BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mộ phần liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh đang ở nơi đâu ?

Cập nhật ngày: 07/09/2015 - 08:59

Mộ liệt sĩ vô danh trong nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành - thành phố Tây Ninh.

HY SINH Ở TUỔI ĐÔI MƯƠI

Ngày 25.3.2014, ông Nguyễn Trọng Phúc, hiện ngụ tại thôn Trung Nam, xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có đơn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị làm rõ việc mộ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh bị thất lạc tại tỉnh Tây Ninh.

Trong đơn, ông Nguyễn Trọng Phúc cho biết, anh trai ông là Nguyễn Trọng Cảnh sinh năm 1960, nhập ngũ ngày 15.4.1978. Đơn vị ông Nguyễn Trọng Cảnh nhập ngũ là Trung đoàn 412, Sư đoàn 41, thuộc Binh đoàn 15. Đây là những đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Gần một năm sau ngày ông Nguyễn Trọng Cảnh lên đường, ngày 1.3.1979, gia đình nhận được tin ông hy sinh.

Ngày 30.4.1979, gia đình nhận giấy báo tử. Giấy báo tử cho biết, Nguyễn Trọng Cảnh hy sinh trong trường hợp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại mặt trận Tây Nam và được xác nhận là liệt sĩ. Theo thông tin ghi trong giấy báo tử, mộ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh (lúc bấy giờ nghĩa trang được đặt tại ấp Cầy Xiêng, xã Thái Bình, nay là xã Đồng Khởi). Mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh mang số 11, hàng thứ 12 trong sơ đồ nghĩa trang.

Năm 1991, thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh vào Tây Ninh và đến viếng con em mình. Tại thời điểm đó, ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh tuy còn tạm bợ (chưa được xây) nhưng có hàng lối và thông tin ghi trên mộ đúng như trong giấy báo tử.

Năm 1993, sau khi biết tin nghĩa trang Cầy Xiêng đã giải toả, các ngôi mộ liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Thị xã - Châu Thành (nay là nghĩa trang liệt sĩ  Châu Thành - thành phố Tây Ninh), gia đình có tổ chức cho con cháu, anh em vào viếng liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh.

Tuy nhiên, khi tới nơi gia đình tìm mãi vẫn không thấy mộ. Thân nhân liệt sĩ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hỏi thì được hướng dẫn lên huyện Châu Thành. Gia đình lên huyện Châu Thành thì lại được trả lời thuộc trách nhiệm của Sở. Không tìm thấy mộ người thân, gia đình ông Nguyễn Trọng Phúc ra về với tâm trạng vừa buồn vừa hoang mang.

Ba năm sau, năm 1996, gia đình ông Phúc đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để hỏi thì được trả lời là ngôi mộ bị thất lạc. Những người từng trực tiếp làm công việc cất bốc hài cốt này cũng không rõ ngôi mộ ở đâu.

Năm 2000, một lần nữa, gia đình thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh lại vào Tây Ninh để dò hỏi tung tích về ngôi mộ. Khi đến Phòng Lao động -  Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành, gia đình được một nhân viên cho biết, khi bốc mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh thì trong mộ không có hài cốt. Nhân viên này nói với gia đình rằng cố gắng chờ khi nào tìm được mộ thì sẽ báo cho thân nhân biết.

Thân nhân gia đình rất bất ngờ trước câu trả lời ấy. Theo họ, mộ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh (lúc an táng tại Cầy Xiêng) đã có đầy đủ thông tin như số hàng, số mộ, tên tuổi, quê quán rất rõ ràng thì tại sao lại không có hài cốt? Tháng 8.2013, gia đình ông Nguyễn Trọng Phúc từ Hà Tĩnh vào Tây Ninh có đến dâng hương tại nghĩa trang nói trên.

Ở phần cuối lá đơn ông Nguyễn Trọng Phúc viết, nhà nghèo, đường sá quá xa xôi, 23 năm qua kể từ ngày mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh bị mất nhưng gia đình vẫn cho rằng hài cốt liệt sĩ vẫn đang ở đâu đó trên mảnh đất Tây Ninh. 

Từ những điều vừa trình bày ở trên, ông Phúc đề nghị các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết các vấn đề sau đây cho gia đình ông. Thứ nhất, mộ của Nguyễn Trọng Cảnh nay đang ở đâu? Thứ hai, nếu mộ bị mất thì cho biết lý do tại sao và ai là người phải chịu trách nhiệm? Thứ ba, gia đình đề nghị được tạo điều kiện để được vào viếng nghĩa trang liệt sĩ tại Tây Ninh.

CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ VỀ CHUYỆN NGÔI MỘ BỊ THẤT LẠC?

Sau khi nhận được đơn của ông Nguyễn Trọng Phúc, ngày 29.7.2014, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh có công văn gửi Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền để trả lời cho gia đình, đồng thời báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước ngày 30.8.2014.

Nhận được công văn trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành để kiểm tra, rà soát các phần mộ liệt sĩ.

Ngày 12.9.2014, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Thành có công văn giải trình về việc mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh bị thất lạc. Theo đó, sau khi tra cứu, tìm kiếm mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh không có ở nghĩa trang Châu Thành và thành phố Tây Ninh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã chỉ đạo cán bộ nghiệp vụ của Phòng kết hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh để cùng xem xét.

