Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mo cau ngày ấy
Thứ ba: 07:55 ngày 28/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy, tâm điểm lại là những tàu lá cau già vừa bắt đầu chuyển sang màu vàng vàng, sắp rụng. Chỉ chờ đến ngày nó rụng xuống là cả bọn giành nhau làm người lượm đầu tiên- con nít mà, ưa làm những điều người lớn không thể hiểu nổi. Giành nhau vậy chứ chút mang mo cau ra là để chơi chung.

Kéo mo cau (ảnh minh hoạ).

Đã qua ngày rằm tháng Giêng mà trời vẫn lành lạnh như hồi giáp tết. Sáng đi làm, gió hiu hiu, trời se se lạnh, lòng bỗng nhớ nhà lạ lùng dù mới từ quê lên. Không biết có phải hữu duyên, quán cà phê bên đường du dương giai điệu: “Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo mo cau chở em quanh ngõ vườn. Cô bé mỹ miều cười run run bờ vai, tay ôm chắc vành mo...”. Những ca từ êm ái chở tôi về tuổi thơ, về với trò chơi ngày bé- kéo mo cau...

Ngày xưa ở quê tôi, người ta trồng cau nhiều lắm, dưới gốc cau thường có dây trầu hoặc tiêu quấn quanh. Nhà tôi gần nhà ông Năm, bên hiên nhà ông là một vườn cau nho nhỏ, hoa nở trắng bốn mùa, hương bay thoang thoảng hoà vào sương sớm, gió chiều.

Dưới gốc cau, ông Năm trồng tiêu, những dây tiêu xanh tốt ôm lấy thân cau, hạt mẩy và chắc lắm. Vườn cau là nguồn thu nhập chính của gia đình nên ông chăm như chăm đứa con đứa cháu trong nhà vậy. Với bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy, tâm điểm lại là những tàu lá cau già vừa bắt đầu chuyển sang màu vàng vàng, sắp rụng. Chỉ chờ đến ngày nó rụng xuống là cả bọn giành nhau làm người lượm đầu tiên- con nít mà, ưa làm những điều người lớn không thể hiểu nổi. Giành nhau vậy chứ chút mang mo cau ra là để chơi chung.

Có được chiếc mo cau, cả bọn hò nhau chơi trò kéo mo. Đứa đứng trước tay cầm túm lá, đứa ngồi lên mo cau, tay vịn vành mo. Từng đứa thay nhau kéo đi khắp sân vườn, vừa chơi vừa hát vang, tiếng cười nói rộn cả góc xóm.

Thuở ấy, con nít trong xóm tôi nhiều lắm. Mà kể cũng lạ, đứa nào đứa nấy đều đầu trần chân đất, đều nghèo khổ mà hết thảy đều khoẻ mạnh, chẳng bao giờ thấy ốm đau gì. Ngày ngày, bọn tôi reo hò, bày trò không chán. Nào chơi trốn tìm, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, cá sấu lên bờ… và trò kéo mo cau. Không biết vì lý do gì mà chúng tôi lại thích thú với tàu mo cau đơn sơ đến vậy. Có lẽ trẻ con nhà nghèo ở thôn quê có cái thú riêng của kẻ thiếu khó, nó đã làm nên ký ức tuổi thơ với những trò chơi mộc mạc dễ thương.

Trong đám trẻ chơi ngày ấy, thằng Tèo con nhà bác Năm là hay nhường tôi nhất. Bao giờ tới lượt tôi kéo mo nó cũng giành kéo giùm, chỉ với một điều kiện là vào lớp tôi không được kêu nó là “thằng Tèo” mà phải kêu nó là “bạn Tú”. Thằng Tèo, à quên, bạn Tú học chung lớp nhưng lớn hơn tôi một tuổi, cái gì nó cũng nhường tôi. Biết nó hay nhường nên tôi hay chọc tức và mè nheo nó. Tôi đồng ý và kêu “bạn Tú” ngọt xơn xớt lúc chơi nhưng vào lớp thì cứ nhè tên Tèo mà réo. Nó tức lắm nhưng không giận được lâu cái miệng dẻo quẹo của tôi. Để rồi lần nào chơi kéo mo cau, nó lại cũng kéo rong tôi khắp xóm.

Tuổi thơ tôi giờ xa tít tắp, đám con nít ngày ấy giờ người đi làm xa, kẻ ở lại quê làm ruộng. Vườn cau già nhà ông Năm trái vẫn còn xum xuê nhưng mo cau rụng không còn ai giành lấy để chơi trò kéo mo nữa. Thằng Tèo- bạn Tú của tôi theo gia đình lập nghiệp phương xa chưa một lần trở lại xóm nhỏ yêu thương. Không biết nơi phương trời nào đó, có khi nào bạn tôi bất chợt nhớ về trò chơi ngày xưa, nhớ cô bạn nghịch ngợm thuở ấu thơ. Riêng tôi, mỗi dịp về quê nhìn những mo cau dày cộm, cứng cáp rớt xuống bên hè nhà ông Năm nằm chỏng chơ ra đó, lòng tôi lại xuyến xao, thèm được một lần ngồi lại chiếc mo cau rểu khắp xóm như hồi bé, thèm được gọi ai đó hai tiếng thân thương “bạn Tú”.

Đỗ Thu Trang 

Tin cùng chuyên mục