BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mơ một ngôi nhà lành lặn

Cập nhật ngày: 11/11/2016 - 05:45

Chị Loan và con, cháu bên căn nhà cũ kỹ, chật hẹp.

Ngôi nhà nhỏ, xập xệ nằm lọt thỏm giữa ruộng là nơi trú ngụ của một gia đình nghèo gồm 6 thành viên. Đó là nhà của chị Phan Thị Kim Loan, sinh năm 1968, ngụ tại ấp Long Hoà, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu.

Tôi đến thăm nhà chị Loan khi trời đang chuyển mưa, bầu trời âm u khiến cho ngôi nhà trông càng lạnh lẽo. Xung quanh nhà, nước đã ngập mấp mé thềm. Bên trong nhà trống huơ trống hoác vọng lên tiếng cười đùa của nhóm trẻ con đang cùng nhau chơi nhảy dây ngay trên nền nhà chật hẹp, nhiều chỗ gạch đã bị vỡ, loang lổ. Cái nền nhà cũ kỹ ấy chính là chỗ ngủ của chị Loan cùng với mấy đứa trẻ, chỉ cần trải manh chiếu mỏng xuống là xong. Lúc ngủ dậy thì xếp chiếu lại cho có chỗ đi ra đi vào. Cái sân bị ngập nước bây giờ cũng trở thành chỗ vui chơi cho bọn trẻ.

Chị Loan siêng năng, làm lụng không ngại khó, ngại khổ nhưng không biết sao cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình chị. Vợ chồng chị nghèo khổ đã đành, bốn đứa con lớn lên, có cuộc sống riêng cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thương con, vợ chồng chị Loan lãnh luôn phần trông coi, chăm sóc mấy đứa cháu nhỏ để các con được yên tâm đi làm xa.

Trong 5 đứa nhỏ đang ở cùng chị Loan, ngoài 4 đứa cháu ngoại tuổi từ 3 đến 10, còn có một bé trai tên Bin gọi chị là mẹ. Nhìn cách cả gia đình yêu thương bé Bin, ít ai nghĩ rằng bé chỉ là con nuôi của vợ chồng chị Loan. Theo lời kể, chị Loan trở thành mẹ của bé Bin trong tình cảnh hết sức éo le.

Cách đây 10 năm, chị có làm nghề giữ trẻ. Có một phụ nữ trẻ đem gửi đứa con mới 3 tháng rưỡi nhờ chị trông hộ. Rồi một ngày nọ, người mẹ ấy bỗng dưng… biệt tích. Lúc ấy, chị Loan hoang mang lắm, không biết tính sao vì nhà nghèo quá, thêm một miệng ăn thì lấy gì mà nuôi. Nhưng nếu bỏ đứa nhỏ vô tội thì cũng không đành, bởi qua một thời gian nuôi dưỡng bé, chị cũng thấy “mến tay mến chân”. Cuối cùng, đôi vợ chồng nghèo vẫn quyết định cưu mang đứa con không phải do mình sinh ra. Thời gian trôi đi, đứa trẻ ẵm ngửa trên tay ngày nào nay đã vào lớp 3.

Để có điều kiện nuôi bé Bin và phụ nuôi các cháu, vợ chồng chị Loan luôn cật lực lao động để kiếm tiền. Cuộc sống vốn đã chật vật càng trở nên khốn khó hơn khi chồng chị Loan- trụ cột trong gia đình phải nằm một chỗ do căn bệnh tai biến. Chịu khó chạy chữa, rồi anh cũng dần đi lại được nhưng chưa thể lao động nặng nhọc.

Chị Loan thay chồng đứng ra cáng đáng mọi việc trong nhà. Chị ra sức bươn chải làm đủ việc, buông cái này bắt cái kia để kiếm tiền. Chị gói bánh tét, bánh ú đem bán, gặp ngày mưa gió buôn bán ế ẩm thì chị ở nhà đan rổ tre, thời gian còn lại trong ngày ai mướn gì chị làm nấy. Quanh nhà đầy nước, có chỗ ngập sâu, chị đi làm mà lòng cứ thấp thỏm không yên, nơm nớp lo mấy đứa nhỏ ở nhà. Vì vậy, dù đi buôn bán hay đi làm mướn, chị cũng chỉ quanh quẩn trong ấp, chẳng dám đi xa, để còn tiện chạy về nhà trông chừng bọn trẻ. Sẵn việc đưa con, cháu đi học, chị Loan nhận thêm việc đưa đón mấy đứa trẻ trong xóm đến trường, với chị lúc này kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy.

Vất vả là vậy, nhưng số tiền chị kiếm được không thấm thía vào đâu so với các khoản chi tiêu hằng ngày cho bao nhiêu con người, chưa tính việc học hành của lũ trẻ cũng không ít tốn kém. Tháng nào ba mẹ chúng làm ăn được, gửi tiền về thì cũng đủ để chị xoay xở, tháng nào không có tiền gửi về, chị Loan lại phải tự gồng mình lo liệu mọi thứ.

Cái ăn cái mặc hằng ngày đã đủ chật vật, nay còn thêm căn nhà đã đến hồi dột nát. Chỉ lo chi phí sinh hoạt thôi đã muốn kiệt sức, chị Loan không dám tính đến việc sửa chữa nhà và càng không dám nghĩ đến chuyện xây nhà mới. Nét lo buồn hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ, in hằn dấu vết của sự lam lũ, chị Loan bùi ngùi nói: “Hễ mưa to, gió lớn là nhà không có chỗ ngủ, bởi dột ướt tứ phía. Nước mưa ở ngoài cửa tạt vào nhà, rồi nước từ mái nhà rơi xuống làm cho nền nhà ướt nhẹp. Tôi sao cũng chịu được hết, chỉ thương mấy đứa nhỏ ngủ không ngon giấc. Có một căn nhà vững chắc, lành lặn hơn là ước mơ lớn nhất của tôi”.

THẾ ANH