Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ leo giàn ở Tân Biên 

Cập nhật ngày: 02/09/2019 - 10:51

BTNO - Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng đất ở địa phương, ông Nguyễn Văn Chạnh (sinh năm 1961, ngụ ấp 3, xã Trà Vong) đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng thanh long ruột đỏ leo giàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Ông Chạnh cho biết, sau khi học hỏi mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở các tỉnh Long An và Bình Thuận, nhận thấy cây thanh long dễ trồng, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2017 gia đình ông bắt tay vào xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ bằng phương pháp leo giàn.

Ông Nguyễn Văn Chạnh bên vườn thanh long ruột đỏ leo giàn của gia đình.

Khác phương pháp trồng truyền thống, phương pháp này không chỉ tiết kiệm diện tích trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo thuận lợi trong việc chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch và tránh được gió bão tốt. Bước đầu ông Chạnh mạnh dạn chuyển đổi 2 ha lúa sang trồng thanh long ruột đỏ leo giàn, ông bỏ vốn gần 500 triệu đồng đầu tư đổ cột bê tông cao 1,8 mét làm trụ, mua ống sắt làm giàn, mua hệ thống tưới phun cho cả vườn thanh long và mua phân bón, giống thanh long ruột đỏ về trồng.

Với tính siêng năng, chí thú làm ăn cộng với vốn kiến thức học hỏi kinh nghiệm từ những người quen, bạn bè từ các địa phương khác, ông dốc sức chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây thanh long ruột đỏ. Mật độ trồng 1.500 trụ/ha, tương đương khoảng cách trụ cách trụ 3m, hàng cách hàng 3m. Từ khi trồng đến khi thu hoạch lứa đầu khoảng 14 tháng.

Thanh long ruột đỏ cho trái tự nhiên từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, đến nay mô hình thanh long ruột đỏ của ông đã và đang cho hiệu quả kinh tế khá cao, năng suất bình quân 20 tấn/ha/năm, với giá bán dao động khoảng 20 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư chăm sóc, 1 ha thanh long ruột đỏ cho lợi nhuận khoảng trên 300 triệu đồng/năm. Đây là năm thứ 2 vườn thanh long của gia đình ông Chạnh cho thu hoạch mới được 2 lứa và cứ mỗi lứa tiếp theo cho năng suất cao hơn.

Đây là năm thứ 2 vườn thanh long của gia đình ông Chạnh cho thu hoạch.

Dự kiến, vào năm thứ 3, thanh long của gia đình ông bắt đầu cho trái rộ, năng suất bình quân sẽ vào khoảng 40 tấn/1ha, theo giá bán như hiện nay, trừ hết toàn bộ chi phí, gia đình ông thu  lợi khoảng 700- 800 triệu đồng/ha/năm. Một điều rất mừng là trái thanh long thu hoạch không phải đưa ra chợ bán lẻ, mà có bao nhiêu cũng không đủ để giao cho các thương lái thu mua.

Trong quá trình trồng và chăm sóc, gia đình ông chủ động cắt, tỉa nhánh phòng trừ sâu bệnh, làm sạch cỏ dại, hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho thanh long, nhằm tạo ra những quả thanh long ruột đỏ sạch, chất lượng. Với phương pháp trồng thanh long leo giàn, sản lượng thanh long của gia đình ông Chạnh tăng từ 2-3 lần so với thanh long từng trụ truyền thống và giá bán cũng tăng hơn nhiều so với cách trồng thanh long truyền thống, lợi nhuận tăng khoảng 20 đến 30 lần so với trồng lúa.

Thanh long ruột đỏ là loại cây ăn trái dễ trồng, dễ chăm sóc. Chỉ cần đầu tư giống ban đầu, sau đó có thể cắt cành giâm làm giống. Một năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch liên tiếp trong 5 tháng, sản lượng tăng dần trong những năm tiếp theo và đặc biệt tuổi thọ của cây bình quân từ 20-25 năm tùy theo công tác chăm sóc.

Ông Trịnh Huỳnh Tiến- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Vong cho biết, trồng thanh long là mô hình mới, rất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây ăn quả thông thường. Xã Trà Vong sẽ tích cực tuyên truyền vận động bà con đến tham quan, học tập kinh nghiệm về cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Chanh.

Hội Nông dân xã cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các mô hình trồng cây ăn quả và cây thanh long ruột đỏ, góp phần tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho các gia đình ở địa phương.

Đức Thịnh