Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mở rộng cơ hội kết nối giao thương, cung - cầu hàng hoá 

Cập nhật ngày: 19/07/2024 - 07:26

BTN - Từ hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, nhiều chương trình ký kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện, giúp doanh nghiệp từng bước giải quyết khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và quảng bá thương hiệu...

Nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh tiếp cận, thâm nhập thị trường, tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất, kinh doanh, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, làm cầu nối giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) tăng cường quan hệ thương mại và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần đưa sản phẩm của địa phương vươn xa.

Du khách tham quan sản phẩm của doanh nghiệp Tây Ninh tại hội nghị kết nối giao thương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Cơ hội quảng bá sản phẩm

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX của tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường. Để tháo gỡ khó khăn này, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX tham gia quảng bá, tìm hiểu thị trường, kết nối giao thương với các tỉnh bạn.

Từ hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, nhiều chương trình ký kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm được thực hiện, giúp doanh nghiệp từng bước giải quyết khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và quảng bá thương hiệu, đồng thời, người tiêu dùng mua được hàng hoá chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Sở Công Thương cũng đã tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại để tìm hiểu thị trường cũng như tìm cơ hội hợp tác với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Điển hình như hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa 3 tỉnh Tây Ninh - Trà Vinh - Đăk Lăk vừa được tổ chức tại Tây Ninh. Chương trình nhằm phát huy lợi thế hiện có của mỗi địa phương thông qua việc hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động công nghiệp - thương mại, tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá.

Bà Phạm Thị Thu Thảo- Thương hiệu cà phê Ông Giáo, tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: “Xuất thân là nhà giáo, nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với cà phê, gia đình chúng tôi làm cà phê được hơn 20 năm, cà phê rang mộc, không sử dụng phụ gia, có công dụng tốt cho sức khoẻ, đẹp dáng, đẹp da. Tham gia chương trình tại Tây Ninh, chúng tôi mong muốn được kết nối giao thương, gắn kết vùng miền, và đặc biệt cà phê sạch sẽ đến được với đông đảo người tiêu dùng”.

Khách hàng tìm hiểu về sản phẩm của doanh nghiệp Lúa Vàng Việt tỉnh Tây Ninh.

Ông Kim Minh Tuấn- Giám đốc HTX Nông nghiệp Rạch Lọp, tỉnh Trà Vinh cho biết, HTX chuyên về sản xuất lúa, gạo chủ yếu là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, hiện tại cung cấp cho thị trường Trà Vinh và các tỉnh lân cận. Chúng tôi mang đến chương trình thương hiệu gạo Tiểu Cần, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, sản xuất theo dây chuyền an toàn vệ sinh thực phẩm, với mong muốn kết nối giao thương sản phẩm với các tỉnh bạn.

Tại chương trình, một trong những sản phẩm gây ấn tượng với khách hàng, đó là hình ảnh núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, đỉnh Vân Sơn… được in trên sản phẩm nến thơm của Công ty nến thơm Kim Dung, tỉnh Tây Ninh. Theo đại diện công ty cho biết, nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng những hình ảnh mang đậm màu sắc quê hương Tây Ninh, phía công ty đã làm nên những hoạ tiết sinh động này để người tiêu dùng có thể tặng bạn bè, người thân.

Cung - cầu xích lại gần nhau nhờ kết nối giao thương

Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương bày tỏ mong muốn đến các doanh nghiệp, các nhà phân phối, đơn vị, cơ quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn để các sản phẩm của các tỉnh mở rộng thị trường. Đặc biệt, để sản phẩm của Tây Ninh đến tay người tiêu dùng các địa phương, cũng như vươn tầm khu vực, thời gian qua, Tây Ninh triển khai chương trình hỗ trợ, hợp tác với các tỉnh giáp biên Campuchia, đã ký kết hợp tác với 2 tỉnh Prey Veng và Svay Rieng. Tới đây, tỉnh sẽ sơ kết công tác hoạt động với các tỉnh Kampong Cham, Tboung Khmum.

Giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh Phạm Văn Tám thông tin: “Thực hiện chương trình, mỗi xã, phường 1 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, đến thời điểm này, tỉnh Trà Vinh có khoảng 295 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm OCOP 5 sao, còn lại là 4 sao và 3 sao. Khi thực hiện chương trình này cho thấy tiềm năng về phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của Trà Vinh rất đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Năm 2024, với chủ trương của Sở Công Thương Trà Vinh là đi sâu vào các tỉnh và thành phố có du lịch, thu hút du lịch. Tây Ninh là một trong tỉnh thu hút du lịch top đầu cả nước, do đó, Sở Công Thương Trà Vinh với 20 đoàn doanh nghiệp có mặt tại Tây Ninh, với các mặt hàng chủ lực như gạo ST25. Mong muốn các tỉnh có tiếng nói chung, để góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng tầm sản vật địa phương”.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm bầu hồ lô của doanh nghiệp Tây Ninh.

Tỉnh Đăk Lăk- nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam với tổng diện tích trồng cà phê hơn 200.000 ha, cùng các sản phẩm đặc trưng như hồ tiêu, ca cao, ong mật, sầu riêng, chuối, xoài, bơ, mít… Ông Nguyễn Văn Nhiệm- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk cho biết, với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các tỉnh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kết nối giao thương trong lĩnh vực trao đổi hàng nông sản, thực phẩm.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh tham gia kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố là chìa khoá giúp các địa phương trong tỉnh giảm áp lực cung cầu hàng hoá. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho các thị trường lân cận, tạo chuỗi cung ứng khép kín, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp.

Trung tâm Khuyến công và XTTM Tây Ninh cho biết, hiện nay doanh nghiệp địa phương tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính còn hạn chế; một số doanh nghiệp mới thành lập còn đang tiến hành quá trình tiếp cận mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm. Doanh nghiệp lớn hiện đã có sự ổn định nên hầu như không tham gia trực tiếp các hoạt động xúc tiến thương mại do đơn vị chủ trì tổ chức.

Xác định công tác XTTM, đóng vai trò quan trọng trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, trong thời gian tới, đơn vị tập trung đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và XTTM thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh, hội nghị kết nối giao thương và cung - cầu sản phẩm OCOP của Tây Ninh với các tỉnh, thành phố theo hướng hiệu quả hơn. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp của tỉnh khi tham gia các chương trình XTTM quốc gia và tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, giao thương hàng hoá do các tỉnh, thành phố tổ chức, tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế…

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM, tham gia các sàn thương mại điện tử, kết nối liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung - cầu.

Nhi Trần - Hoàng Yến