên tới cả ngàn người. Nay chỉ còn khoảng vài trăm người về dự.

Như vậy là lễ cúng miếu ông Tà ở ấp 1, Bến Củi đã có sự giao thoa giữa 2 nền văn hoá Việt-Khmer. Chi tiết ăn một miếng, hớp chút rượu là do truyền tụng của người Khmer: “Ông Tà hiền lành, dễ tin nên có lần ông bị kẻ xấu trộn thuốc độc trong thức cúng, làm ông phải một phen nôn mửa.

Do vậy mà về sau, muốn cúng ông Tà món gì thì gia chủ phải nếm trước…” (theo Lê Kim Hoàng, Tuyển tập tác phẩm văn nghệ dân gian Đồng Tháp, 2021). Người ta thường biết ông Tà của người Việt có xuất xứ từ vị thần người Khmer là Neak Ta.

Tuy vậy, theo tác giả trên thì: “Neak Ta có nguồn gốc từ Bà La Môn giáo. Trong vũ trụ quan của tôn giáo này, các thần Neak Ta có từ khi thành lập xứ sở và được thần In dra (Thần tối cao của Hindu giáo) chính thức giao nhiệm vụ trông coi xứ sở. Quan niệm này khá giống với thần Thành hoàng của người Việt…” (sách đã dẫn).

Vùng đất Đồng Tháp khá gần với kinh đô của vương quốc Phù Nam, với nền văn minh Óc-eo toả sáng. Vậy cũng không loại trừ tín ngưỡng này có nguồn cội xa xưa hơn, từ vương quốc Phù Nam (thế kỷ I đến VII sau công nguyên).

Tín ngưỡng ông Tà đã được người Khmer tiếp nối trong thời kỳ Chân Lạp. Khi người Việt Nam bộ tới (thế kỷ XVI-XVII) đã đem theo tín ngưỡng thờ ông Địa. Thế mới có chuyện phân công lại nhiệm vụ cho hai ông khi 2 nền văn hoá giao thoa. Vậy là có “ông Địa canh nhà, ông Tà giữ ruộng” như câu thành ngữ người xưa để lại.

Xem xét ngày lễ hội cúng miếu ông Tà ở Bến Củi, ta càng nhận thấy những nét đặc sắc của sự giao thoa văn hoá ấy. Đặc sắc nhất nơi đây chính là nghi lễ cúng ông là nghi lễ cúng thành hoàng trong các ngôi đình thuần Việt. Và cũng chính qua lễ hội trang trọng mà đầm ấm này càng gắn kết bền chặt thêm tính cộng đồng làng xã trong mọi công cuộc: Chống xâm lăng và xây dựng quê hương.

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục