Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu:
Mở “cơ chế” cho bệnh viện công
Thứ tư: 06:36 ngày 19/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2023TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Đây là hành lang pháp lý mới, tạo điều kiện cho y tế công lập tự chủ thực hiện mở rộng khám, chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu.

Nếu được triển khai dịch vụ, Khu khám Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh sẽ không “vắng lặng” vào các ngày nghỉ, lễ (ảnh chụp ngày chủ nhật, 16.7.2023)

Nhu cầu thực tế 

Chị Đoàn Thị Thu (45 tuổi, TP. Tây Ninh) cho biết: “Ngoài bệnh viện tư nhân có giường dịch vụ sạch, đẹp, thoải mái, tất cả các bệnh viện công ở đây đều không có dịch vụ này, mà chỉ có giường ghép dành cho bệnh nhân BHYT”. Theo chị, bệnh viện công lập cần triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân, với nhiều mức giá khác nhau, phù hợp nhu cầu và điều kiện của nhiều người bệnh.

“Hiện nay, nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ của người dân tăng cao. Thay vì phải chờ đợi, người bệnh có thể lựa chọn dịch vụ KCB theo yêu cầu, thậm chí chọn nằm giường đơn, phòng riêng lẻ để được hưởng chất lượng chăm sóc cao hơn, dù phải mất thêm chi phí”- chị Thu bày tỏ.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Hồng Thanh (43 tuổi, TP. Tây Ninh) cho rằng cần có dịch vụ khám, chữa bệnh trong các bệnh viện công lập, vì đây là nhu cầu thực tế của người dân hiện nay. Chị cho biết, tháng 4.2023, chị cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, bác sĩ đề nghị nhập viện để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, do bệnh viện không có giường dịch vụ nên chị phải ở ghép và thanh toán BHYT.

“Hầu hết các khoa nội đều rất đông bệnh nhân, không có giường nên tôi phải nằm ghép, nếu không thì khoa sẽ sắp xếp cho tôi một giường riêng ngoài hành lang. Tôi cảm thấy thật bất tiện, từ quá trình điều trị, chăm sóc đến vệ sinh cá nhân”- chị Thanh nói.

Mở hướng dịch vụ, bệnh viện có thêm thu nhập

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện công, TTYT cấp huyện đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, các đơn vị lại không được tự quyết định về giá thu viện phí và con người. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tất cả nguồn lực đều dồn cho công tác chống dịch, đến giai đoạn “hậu Covid-19”, số lượt khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập giảm, tình trạng thiếu thuốc kéo dài, nguồn thu của đơn vị sụt giảm, nhiều bệnh viện không đủ nguồn chi trả lương, thu nhập tăng thêm cho nhân viên cũng như sửa chữa, bảo trì máy móc, tái đầu tư thiết bị y tế...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện hạng I, với 873 nhân viên y tế. Đơn vị được giao tự chủ tài chính từ năm 2019, tuy nhiên, sau quá trình triển khai, đơn vị đã gặp không ít khăn về việc bảo đảm kinh phí hoạt động và thu nhập, chế độ phúc lợi cho bác sĩ, nhân viên y tế.

Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, từ năm 2021 đến nay, bệnh viện đã âm hơn 30 tỷ đồng, thu không đủ bù chi. Việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 13 về khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ là cơ sở pháp lý để bệnh viện triển khai thực hiện, phần nào giải quyết khó khăn về tài chính cho đơn vị.

Không riêng BVĐK tỉnh, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, TTYT tuyến huyện cũng vui mừng khi có quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu khá rộng để các bệnh viện có thể lựa chọn, triển khai thực hiện, góp phần cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế.

Triển khai khám, chữa bệnh dịch vụ, bệnh viện sẽ tăng nguồn thu, nhân viên y tế có thêm thu nhập.

Giá dịch vụ bệnh viện công phải rẻ hơn bệnh viện tư

Tháng 9.2022, ngành Y tế Tây Ninh phối hợp Bệnh viện nhân dân 115 TP. Hồ Chí Minh thành lập phòng khám chuyên gia tại BVĐK tỉnh, mở đầu cho dịch vụ khám, chữa bệnh, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

Mặc dù Sở Y tế đã 3 lần trình phương án giá dịch vụ để tiếp tục phối hợp với BVND 115, nhưng do không có đủ cơ sở pháp lý nên phòng khám chuyên gia phải tạm dừng sau 6 tháng hoạt động. Ngày 30.6, Bộ Y tế ban hành Thông tư 13, trong đó quy định nội dung xây dựng giá dịch vụ, khung giá, thẩm quyền để quyết định giá đó. Đây là tín hiệu vui, tích cực cho các bệnh viện công lập nói riêng, ngành Y tế nói chung.

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay khi Thông tư 13 được ban hành, Sở đã chỉ đạo BVĐK tỉnh và các TTYT huyện, đơn vị có điều kiện phát triển dịch vụ, những nơi có nhu cầu, khả năng thì xây dựng giá dịch vụ theo đúng tinh thần của Thông tư 13.

“Thông tư 13 là hành lang pháp lý mới, tạo điều kiện cho y tế công lập tự chủ thực hiện mở rộng khám, chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu phát triển của các bệnh viện và nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân”.

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế

Ông cho biết thêm, hầu hết các bệnh viện đang tự chủ tài chính, để mở phòng khám dịch vụ, trong quá trình triển khai chắc chắn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, vì đây là thông tư rất mới.

“Từng đơn vị sẽ xây dựng phương án hoạt động dịch vụ cho phù hợp với khả năng, xây dựng giá theo khung giá dịch vụ, trên cơ sở đó mới có thể cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho người dân. Tuy nhiên, giá từ những cơ sở dịch vụ công phải rẻ hơn giá dịch vụ của các cơ sở y tế tư nhân”- ông Hùng nhấn mạnh.

Trong chương trình hợp tác y tế với các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Y tế cho hay đã và đang tiếp tục đặt vấn đề, đồng thời tạo những mối liên kết để học tập kinh nghiệm từ các đơn vị đã thực hiện trước đây, không riêng ở TP. Hồ Chí Minh mà các tỉnh, thành phố để áp dụng thực hiện tại tỉnh nhà.

 “Thông tư 13 có hiệu lực từ 15.8.2023 nên chúng tôi xúc tiến các đơn vị y tế triển khai nhanh. Trước đó, Luật Tài sản công không cho phép các đơn vị công lập triển khai dịch vụ; Thông tư 13 vừa tạo “cơ chế mở”, vừa tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập triển khai khám, chữa bệnh dịch vụ, phục vụ, đáp ứng nhu cầu cho người dân, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho bệnh viện, tăng thu nhập cho nhân viên y tế, để họ gắn bó lâu dài với nghề y”- ông Hùng bày tỏ.

Theo Thông tư 13, Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Ngoài ra, người có thẻ BHYT hoặc không có thẻ BHYT vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định hiện hành nếu họ không có yêu cầu khám, chữa bệnh dịch vụ.

Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám, chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%. Mặt khác, Thông tư đặc biệt cho phép cơ sở y tế công lập có thể thực hiện hợp tác công-tư, liên doanh-liên kết, hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài với các chuyên gia y tế nước ngoài để khám, chữa bệnh cho người dân trong nước. Đây là điểm mới, tạo điều kiện cho các bệnh viện phục vụ người bệnh tốt hơn.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh