BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mô hình liên kết “4 nhà” ở Bến Cầu: Cần tạo điều kiện khuyến khích nông dân áp dụng phương pháp sạ hàng

Cập nhật ngày: 19/05/2009 - 01:56

Tại buổi hội thảo đầu bờ về mô hình liên kết “4 nhà” quản lý dịch hại cho lúa thâm canh vụ đông xuân 2008-2009 tổ chức tại cánh đồng xã An Thạnh (Bến Cầu), các nhà khoa học, cũng như nông dân trực tiếp sản xuất đều khẳng định: xuống giống theo phương pháp sạ hàng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sạ lan truyền thống. Tuy nhiên đến nay tại địa phương vẫn có rất ít nông dân áp dụng phương pháp sạ hàng.

Dụng cụ sạ hàng.

Bà Lê Thị Loan, ở ấp Chánh, xã An Thạnh cho biết, vụ đông xuân vừa qua gia đình bà làm 3 ha lúa trong mô hình liên kết “4 nhà”. Trong đó áp dụng phương pháp sạ hàng thử nghiệm 1,4 ha, phần còn lại sạ lan. Kết quả trước mắt là sạ hàng giảm được 60 kg giống/ha so với sạ lan. Về năng suất lúa, hai phương pháp gieo sạ tương đương nhau. Bà quyết định vụ hè thu này sẽ xuống giống theo phương pháp sạ hàng toàn bộ 3 ha. Trao đổi với chúng tôi, nông dân trẻ Lê Hoàng Nam (20 tuổi) nhà ở ấp Chánh, xã An Thạnh cho biết, vụ hè thu này nhà anh tham gia mô hình liên kết “4 nhà” và vừa mới xuống giống 2 ha lúa theo phương pháp sạ hàng. Nam cho biết thêm, ngành chức năng hiện đang gửi tại nhà anh 6 dụng cụ sạ hàng để sẵn sàng cho bà con trong khu vực đến mượn. Hiện nay đã có một số nông hộ tham gia mô hình liên kết “4 nhà” đến mượn dụng cụ sạ hàng để xuống giống. Dụng cụ sạ hàng gửi ở nhà anh Nam được làm bằng nhựa, bánh xe kéo cũng bằng nhựa, kéo trên mặt ruộng rất dễ dàng. Nếu mặt ruộng bằng phẳng, chỉ cần hai người, mỗi người một dụng cụ, kéo trong vòng 2 giờ là sạ xong một ha.

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Phạm Thái Huân, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Bến Cầu cho biết, những năm gần đây có một số nông hộ ở huyện Bến Cầu xuống giống theo phương pháp sạ hàng, nhưng nhìn chung còn rất ít, hầu như chỉ có những nông hộ tham gia các mô hình do các ngành chức năng liên kết thực hiện. Còn lại đa số nông dân vẫn còn áp dụng phương pháp sạ lan. So với sạ lan, sạ hàng có nhiều ưu điểm hơn. Nhờ thực hiện bằng dụng cụ, nên sạ hàng đảm bảo mật độ sạ đều; giữa hai hàng có khoảng trống thoáng dễ chăm sóc và ít sâu bệnh hơn sạ lan. Đáng lưu ý là lượng lúa giống giảm rất đáng kể. Thường nông dân sạ lan với mức từ 200-220 kg lúa giống/ha, còn áp dụng phương pháp sạ hàng giảm xuống chỉ còn từ 100 – 120 kg/ha. Sạ hàng còn tiết kiệm được phân bón. Cũng nhờ có khoảng trống nên lúa phát triển mạnh, ít bị ngã đổ, bông lúa dài hơn, từ đó năng suất cũng cao hơn. Giảm được chi phí, mà tăng được năng suất, tất nhiên hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, đối với vùng đất huyện Bến Cầu, muốn sạ hàng bà con nông dân phải chú ý thực hiện đúng quy trình. Theo kỹ sư Huân, trước hết phải chú ý khâu làm đất, đất phải thật sạch để khống chế cỏ dại, mặt ruộng phải kéo cho bằng phẳng; phải phun thuốc diệt cỏ tiền nẩy mầm để khống chế hạt cỏ trước khi chúng nảy mầm. Khâu chọn và xử lý hạt lúa giống cũng hết sức quan trọng. Tối thiểu cũng phải chọn giống xác nhận cấp 1. Nếu sản xuất lúa giống thì phải chọn giống nguyên chủng. Khi ngâm giống, cần ngâm trong nước có pha thêm muối (dung dịch 15% muối) để loại bớt hạt cỏ dại, hạt lúa lừng, lúa lép và lúa von (lúa đực). Ngâm lúa giống chừng 10 -15 phút rồi vớt ra rửa sạch, sau đó ngâm lại nước bình thường. Sau khi xuống giống được từ 8-10 ngày cần bón phân lần đầu. Lần này tập trung bón phân lân (từ 200 -220 kg/ha) và đạm khoảng 30 kg/ha. Sau khi sạ từ 18-20 ngày bón phân lần hai. Lần này bón 80 kg phân Urê/ha; 50 kg kali/ha. Khi lúa được từ 42-45 ngày bón phân lần 3 để rước đòng. Lần này bón 70 kg Urê, 50 kg kali/ha. Khi lúa trổ được khoảng 5%, thấy lúa chuyển màu hơi vàng, tuỳ theo độ màu mỡ của đất có thể bón bổ sung thêm 20 kg Urê/ha. Về phòng trừ sâu bệnh, cố gắng áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Kỹ sư Huân cho biết thêm, nhìn chung đại bộ phận nông dân Bến Cầu vẫn chưa mạnh dạn áp dụng phương pháp sạ hàng. Toàn huyện có khoảng 25.000 ha đất nông nghiệp, nhưng hằng năm chỉ có khoảng 20-25 ha áp dụng phương pháp sạ hàng, mà chủ yếu là ở các mô hình trình diễn, mô hình liên kết. Trong mô hình liên kết “4 nhà” vụ đông xuân vừa qua ở xã An Thạnh có 44 nông hộ tham gia, với 53 ha, nhưng chỉ có một nông dân (bà Lê Thị Loan) áp dụng phương pháp sạ hàng, với diện tích 1,4ha.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để áp dụng phương pháp sạ hàng nông dân mong được các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để cơ giới hoá khâu làm đất, mua máy phun xịt thuốc. Đặc biệt là “ba nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) cần hỗ trợ cho nhà nông có nguồn giống phát triển tốt, có năng suất và chất lượng cao để từng bước thay đổi các loại giống kém chất lượng, năng suất thấp, khó tiêu thụ…

D.H