BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mô hình chống ngập hàng tỷ USD phá sản, Trung Quốc cay đắng nhìn thành phố chìm trong lũ 

Cập nhật ngày: 05/08/2023 - 17:57

Trong nhiều thế kỷ qua, Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát các hệ thống đê điều, sông, kênh rạch. Tuy nhiên, dù đã đổ hàng tỷ USD vào các dự án chống ngập lụt, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Sáng kiến "thành phố bọt biển" của Trung Quốc "thất thủ" trước trận mưa lũ lịch sử.

Trung Quốc đang trải qua trận mưa lũ lớn nhất trong hơn 100 năm qua. Có hơn 30 triệu người Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó có ít nhất 20 người thiệt mạng do ảnh hưởng của lũ lụt.

Tính đến ngày 3/8, lượng mưa ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã vượt quá khả năng chứa nước của các hồ chứa cỡ vừa và cỡ lớn. Nhiều con đường biến thành sông khiến người dân bị cô lập. Theo dự báo, phải mất tới 1 tháng để nước lũ có thể hoàn toàn rút khỏi tỉnh Hà Bắc.


Sáng kiến "thành phố bọt biển" của Trung Quốc lộ điểm yếu.

Tình hình ngập úng nghiêm trọng tại các thành phố cho thấy các biện pháp chống ngập lụt từng được chính quyền Bắc Kinh triển khai vẫn còn tồn đọng nhiều yếu điểm. Đặc biệt, trong số đó phải kể đến dự án “thành phố bọt biển” với trị giá hàng nghìn USD từng được Trung Quốc phát triển.

Sáng kiến “thành phố bọt biển” được ra đời vào năm 2015 với tham vọng sẽ giúp tạo ra không gian chứa nước mưa tạm thời. Theo đó, các thành phố ở Trung Quốc sẽ sử dụng những khu vườn trên mái nhà, vỉa hè có thể thấm nước và bể chứa ngầm để có thể hấp thụ tới 70% lượng nước mưa, sau đó từ từ đổ ra sông hoặc hồ chứa.


Nhiều thành phố ngập sâu trong nước lũ.

Nhiều công trình tầm cỡ của Trung Quốc đã được xây dựng với sáng kiến này. Đơn cử như sân bay Daxing ở ngoại ô Bắc Kinh với hệ thống hồ nước, bể chứa được thiết kế để hấp thụ lượng nước mưa lấp đầy khoảng 1.300 bể bơi đạt tiêu chuẩn Olympic hay cơ sở hạ tầng “bọt biển” với tổng đầu tư lên tới 7 tỷ USD tại Trịnh Châu, Hà Nam.

Tuy nhiên, trong trận mưa lũ lịch sử năm nay, một phần đường băng của sân bay Daxing vẫn bị ngập. Trong khi đó, ở nhiều nơi có cơ sở hạ tầng “bọt biển”, người dân vẫn khốn đốn khi lượng nước liên tục dâng cao trong những ngày mưa lớn vừa qua.


Chính quyền Bắc Kinh đã không lường trước được tình hình thời tiết cực đoan.

Mặc dù ban đầu sáng kiến “thành phố bọt biển” đã có tác dụng ở nhiều nơi nhưng chính quyền Bắc Kinh đã không tính đến một trường hợp ngoại lệ - đó là các sự kiện thời tiết có tính cực đoan.

Theo tiến sĩ Hongzhang Xu thuộc Đại học Quốc gia Australia, các sự kiện thời tiết cực đoan hiện nay đã tạo ra lượng nước mưa vượt xa sức chứa của các hệ thống “bọt biển” – vốn được thiết kế dựa trên dữ liệu lượng mưa 30 năm, kể từ năm 2014 quay ngược trở lại.


Trung Quốc cần kết hợp nhiều biện pháp với nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc cũng đang gây áp lực không nhỏ lên hệ thống thoát nước của quốc gia này. Theo tiến sĩ Xu, chính quyền Trung Quốc nên cải thiện các hệ thống thoát nước, không nên phụ thuộc vào một chiến lược duy nhất mà cần phải kết hợp các biện pháp khác nhau để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Nguồn vietnamfinance (Theo Bloomberg)