Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Tua Hai - Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam bộ”. Hội thảo nhằm mục đích khẳng định và làm sâu sắc thêm nhiều nội dung quan trọng. Báo Tây Ninh xin trân trọng trích đăng bài phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo.
“Đầu năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Xứ uỷ Nam bộ, lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ phối hợp với quân và dân tỉnh Tây Ninh tổ chức trận tập kích vào căn cứ Tua Hai của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng Tua Hai vượt khỏi phạm vi một trận đánh thông thường, đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức, chỉ huy hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang miền Nam.
Chiến thắng Tua Hai đã trực tiếp làm rung động cả bộ máy kìm kẹp ở Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, tạo tình thế cách mạng nhanh chóng chín muồi cho quần chúng nổi dậy. Thắng lợi Tua Hai góp phần kiểm nghiệm của đường lối cách mạng độc lập, tự chủ của Trung ương Đảng; thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo trong vận dụng và chỉ đạo thực tiễn của Xứ uỷ Nam bộ và tinh thần chủ động của Đảng bộ Liên tỉnh miền Đông, trong đó có Đảng bộ, quân và dân tỉnh Tây Ninh.
Trước tình hình Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng tăng cường đàn áp phong trào cách mạng miền Nam, tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, nhằm thống nhất đường lối cách mạng Việt Nam, trong đó có phong trào Cách mạng miền Nam.
Hội nghị xác định con đường của Cách mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc dân chủ nhân dân” bằng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị Trung ương 15 phản ánh đúng xu thế phát triển khách quan của cách mạng, đáp ứng yêu cầu cháy bỏng của quần chúng nhân dân, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo đối với phong trào cách mạng miền Nam.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 15, Xứ uỷ Nam bộ kịp thời chỉ đạo Đảng bộ các địa phương miền Nam tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang và hoạt động vũ trang, hỗ trợ quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm. Cuối năm 1959, để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động đấu tranh vũ trang, Xứ uỷ Nam bộ chủ trương tiến hành một cuộc tiến công quân sự nhằm gây tác động mạnh trên chiến trường toàn Miền, mở đầu phong trào đồng khởi vũ trang giành chính quyền, đồng thời lấy vũ khí của địch trang bị cho các đơn vị vũ trang của ta.
Hiện thực hoá chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chỉ đạo của Xứ uỷ Nam bộ, ngày 26 tháng 1 năm 1960, Ban Quân sự Liên tỉnh miền Đông phối hợp với quân và dân Tây Ninh tổ chức trận tập kích căn cứ Tua Hai và giành thắng lợi.
Kết quả, ta diệt 76 quân địch, bắt, giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 quân, thu gần 1.500 khẩu súng các loại; ta hy sinh 7 người. Đây là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, châm ngòi cho cao trào Đồng khởi ở miền Đông Nam bộ.
Chiến thắng mang ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần củng cố niềm tin và cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam, cũng như giáng một đòn bất ngờ vào chính sách thực dân mới của Mỹ, khiến chính quyền Sài Gòn hoang mang, lo sợ.
Chiến thắng Tua Hai là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào Đồng khởi những năm 1959-1960, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng miền Nam.Thắng lợi đó không những góp phần khẳng định tính đúng đắn trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng thông qua Nghị quyết 15, mà còn là cơ sở để Đảng ta phát triển và hoàn thiện đường lối, phương thức, nghệ thuật đấu tranh cách mạng “hai chân, ba mũi”, trong đó đấu tranh vũ trang ngày càng chiếm vai trò quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Tua Hai - Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam bộ”. Tại Hội thảo này, chúng ta tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, phân tích tình hình quốc tế và trong nước, âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn từ sau Hiệp định Genève; khả năng, biện pháp đối phó của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trước đòn tiến công của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ vào Tua Hai nói riêng, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam nói chung, sự thất bại của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; phản ứng của dư luận Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Hai là, khẳng định chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ uỷ Nam bộ trong tổ chức phát động, chỉ đạo trận đánh Tua Hai; tinh thần kiên quyết của Đảng bộ Liên tỉnh miền Đông, quyết tâm của Ban Quân sự Liên tỉnh miền Đông.
Ba là, tái hiện quá trình chuẩn bị, diễn biến, kết quả của trận đánh Tua Hai; sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia trận tập kích; vai trò, trách nhiệm của quân và dân tỉnh Tây Ninh.
Bốn là, nêu bật đặc điểm, nét độc đáo của trận đánh Tua Hai; nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức và điều hành trận đánh; nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận; nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng; nghệ thuật chọn thời cơ và chớp thời cơ tiến hành trận tập kích.
Năm là, phân tích tác động, ảnh hưởng của chiến thắng Tua Hai đối với phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam, đến thế và lực của ta trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Trên cơ sở đó, đưa ra những nhận định, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng Tua Hai; đúc rút những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa hiện nay.
Với quan điểm khách quan, khoa học, Ban Chỉ đạo tin tưởng Hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ trận đánh Tua Hai. Đó là nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc chiến chống âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau”.
Thượng tướng
NGUYỄN TRỌNG NGHĨA