Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trảng Bàng:
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa đạt hiệu quả cao
Chủ nhật: 22:34 ngày 31/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phát triển ngành lúa gạo một cách bền vững, sắp tới đây, ngành Nông nghiệp huyện Trảng Bàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng lúa; tập trung xây dựng phát triển mô hình cánh đồng lớn gắn với phát triển HTX trên mọi mặt.

Người dân xã Phước Chỉ thu hoạch lúa sau khi phơi nắng.

Thời gian qua, huyện Trảng Bàng đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Hiện toàn huyện có 12.500 ha đất trồng lúa, trong đó tập trung nhiều nhất ở 3 xã cánh Tây và các ấp ven sông Vàm Cỏ Đông. Từ năm 2013 đến nay, mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP được huyện mở rộng, đạt 4.231 ha (trong đó đã chứng nhận đạt tiêu chuẩn hơn 414 ha).

Tính đến tháng 3.2019, Trảng Bàng có 15 hợp tác xã (HTX), trong đó, 7 hợp tác xã chuyên sản xuất, tiêu thụ lúa và lúa nếp với 211 thành viên, trên 855 ha. Các HTX trong huyện có quy mô nhỏ nhưng đã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chuyên môn để giúp các thành viên sản xuất. Một số HTX đã chủ động xây dựng các phương án làm dịch vụ đầu vào, tìm đối tác để bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng thương lái ép giá, tăng thu nhập cho các thành viên.

Cụ thể, HTX dịch vụ nông nghiệp Gia Bình đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Đại Cường 70 ha/vụ với giá bao tiêu từ 6.000 - 6.400 đồng/kg. Mô hình sản xuất bằng máy cấy của HTX hiệu quả hơn so với sạ lan vì cấy giúp cây lúa sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh khoẻ, độ đồng đều cao, bông to, cây cứng ít đổ ngã, ít sâu bệnh, dễ quản lý cỏ dại.

Ngoài ra, do hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên giảm tác hại đến môi trường sức khoẻ của người nông dân. Năng suất cây lúa cấy trung bình cao hơn so với sạ lan từ 0,5 - 0,7 tấn/ha. Tổng doanh thu mô hình lúa cấy trên 48 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với ngoài mô hình 12 triệu đồng/ha/vụ; lợi nhuận ước khoảng 18 triệu đồng/ha/vụ.

Tham gia mô hình này, anh Cao Văn Thanh, thành viên HTX Gia Bình cho biết, việc sản xuất lúa theo mô hình đạt sản lượng cao hơn hẳn so với trước. Đồng thời, giá thu mua của các doanh nghiệp bao tiêu lúc nào cũng nhỉnh hơn giá thị trường nên nông dân có lợi nhuận cao hơn.

Trong khi đó, HTX dịch vụ nông nghiệp An Hoà mới được thành lập từ tháng 11.2018, nhờ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2 năm đầu (không đóng lãi) của Chính phủ, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến về sản xuất lúa, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Theo ông Trần Văn Thẩm, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Hoà, HTX luôn chủ động trong khâu tổ chức sản xuất, từ công đoạn cày xới, bơm nước, thu hoạch đến thu mua đều bảo đảm đúng các quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn chất lượng cao - an toàn. Khi tham gia mô hình, các hộ dân đều được bao tiêu theo cam kết từ đầu vụ với giá bán lúa cao hơn so với thị trường tại thời điểm thu hoạch.

Tại xã Phước Lưu cũng có 2 HTX dịch vụ nông nghiệp sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa, lúa nếp. Với diện tích hơn 350 ha đất chuyên trồng lúa, chiếm 86% diện tích đất nông nghiệp của xã, trước đây, nông dân trồng lúa ở Phước Lưu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thông tin thị trường hạn chế nên luôn bị thương lái ép giá, thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”. Còn khi lúa được giá thì nhà nông lại không có nông sản để bán.

Từ thực tế trên, ban quản trị các HTX trên địa bàn xã đã xây dựng phương án liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống với các doanh nghiệp, vựa lúa ở miền Tây. Mỗi vụ, doanh nghiệp bao tiêu từ 100 - 200 ha với giá thu mua thấp nhất từ 6.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình là trên 5 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả từ việc liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống của các HTX đã tạo điều kiện thuận lợi, làm tiền đề cho việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn xã.

Đặc biệt, với phương thức sản xuất mang tính bền vững thể hiện tính vượt trội về năng suất, giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập hộ thành viên, mô hình liên kết đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, giảm hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn 2%.

Ông Võ Tấn Lực - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Giang - Phước Lưu cho biết, HTX đã phối hợp UBND xã vận động các thành viên HTX tham gia quy hoạch vùng sản xuất tập trung với diện tích lớn, làm cầu nối ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức tập huấn quy trình sản xuất đến tận địa bàn xóm ấp. Nỗi lo về vốn của những hộ nông dân tham gia mô hình cũng được “hoá giải” khi họ được ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cuối vụ mới phải thanh toán…

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều HTX làm tốt vai trò là “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ và manh mún sang phát triển sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Các HTX này đã vận động, tổ chức cho các hộ nông dân chuyển ghép ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, khắc phục được hạn chế về ruộng đất vốn manh mún, hình thành những cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng. Từ đó, cây trồng được nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp thường tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ xã viên (cung ứng vật tư, giống, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, vay vốn...). Một số HTX còn tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm không phải thông qua trung gian là tư thương, đầu nậu.

Nhờ vậy, người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư. Không những góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hoạt động của các HTX còn gắn với quá trình triển khai thực hiện những chương trình, dự án phát triển cộng đồng, như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dạy nghề… góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động của các HTX cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một phần do cơ chế chính sách đã được ban hành nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống. Sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với khu vực này còn hạn chế. Mặt khác, vẫn tồn tại nhiều HTX yếu kém cả về cơ sở vật chất lẫn năng lực quản lý.

Phát triển ngành lúa gạo một cách bền vững, sắp tới đây, ngành Nông nghiệp huyện Trảng Bàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng lúa; tập trung xây dựng phát triển mô hình cánh đồng lớn gắn với phát triển HTX trên mọi mặt. Ngành Nông nghiệp huyện cũng tạo điều kiện để các HTX, nhà nông liên kết sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị lúa gạo; xây dựng vùng nguyên liệu (mỗi địa phương xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo phù hợp với yêu cầu thị trường); khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo cho tiêu dùng trong huyện và các địa phương khác, xa hơn nữa là cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

MINH TÙNG

Tin cùng chuyên mục