Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, nông dân tham gia mô hình liên kết 4 nhà tiết kiệm chi phí được trên 1,4 triệu đồng/ha.

|
Nông dân “thích” bán lúa tại ruộng hơn bán cho nhà máy.
Theo UBND huyện Dương Minh Châu, mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa, bắp, bắp nhân giống được triển khai trên địa bàn huyện bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan.
Trong đó, mô hình liên kết trên cây lúa được đánh giá là hiệu quả khá. Mặc dù đầu ra sản phẩm còn thả nổi nhưng lợi nhuận tăng thêm 3-4 triệu đồng/ha/vụ nên ngày càng có nhiều nông dân tham gia, nâng cao diện tích đất trồng lúa theo mô hình liên kết 4 nhà.
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, nông dân tham gia mô hình liên kết 4 nhà tiết kiệm chi phí được trên 1,4 triệu đồng/ha và 1 lần phun thuốc bảo vệ thực vật; đạt lợi nhuận bình quân gần 5,7 triệu đồng/ha. Trong khi nông dân không tham gia mô hình chỉ đạt lợi nhuận 3,4 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Dương Minh Châu, trong việc thực hiện mô hình liên kết còn không ít khó khăn, bất cập. Cụ thể như việc thu hồi vốn ứng trước của doanh nghiệp giao trực tiếp cho trạm bảo vệ thực vật huyện quản lý và thực hiện là chưa hợp lý. Bởi trạm bảo vệ thực vật là đơn vị kỹ thuật hướng dẫn thực hiện mô hình không có chức năng về quản lý tài chính lại phải gánh thêm trách nhiệm thu nợ và quản lý vốn. Mọi mất mát và hao hụt đều quy cho trạm bảo vệ thực vật trong thời gian qua là bất hợp lý.
Theo HĐND tỉnh, một trong những hạn chế khi tham gia mô hình liên kết 4 nhà khiến nông dân không hài lòng là việc Nhà máy xay xát lúa gạo tại xã An Thạnh (Bến Cầu), đơn vị tham gia mô hình liên kết đã áp cách thức thu mua (các thủ tục rườm rà, mất thời gian) cũng như mức giá không có lợi cho nông dân nên họ chưa “mặn mà” bán lúa cho nhà máy.
Trong khi đó, nông dân bán lúa cho thương lái tại ruộng một cách dễ dàng, nhanh chóng, không phải tốn chi phí vận chuyển như khi bán cho nhà máy.
Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều bộ giống trong cùng một vụ sản xuất gây khó khăn cho định hướng xuất khẩu gạo ra thị trường bên ngoài.
Một số hạn chế khác là tình trạng thiếu hụt cán bộ kỹ thuật trước nhu cầu mở rộng địa bàn, quy mô sản xuất, làm hạn chế quá trình thực hiện mô hình.
Thành viên tổ hợp tác thiếu kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản về quản lý, nên tổ chức hoạt động còn lỏng lẻo, tự phát; cơ sở pháp lý cho hoạt động của tổ hợp tác chưa rõ ràng nên khó có điều kiện để nhận được các nguồn tài trợ hoặc vay vốn để hoạt động bền vững và phát triển mạnh hơn.
Nguy cơ giải tán tương đối cao nếu chính quyền địa phương, cơ quan quản lý không thường xuyên đeo bám, củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác.
HOÀNG THI