BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mở nước công trình kiên cố hoá kênh N23

Cập nhật ngày: 29/05/2013 - 04:10
HTML clipboard

Các đại biểu dự buổi lễ mở nước công trình kiên cố hoá kênh N23

(BTN) - Sáng ngày 28.5.2013, tại đầu tuyến kênh N23 (thuộc kênh Đông hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng) thuộc địa bàn xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thuỷ lợi thành phố Hồ Chí Minh (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Ban Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh tổ chức lễ mở nước công trình kiên cố hoá kênh N23. Đây là công trình hợp tác giữa hai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trường Xuân- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thuỷ lợi thành phố Hồ Chí Minh cho biết kênh N23 thuộc địa bàn huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Công trình kiên cố hoá kênh N23 do Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thuỷ lợi thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Mục tiêu và nhiệm vụ của dự án thực hiện chương trình hợp tác kinh tế xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Việc kiên cố hoá kênh N23 nhằm đảm bảo lưu lượng phục vụ sản xuất cho 1.400 ha đất sản xuất nông nghiệp cho 2 huyện Trảng Bàng  và Củ Chi. Các hạng mục công trình gồm: kiên cố hoá kênh N23 bằng bê tông cốt thép đáy và mái kênh, với chiều dài toàn tuyến 4.383m, chiều rộng đáy kênh là 4m; sửa chữa, nâng cấp 2 cống; gia cố bờ kênh; đồng thời trải cấp phối sỏi đỏ đường bờ kênh bên trái với chiều dài 4.866m, rộng 4m, kết nối từ cống đầu kênh N23 đến với đường giao thông Trung Lập – Sa Nhỏ, huyện Củ Chi. Thời gian thi công là 60 ngày (từ ngày 20.3.2013 – 20.5.2013) với kinh phí đầu tư xây dựng  25,7 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lê Thành Công- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, lợi ích của việc bê tông hoá kênh N23 là tăng diện tích vùng tưới lên được 200 ha so với trước đây; chất lượng tưới được nâng cao. Ngoài ra, việc đầu tư làm sỏi phún con đường bờ kênh thành con đường giao thông nội đồng, góp phần rất quan trọng cho việc lưu thông ở nông thôn, giúp cho nông dân xã Hưng Thuận (Trảng Bàng) và xã lân cận của huyện Củ Chi đi lại và vận chuyển hàng hoá nông sản rất thuận tiện. 

D.H