Nhưng qua rà soát hồ sơ quy tập không thấy tên liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh. Trước đó, để biết thêm thông tin ngày 31.12.2013, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Thành có công văn gửi Ban chính sách Quân đoàn 4 - nơi lưu trữ danh sách và sơ đồ mộ chí liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ kháng chiến tại các tỉnh phía Nam.

Theo công văn phúc đáp của Quân đoàn 4, danh sách hồ sơ liệt sĩ lưu trữ tại Quân đoàn không tìm thấy tên liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh. Để có thêm thông tin, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Châu Thành tiếp tục cử cán bộ nghiệp vụ đi gặp những người trước đây từng phụ trách công tác quy tập hài cốt liệt sĩ tại huyện với mong muốn lần tìm ra thông tin về ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh.

Tuy nhiên, do sự việc xảy ra đã khá lâu, nhiều người không còn nhớ chi tiết nên phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh vẫn chưa được tìm thấy.

Trong thư gửi ông Phúc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành bày tỏ sự chia sẻ và nhận thiếu sót với gia đình thân nhân của liệt sĩ, đồng thời kính mong gia đình liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh thông cảm, Phòng sẽ tiếp tục tìm và nếu có thông tin mới thì sẽ báo cho gia đình biết.

Ngày 31.12.2014, Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành có công văn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, theo tinh thần của công văn này, cho đến thời điểm đó, các cơ quan chức năng của Châu Thành vẫn chưa làm rõ được việc mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh bị thất lạc.

Trong công văn, Uỷ ban nhân dân huyện xin nhận thiếu sót và xem đây là bài học sâu sắc trong công tác thực hiện chính sách của địa phương. Công văn của Uỷ ban nhân dân huyện cũng cho biết, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tìm kiếm.

Xung quanh câu chuyện ngôi mộ Nguyễn Trọng Cảnh bị thất lạc, trước kỳ họp HĐND thứ 15 được tổ chức hồi tháng 7.2015, một số cử tri ở phường 1, thành phố Tây Ninh đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh sớm trả lời cho gia đình thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh được biết.

Tại kỳ họp, trong phần báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh cho biết đã đôn đốc, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tìm kiếm mộ của liệt sĩ Phạm Trọng Cảnh và Sở đã yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành kiểm tra và báo cáo về trường hợp này.

Kết quả, Uỷ ban nhân dân huyện, Phòng Lao động  - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành, sau khi tra cứu thông tin mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh thì thấy trường hợp này không an táng trong nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành - thành phố Tây Ninh.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành tiếp tục phối hợp với Ban chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh và Ban chính sách Quân đoàn 4 kiểm tra, đối chiếu danh sách lưu trữ nhưng cũng không tìm thấy hồ sơ quy tập có tên liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở  Lao động  - Thương binh và Xã hội tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh.

NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

Trong quá trình đi thu thập tư liệu để viết bài báo này, phóng viên đã gặp lãnh đạo các ban, ngành có liên quan để hỏi về trường hợp mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh bị thất lạc.

Theo ý kiến của một cán bộ thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì toàn bộ thông tin cũng như sự việc của câu chuyện nêu trên thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành, mà trực tiếp là Phòng Lao động – Thương binh Xã hội huyện.

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện mộ liệt sĩ bị thất lạc, ông Lại Văn Đây, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành phân trần, việc ngôi mộ bị thất lạc đã xảy ra trước khi ông về nhận nhiệm vụ.

Trong mấy năm qua, với trách nhiệm và chức năng được giao, Phòng đã nỗ lực hết mình với mong muốn tìm được mộ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra. Theo ông Đây, vẫn còn hy vọng để có thể tìm thấy hài cốt liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh- đó là khi có điều kiện lấy mẫu để thử ADN với thân nhân liệt sĩ.

Thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành - thành phố Tây Ninh.

Xung quanh ngôi mộ liệt sĩ bị thất lạc, người viết bài xin mạnh dạn nêu lên một số giả thiết. Thứ nhất, cần phải xem xét liệu mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh khi được an táng tại nghĩa trang Cầy Xiêng có hài cốt hay không? Trên thực tế đã từng có trường hợp mộ liệt sĩ tuy có tên tuổi, quê quán nhưng lại không có hài cốt.

Vì một số lý do khác nhau, người ta phải lập các ngôi mộ ấy- dù rằng đây là điều không ai mong muốn. Thứ hai, nếu như hài cốt liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh đã được cất bốc và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành - thành phố Tây Ninh thì một khả năng có thể xảy ra là vào thời điểm đó, công tác quy tập chưa được thực hiện một cách quy củ, khoa học nên đã không gắn bia lên mộ liệt sĩ.

Như thế có thể xem đây là trường hợp mộ liệt sĩ chưa biết tên. Thứ ba, sau các cuộc chiến tranh, nhiều nghĩa trang được lập nên một cách sơ sài, tạm bợ, do đó không phải không có những ngôi mộ bị xoá dấu vết.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Tây Ninh cũng đã nỗ lực hết mình, đã làm mọi cách để tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh, song rất tiếc mọi nỗ lực đều chưa đem lại kết quả. Câu chuyện về ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Cảnh bị thất lạc, xét cho cùng, đó cũng là nỗi buồn chiến tranh.

VIỆT ĐÔNG