Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp thành phố Tây Ninh:
Mô hình của kinh tế chia sẻ
Thứ tư: 06:08 ngày 03/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thành phố Tây Ninh được thành lập với mục đích hỗ trợ vốn cho tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân trên địa bàn triển khai ý tưởng, dự án có tính khả thi. Theo ông Trần Hữu Hậu, Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh, nguồn quỹ này được thành lập không chỉ đơn thuần là hỗ trợ về vốn mà còn hướng đến mục tiêu hiện thực hoá mô hình kinh tế chia sẻ thành phố đang nhắm đến.

Anh Nguyễn Thanh Bình cùng chiếc máy sản xuất kiềng nâng chén hứng mủ cao su được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp TP. Tây Ninh hỗ trợ vốn. Ảnh: Giang Phương

DOANH NGHIỆP MẠNH, KINH TẾ THÀNH PHỐ MẠNH

Ông Trần Hữu Hậu cho rằng, muốn thành phố phát triển, điều trước tiên, kinh tế phải phát triển; và để kinh tế phát triển, doanh nghiệp trong thành phố cũng phải lớn mạnh.

Trong thực tế, nhiều cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng hay, muốn làm ăn nhưng không có vốn, không ai hướng dẫn, không biết khởi động thực hiện ý tưởng như thế nào, thủ tục ra sao… Đó cũng là lý do cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền. Từ yêu cầu này, lãnh đạo Thành phố quyết định thành lập “Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp” với nguồn vốn xã hội hoá để hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh của mình.

Đối tượng khởi nghiệp, theo ông Hậu, không chỉ là cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng tốt khởi nghiệp, mà còn có doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Ví dụ như doanh nghiệp đang có ý tưởng chuyển đổi sang một loại hình sản xuất kinh doanh khác để phát triển cũng có thể xem là khởi nghiệp.

Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thành phố Tây Ninh còn hỗ trợ về kiến thức trong sản xuất kinh doanh, cách quản lý điều hành doanh nghiệp, cách đưa sản phẩm ra thị trường.

Những doanh nghiệp tài trợ chính - thành viên trong Hội đồng quản lý quỹ có trách nhiệm quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ những cá nhân, doanh nghiệp nhận vốn khởi nghiệp của quỹ, định hướng kinh doanh đạt hiệu quả. Việc ra đời “Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp” tạo động lực cho những cá nhân chưa có ý tưởng bắt đầu nhận thức về việc khởi nghiệp làm giàu cho bản thân, xã hội.

Để được hỗ trợ, các cá nhân, doanh nghiệp hay một nhóm người phải được Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp xem xét và quyết định trao vốn hỗ trợ khi hội đủ các điều kiện theo quy định, nhất là các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả, hoặc tạo nhiều công ăn việc làm, mang lại nhiều lợi ích xã hội cho cộng đồng...

Ông Hậu tin rằng, trong tương lai, sẽ có những doanh nghiệp lớn mạnh sau khi nhận sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế thành phố.

Hội đồng quản lý “Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thành phố Tây Ninh” tại buổi lễ ra mắt quỹ.

TẬP HỢP MỌI NGƯỜI LÀM KINH TẾ

Hiện đã có 2 dự án được nhận hỗ trợ vốn từ “Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thành phố Tây Ninh” là Dự án sản xuất máy làm kiềng nâng chén hứng mủ cao su và Dự án Trung tâm du lịch online.

Ông Hậu cho biết, Dự án sản xuất máy làm kiềng nâng chén mủ cao su là một ý tưởng sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Một thanh niên chưa qua trường lớp đào tạo nào về ngành cơ khí, nhưng bằng niềm đam mê của mình đã mày mò, chế tạo thành công. Tuy nhiên, người thanh niên này không thể đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.... Ngoài việc thiếu vốn, tác giả ý tưởng cũng không được hướng dẫn, định hướng phát triển kinh doanh.

Anh Nguyễn Thanh Bình - sinh năm 1985, chủ dự án sản xuất máy làm kiềng nâng chén hứng mủ cao su cho biết, anh chỉ học đến lớp 9 thì nghỉ, ở nhà phụ gia đình làm rẫy, chưa từng học qua cơ khí. Trong lần tình cờ đến một vườn cao su thấy thợ sửa chữa máy chặt kẽm làm kiềng (máy chỉ chặt kẽm thành từng đoạn, sau đó phải uốn lại bằng thủ công để làm kiềng), anh Bình thắc mắc tại sao không biến chiếc máy chặt kẽm này thành máy làm kiềng, không cần phải uốn thủ công nữa?

Người chủ vườn cao su thách thức, sẽ tạm ứng vốn cho anh làm, nếu thành công sẽ mua lại chiếc máy. Suốt một năm trời mày mò, từ việc học cách sử dụng máy hàn, máy cắt sắt... không biết thất bại bao nhiêu lần, cuối cùng, anh cũng hoàn thành được máy sản xuất kiềng nâng chén hứng mủ cao su.

Sau khi giao máy cho chủ vườn, nhiều người thấy hiệu quả, đã tự tìm đến đặt anh sản xuất. Thế nhưng, do không có vốn, làm xong chiếc máy nào thì bán ngay máy đó để lấy vốn làm tiếp, nên khi nghe thông tin được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thành phố Tây Ninh hỗ trợ, anh rất vui mừng vì mơ ước mở rộng sản xuất đã thành hiện thực. Từ bây giờ, anh đã có thể đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sản phẩm, đưa máy có mặt rộng rãi trên thị trường.

Đối với Dự án “Trung tâm du lịch online”, ông Trần Hữu Hậu cho rằng, đây chính là mô hình kinh tế chia sẻ rõ nét nhất, và ông chính là người “cố vấn” ý tưởng cho Thành đoàn thành phố Tây Ninh lập dự án trên. Hiện nay, xu hướng của xã hội đang tiến đến thời kỳ cách mạng 4.0. Vì thế, cá nhân, doanh nghiệp cần phải tận dụng những lợi ích thiết thực của công nghệ thông tin để phát triển kinh tế một cách chính đáng.

Khi dự án “Trung tâm du lịch online” đi vào hoạt động, ngoài việc giới thiệu các tour du lịch, những địa điểm nổi tiếng của tỉnh trên trang web để du khách tìm hiểu, trung tâm còn kết nối với những cá nhân có nhu cầu làm du lịch tham gia hoạt động cùng trung tâm. Cá nhân nào ô tô muốn làm thêm kinh tế, có thể đăng ký với trung tâm để chở khách du lịch đi tham quan. Gia đình nào muốn làm du lịch kiểu “homestay” cũng có thể liên hệ với trung tâm...

Tuy nhiên, tất cả đều phải trải qua đào tạo cơ bản về nghiệp vụ du lịch và thực hiện đúng quy chế của trung tâm. Hiện nay, bước đầu, “Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thành phố Tây Ninh” đã nhận được sự tài trợ của các doanh nghiệp, cá nhân với số tiền 2,3 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Thanh Bình chế tạo chiếc máy sản xuất kiềng đựng nâng chén hứng mủ cao su.

Ông Hậu cho biết thêm, một tín hiệu đáng mừng là khi thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, UBND Thành phố đã nhận được sự hỗ trợ của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP. Hồ Chí Minh, bằng việc tài trợ chi phí tổ chức các buổi đào tạo về kiến thức, kỹ năng kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh tin tưởng rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn sẽ sớm kinh doanh thành đạt trong thời gian tới, và có nhiều đóng góp để xây dựng thành phố Tây Ninh ngày càng giàu đẹp hơn. Để rồi, họ sẽ chia sẻ lại những gì mà xã hội, chính quyền, doanh nghiệp đi trước đã chia sẻ cho họ khi mới khởi nghiệp.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh