BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mô hình “liên kết 4 nhà”: Kết quả khả quan nhưng chưa đồng bộ

Cập nhật ngày: 09/04/2010 - 05:37

Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN và PTNT đang phát biểu tại hội nghị

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh mở hội nghị tổng kết mô hình “liên kết 4 nhà” thâm canh lúa vụ đông xuân 2009 – 2010 theo hướng hiệu quả, bền vững vào ngày 9.4.2010, tại trụ sở UBND xã An Thạnh (Bến Cầu). Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở chủ trì hội nghị. Đến dự có đại diện Cục Trồng trọt, Viện Khoa học miền Nam; đại diện Hội Nông dân tỉnh và các nông dân tham gia thực hiện mô hình.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Tây Ninh, vụ đông xuân 2009-2010 Chi cục BVTV phối hợp với Công ty cổ phần BVTV An Giang, Công ty phân bón Bình Điền, Công ty cổ phần quốc tế Hoà Bình và Công ty Bayer Việt Nam tiếp tục tiến hành triển khai thực hiện mô hình “liên kết 4 nhà” thâm canh lúa theo huớng hiệu quả, bền vững trên 236,8 ha với 188 nông hộ tham gia mô hình, tại 4 xã: An Thạnh, Long Chữ (Bến Cầu), Cẩm Giang (Gò Dầu) và Thanh Điền (Châu Thành). Đây là những vùng đất có địa hình khác nhau, nông dân có tập quán, kinh nghiệm canh tác khác nhau, nhưng nhìn chung việc thực hiện mô hình đã đạt kết quả rất khả quan. Tất cả các nông hộ tham gia mô hình đều sử dụng giống lúa xác nhận. Nông dân mạnh dạn giảm lượng lúa giống và áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, gồm sạ thưa, bón phân cân đối, hợp lý; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”... Từ đó đã giảm bớt chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể nông dân tham gia mô hình đã tiết kiệm được trên 900.000 đồng/ha so với nông dân sản xuất bình thường. Tính theo giá lúa hiện nay, nông dân thực hiện theo mô hình đạt lợi nhuận 14,850 triệu đồng/ha, cao hơn nông hộ sản xuất bình thường hơn 2,6 triệu đồng/ha. Ngoài hiệu quả kinh tế, các hoạt động trong mô hình đã giúp nông dân thể hiện tính cộng đồng, tính đoàn kết cao hơn; đồng thời tạo điều kiện tốt cho nông dân tiếp thu và mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, an toàn cho sức khoẻ cộng đồng.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện mô hình cũng còn một số mặt tồn tại: Một số nông dân chưa hiểu hết mục đích, yêu cầu của mô hình, nên không tuân thủ đúng quy trình canh tác đã được hướng dẫn, còn chưa mạnh dạn áp dụng phương pháp sạ hàng. Trình độ nông dân không đồng đều, nên việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật bị hạn chế, việc ghi chép nhật ký sản xuất là một yêu cầu quan trọng, nhưng chưa được nông dân quan tâm đúng mức. Về giống lúa, nông dân chưa được đơn vị chức năng hỗ trợ đầy đủ các thông tin để chọn giống lúa sản xuất cho phù hợp với từng vùng đất và thời vụ cụ thể. Sự phối hợp triển khai còn lúng túng, chưa kịp thời trong giai đoạn đầu. Nông dân vẫn còn thiếu thông tin thị trường. Mô hình “liên kết 4 nhà” chưa đầy đủ, đồng bộ, do còn thiếu doanh nghiệp tham gia đầu ra cho sản phẩm.

Chi cục BVTV Tây Ninh kiến nghị: Các ngành, các cấp hỗ trợ nông dân về khâu giống như: thông tin về cơ cấu giống lúa, hỗ trợ và cung ứng lúa giống đạt chất lượng cho sản xuất; cần có chính sách hỗ trợ cơ giới hoá trong khâu thu hoạch. Ban cố vấn, Ban chủ nhiệm các mô hình các cấp tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình trong vụ tới. Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Bayer Việt Nam, Công ty cổ phần BVTV An Giang, Công ty quốc tế Hoà Bình tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để triển khai mô hình vào vụ hè thu năm 2010.

D.H