Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mô hình cánh đồng lớn chưa “lớn”
Thứ hai: 05:41 ngày 21/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế cho thấy, việc quy hoạch từng loại cây trồng phù hợp cho từng vùng nguyên liệu vẫn còn ở bước sơ khai, định hướng thị trường chưa tốt, khâu dồn điền đổi thửa chưa được các cấp chính quyền và nhà khoa học quan tâm đúng mức, chưa làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc sản xuất trên cánh đồng lớn.

Mùa vàng. Ảnh: Lê Minh Tân

Với mục tiêu chuyển nền sản xuất nông nghiệp manh mún sang hướng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, chú trọng quy hoạch, xây dựng cánh đồng lớn trên một số cây trồng chủ lực. Bước đầu, hiệu quả sản xuất ở một số cánh đồng lớn được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà tỉnh đã đặt ra, cần sự quyết tâm mạnh mẽ hơn của “4 nhà”.

Nông dân còn “ngại”

Mô hình cánh đồng lớn trên một số cây trồng của tỉnh như cây mía, mì, lúa, cây ăn trái đã và đang cho thấy đây là mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, bảo đảm đầu ra cho nông sản. Thế nhưng, việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn cũng còn không ít hạn chế, sự liên kết giữa 4 nhà còn nhiều bất cập, lỏng lẻo.

Đại diện một công ty nông sản tại Tây Ninh cho biết, sở dĩ doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia xây dựng cánh đồng lớn là do kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp (kênh mương thuỷ lợi, đường điện, nguồn nước…) tại các vùng nguyên liệu chưa được đầu tư đúng mức.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng cánh đồng lớn, người dân và doanh nghiệp chưa bảo đảm được lợi ích hài hoà giữa hai bên, sự tin tưởng giữa các bên chưa cao.

Thực tế cho thấy, việc quy hoạch từng loại cây trồng phù hợp cho từng vùng nguyên liệu vẫn còn ở bước sơ khai, định hướng thị trường chưa tốt, khâu dồn điền đổi thửa chưa được các cấp chính quyền và nhà khoa học quan tâm đúng mức, chưa làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc sản xuất trên cánh đồng lớn. Nông dân vẫn có tâm lý sợ mất đất, còn đắn đo về hiệu quả sản xuất.

Bà Trịnh Thị Tuyết Trinh, nông dân xã Suối Đá cho biết: “Để xây dựng cánh đồng lớn, cần phải dồn điền, đổi thửa. Tuy nhiên, chúng tôi không tin tưởng vào việc tham gia cánh đồng lớn sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, một khi ngừng xây dựng cánh đồng lớn thì diện tích đất của chúng tôi sẽ được xác định lại như thế nào, một khi bờ ranh đất đã bị san phẳng?”.

Các hợp tác xã cũng ngần ngại tham gia phát triển cánh đồng lớn. Bà Lâm Thị Có, Phó Giám đốc HTX sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh cho biết, hiện HTX chưa phát triển được cánh đồng lớn vì nông dân còn băn khoăn về chính sách liên kết bao tiêu sản phẩm.

Hơn nữa, nông dân có ít đất cũng khó tham gia cánh đồng lớn. Hiện HTX đang liên kết với Công ty cổ phần Lavifood trồng và tiêu thụ ổi ruột đỏ; liên kết với Tổng Công ty TNHH MTV thương mại Sài Gòn cung ứng một số loại rau củ quả như cà, ớt, dưa leo, bí đỏ… Đây là các loại cây chưa được triển khai trên cánh đồng lớn.

Cánh đồng lớn trồng lúa theo mô hình VietGAP tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Quyết tâm xây dựng cánh đồng lớn đạt hiệu quả

Theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp, trong năm 2017, ngành sẽ, mở rộng diện tích cánh đồng lớn trên cây mía, cây ăn trái và cây trồng khác, mỗi huyện có ít nhất 10 mô hình.

 Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để xây dựng cánh đồng lớn, các địa phương phải mời được doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm; đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất; bảo đảm sản xuất, tiêu thụ gắn với chuỗi giá trị. Khi xây dựng cánh đồng lớn có sự liên kết với doanh nghiệp, có diện tích từ 50 ha trở lên, phía doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân chi phí cày bừa, làm đất, giống cây trồng, phân bón, từng bước đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Đối với các diện tích cần phá bờ sẽ được cơ quan chức năng cắm mốc và định vị cụ thể trước khi phá bờ xây dựng cánh đồng lớn.

Đến nay, ngành Nông nghiệp đã xây dựng được 12 cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh đối với cây lúa, mía, thanh long ruột đỏ, khóm... Đồng thời, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với Công ty CP mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) triển khai thực hiện cánh đồng lớn trên cây mía.

Hiện đã có 4 cánh đồng lớn tại 3 huyện (Tân Biên, Tân Châu và Châu Thành) với tổng diện tích gần 100 ha mía. Đối với mô hình liên kết thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn, đến nay, doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân với tổng diện tích gần 4.800 ha.

Cũng theo Sở NN&PTNT, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung phát triển sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tốt an toàn thực phẩm hướng tới sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đi đôi với phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình cánh đồng lớn có hiệu quả đến người dân.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục