Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thu gom rác thải sinh hoạt.
Chủ nhật: 09:38 ngày 16/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhìn chung, công tác thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các khu vực đô thị cơ bản đạt yêu cầu. Đối với khu vực nông thôn, nơi vùng sâu, vùng xa thì đa số các xã chưa thành lập được các tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, chủ yếu người dân tự phân loại các chất thải tái chế bán phế liệu hoặc đốt.

Đoàn viên thanh niên xã Phước Ninh dọn dẹp vệ sinh khu vực trước cổng trụ sở xã.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng cao và sự gia tăng dân số đã làm cho lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, tạo áp lực cho hệ thống thu gom, xử lý rác thải của nhiều địa phương.

Tình trạng, người dân thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường trở nên phổ biến, nhất là tại những nơi xa khu dân cư, ít người qua lại. Nhằm hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, hiện nay, tại một số địa phương đã triển khai mô hình vận động người dân tự trang bị thùng đựng và thu gom rác thải sinh hoạt, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Chính quyền và nhân dân cùng làm

Trước đây, để xử lý lượng rác thải trong ngày của gia đình, bà Kim Thị Ngọc Lan (ngụ tại ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) gặp nhiều khó khăn do lượng rác nhiều, không có đơn vị thu gom... Gia đình đành phải gom rác lại và đốt thủ công, làm phát sinh khói và mùi hôi.

Tuyến đường tại ấp 2, xã Bến Củi sạch đẹp, văn minh lịch sự nhờ mô hình thùng rác tự quản.

Được sự vận động của Hội Phụ nữ và UB.MTTQ Việt Nam xã Phước Ninh, bà Lan và nhiều hộ dân tại địa phương được chính quyền địa phương hỗ thùng đựng rác có nắp đậy để chứa rác, bảo đảm vệ sinh. Các hộ chỉ việc đóng phí cho đơn vị thu gom theo giá quy định, còn rác sẽ được thu gom tận nhà mỗi tuần ba lần.

Bà Kim Thị Ngọc Lan cho biết, gia đình bà kinh doanh quán ăn nên mỗi ngày thải ra lượng rác khá lớn, nên phải trang bị đến 2 thùng rác, mỗi tháng bà đóng khoảng 45.000 đồng phí thu gom. “Rác được bỏ vào thùng bảo đảm vệ sinh, khoảng hai ba ngày thì xe rác đến thu gom nên người dân nơi đây rất ủng hộ, khi đóng phí tôi còn thêm tiền người đi thu gom nữa”.

Còn theo ông Võ Văn Hon (ngụ cùng ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh,) trước khi triển khai mô hình thùng rác tại gia đình thì nhiều người dân thường cho rác vào bịt ni lông để ven đường, thậm chí còn vứt bừa bãi ra những bãi đất trống rất mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường. Từ khi có chương trình này, tình trạng trên đã không còn nữa, rác thải được thu gom thường xuyên, người dân cảm thấy rất hài lòng.

Ông Lê Minh Phương–Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, để thực hiện mô hình thùng rác tự quản trên địa bàn, UBND xã đã vận động trang bị trên 300 thùng rác có nắp đậy, tổng chi phí thực hiện trên 20 triệu đồng. Các hộ gia đình tham gia mô hình chỉ phải đóng tiền thu gom rác hàng tháng, khoảng hơn 30.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo ông Phương do địa bàn xã rộng, lại là khu vực nông thôn nên một số người dân chưa ý thức, vẫn còn tình trạng vứt rác ra môi trường, do vậy, trong thời gian tới UB.MTTQVN và các tổ chức chính trị-xã hội xã sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia mô hình, hạn chế vứt rác ra môi trường.

Tại xã Bến Củi, ông Nguyễn Thành Đô–Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, mô hình thùng rác tự quản được Đảng uỷ xã giao cho UB.MTTQVN và các đoàn thể xã thực hiện vận động người dân tham gia từ cuối năm 2018, đến nay, toàn xã Bến Củi đã có 850 hộ tham gia đăng tham gia với hơn 650 thùng rác được trang bị dọc theo các tuyến đường trong xã.

UBND xã đứng ra ký hợp đồng với Hợp tác xã dịch vụ, thương mại nông nghiệp Tân Châu thu gom rác của người dân với tầng suất 3 lần/tuần. Qua gần 3 năm triển khai mô hình thùng rác tự quản, tình hình thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã đạt nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cáo ý thức của người dân, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường. Trong thời gian tới, UBND xã cùng với UB MTTQ VN và các tổ chức đoàn thể của xã sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia mô hình, tự trang bị thùng rác, góp phần cùng với địa phương bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Vui mừng trước đổi thay của địa phương, bà Phạm Thị Thanh Vân (ngụ tại ấp 2, xã Bến Củi) phấn khởi cho hay, việc trang bị những thùng rác tại các gia đình đã giúp hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường, góp phần làm sạch đẹp bộ mặt thôn xóm.

Chia sẻ với bà Vân, chị Nguyễn Thị Phi Yến cho biết, việc trang bị mỗi gia đình một thùng rác đã tạo sự đồng thuận rất cao trong những người dân tại địa phương. “Trước đây người dân thường vứt rác ra trước cổng nhà đợi xe đi thu gom, nhiều đóng rác hữu cơ phân huỷ, gây mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt người những gia đình xung quanh. Với việc trang bị thùng rác có nắp đậy như hiện nay, rác được bỏ vào thùng, tránh tình trạng bị chuột, chó mèo bới tung lên, cũng không còn mùi hôi như trước đây”.

Biến rác thải thành tài nguyên

Dây chuyền phân loại và nghiền rác làm phân hữu cơ của công Ty Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam.

Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, từ lâu, rác thải đã trở thành nguồn nguyên liệu sản xuất nhiều loại sản phẩm có giá trị. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn rác thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Nhằm giảm thiểu sự những tác động của rác thải đối với môi trường, nhiều doanh nghiệp xử lý rác thải đã nghiên cứu, đầu tư hệ thống xử lý rác, biến chúng thành nguồn tài nguyên, tiếp tục phục vụ đời sống con người. Tại Tây Ninh, hiện cũng có một đơn vị đang đầu tư hệ thống xử lý rác thải trở thành phân bón hữu cơ và gạch không nung, đó là Công ty Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam.

Ông Lê Thiện Tú–Phó Giám đốc công ty cho biết, Dự án nhà máy xử lý rác thải của công ty Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2018, trên diện tích 17,8 ha tại ấp Bến Rộng, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, nhà máy có công suất khoảng 300 tấn/ngày.

Hiện nhà máy này đảm nhận nhiệm vụ xử lý rác thải cho Thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần hai huyện Bến Cầu và Dương Minh Châu, chiếm khoảng 25 – 30% lượng rác thải sinh hoạt và khoảng 70% rác thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Tú, rác thải sinh hoạt sau khi được xe chuyên dụng chở về nhà mày được phân loại sơ bộ thành hai loại là rác vô cơ và hữu cơ. Trong đó, rác hữu cơ được nghiền nhỏ để ủ và xoay thành phân bón hữu cơ. Còn rác vô cơ sẽ được nhập chung với rác thải công nghiệp để đưa vào lò đốt, phần tro sỉ, bùn thải sẽ được ép thành gạch không nung.

Hệ thống lò đốt rác thải công nghiệp của công Ty Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam.

Tuy nhiên, cả hai dự án này đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm và chờ UBND tỉnh cấp phép sản xuất. “Nếu được cấp phép công ty sẽ triển khai sản xuất và phân phối ra thị trường hai loại sản phẩm trên. Đồng thời, sẽ đầu tư nâng công suất xử lý rác thải hiện tại lên 600 tấn/ngày, mở rộng phạm vi thu gom và xử lý rác thải thêm một số địa phương khác trong tỉnh”, ông Tú chia sẻ phương hướng trong thời gian tới của công ty Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam.

Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn hạn chế

Mặc dù công tác thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt thời gian qua, trên địa bàn tỉnh được các địa phương quan tâm xử lý. Tuy nhiên, do một số đặt thù về sự phân bố và mật độ dân cư chưa đồng đều, nên công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chỉ tập trung khu vực thành thị, khu đông dân cư, những trục đường chính, thời gian và tần suất thu gom một số nơi còn chậm, chưa thường xuyên và không ổn định. Bên cạnh đó, nhiều người dân ý thức kém vẫn tìm cách vức rác thải ra chỗ vắng người, sông, suối, ao hồ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Minh Vương–Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dương Minh Châu cho biết, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện ước tính khoảng 35,81 tấn/ngày, trong đó lượng rác được thu gom, vận chuyển, xử lý là 18,24 tấn/ngày, đạt 50,9% khối lượng (chủ yếu tập trung thu gom ở các chợ, dọc các tuyến đường chính và khu dân cư tập trung, vận chuyển về bãi rác Tân Hưng, huyện Tân Châu để xử lý)

Nguồn kinh phí thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ trước đến nay trên địa bàn huyện chủ yếu được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước phân bổ (năm 2019 hơn 4 tỷ đồng, năm 2020 là gần 6 tỷ đồng). Đối với việc thu phí vệ sinh của các tổ chức, dịch vụ, kinh doanh và hộ gia đình từ trước đến nay (đến tháng 6 năm 2020) do UBND các xã, thị trấn hợp đồng theo hình thức giao khoán cho người thu gom rác tự thu, tự chi theo khung giá của UBND tỉnh quy định.

Còn theo ông Trần Khắc Phục–Trưởng phòng Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom, vận chuyển về 2 khu xử lý, là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam và Khu xử lý rác tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu của Công ty CP công nghệ môi trường Tây Ninh. Một số cá nhân, tổ chức khu vực huyện Trảng Bàng thu gom, vận chuyển về khu xử lý rác tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, công tác thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các khu vực đô thị cơ bản đạt yêu cầu. Đối với khu vực nông thôn, nơi vùng sâu, vùng xa thì đa số các xã chưa thành lập được các tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, chủ yếu người dân tự phân loại các chất thải tái chế bán phế liệu hoặc đốt.

Bên cạnh đó, hiện tại một số đoạn đường vắng, xa nơi dân cư vẫn còn xuất hiện nhiều điểm tập kết rác tự phát do một bộ phận người dân thiếu ý thức vức rác bừa bãi. Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, cấp xã phát hiện 91 vụ xả rác thải, chất thải rắn không đúng nơi quy định, trong đó phạt cảnh cáo 4 vụ, đang xử lý 3 vụ, đã xử lý vi phạm hành chính 84 vụ với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Bài, ảnh, clip: Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh