Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, trong 5
năm vừa qua hoạt động hợp tác phát triển của tỉnh được mở rộng, môi trường đầu
tư được cải thiện, ngày càng thông thoáng hơn. Nhờ vậy đã huy động được nhiều
nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn đầu tư từ khu vực dân doanh,
đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2006 đến năm 2010, tổng nguồn vốn huy
động đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh là 37.816 tỷ đồng, tăng bình quân hằng
năm 23% và bằng 35,2% GDP. Trong đó bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước 11.380 tỷ
đồng; vốn khu vực dân doanh 15.843 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
10.591 tỷ đồng. Hợp tác phát triển kinh tế thực hiện chủ động và năng động hơn,
góp phần nâng cao vị trí của Tây Ninh trong thu hút đầu tư. Sự hỗ trợ của các
bộ, ngành Trung ương, sự hợp tác của các tỉnh bạn, sự quan tâm đầu tư của các
doanh nghiệp đối với tỉnh Tây Ninh ngày càng thiết thực hơn. Kế hoạch phát triển
kinh tế-xã hội giữa Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng
Nai, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam,
Tổng công ty Hoá chất Việt Nam được triển khai thực hiện. Hội Doanh nghiệp Tây
Ninh được thành lập đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh hợp tác
phát triển. Kinh tế nhiều thành phần được quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện phát
triển cả về quy mô và chất lượng. Các cơ chế chính sách đầu tư ngày càng thông
thoáng hơn. Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Quỹ xúc tiến thương mại-du lịch,
các hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức hội chợ triển lãm, đào tạo nguồn nhân lực
cho doanh nghiệp đã tạo điều kiện phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp của
các thành phần kinh tế.
|
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Ninh
đang được thi công xây dựng |
Tổng vốn thu hút trong và ngoài nước 5 năm qua
đã thực hiện 2.030 triệu USD, bằng 238,8% kế hoạch vốn thu hút 5 năm
(2006-2010). Trong đó cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 117 dự án đầu tư nước
ngoài, với tổng vốn 370,5 triệu USD. Luỹ kế đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh có
205 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 1.013 triệu USD. Cấp mới 222 dự án đầu
tư trong nước, với vốn đăng ký 21.904 tỷ đồng. Luỹ kế đến năm 2010 có 260 dự án
trong nước có chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là
32.882 tỷ đồng. Về đăng ký kinh doanh, 5 năm qua đã có 2.336 doanh nghiệp của tư
nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 9.912 tỷ
đồng. Luỹ kế tổng số doanh nghiệp của tư nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 là
2.965 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 14.672 tỷ đồng. Công tác đổi mới và
sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2010 cơ bản hoàn thành, đã cổ phần hoá 22
doanh nghiệp, chuyển 5 doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành
viên và giải thể 2 doanh nghiệp. Kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố, phát
triển, đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có 90 hợp tác xã, trong đó có 14 Quỹ tín dụng
nhân dân cơ sở. Đầu tư khai thác các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đã và
đang góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ
trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP. Tính đến cuối năm 2010, Tây Ninh có 5 khu
công nghiệp đã được thành lập, gồm: Khu Công nghiệp Trảng Bàng (190,76 ha); Khu
Chế xuất và Công nghiệp Linh Trung III (202,67 ha); Khu Công nghiệp-Dịch vụ-Đô
thị Phước Đông-Bời Lời (2.838 ha); Khu Công nghiệp Bourbon -An Hoà (1.020 ha);
Khu Công nghiệp Chà Là (200 ha); Và 4 khu công nghiệp đang đang được chuẩn bị
đầu tư gồm: Khu Công nghiệp Hiệp Thạnh (250 ha); Khu Công nghiệp Bàu Hai Năm
(200 ha); Khu Công nghiệp Gia Bình (200 ha); Khu Công nghiệp Thanh Điền (300
ha). Luỹ kế đến cuối năm 2010, tại các khu công nghiệp có 168 dự án đầu tư.
Trong đó có 127 dự án đầu tư nước ngoài, 41 dự án đầu tư trong nước, với tổng
vốn đầu tư đăng ký 476 triệu USD và 2.751 tỷ đồng. Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
đã hình thành các khu trung tâm thương mại, thu hút 64 dự án, với tổng đầu tư
6.200 tỷ đồng và 220 triệu USD, tổng diện tích đất cho thuê khoảng 200 ha, trong
đó có 14 dự án đi vào hoạt động. Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát đã có 14 dự án được
chấp thuận chủ trương, với vốn đầu tư dự kiến là 880 tỷ đồng và 200 triệu USD.
Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được quan tâm
đầu tư. Hoàn thành nâng cấp mở rộng các trục giao thông quan trọng như: quốc lộ
22B; các tuyến đường nối từ thị xã đến trunng tâm các huyện Châu Thành, Dương
Minh Châu; phối hợp triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua tỉnh Tây
Ninh); triển khai xây dựng đường đến trung tâm huyện Bến Cầu, Trảng Bàng (giai
đoạn 2); đường đến Khu Công nghiệp- Dịch vụ Bourbon An Hoà (tỉnh lộ 787). Đồng
thời làm mới 112,4km đường nội thị Thị xã, trị trấn, cụm xã, đường phục vụ phát
triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu cửa khẩu; 317km đường giao
thông nông thôn. Cơ bản hoàn thành dự án hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu
Tiếng; kiên cố hoá 221,3km kênh mương; hoàn thành 3 trạm bơm (Bến Đình, Long
Hưng, Hoà Thạnh); xây dựng 534km đường dây trung thế, 1.207km đường dây hạ thế
và 428 trạm biến áp các loại, dung lượng 258.573 KVA. Triển khai xây dựng Trường
trung học Kinh tế-Kỹ thuật, Trường Dạy nghề khu vực phía Nam; nâng cấp Trường
trung cấp Nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Triển khai xây dựng trường
đại học dân lập; Xây dựng và hoàn thành 59 trường đạt chuẩn quốc gia, 110 nhà
công vụ, kiên cố hoá 1.500 phòng học; hoàn thành một bệnh viện tuyến tỉnh, 3
bệnh viện huyện, xây dựng mới và nâng cấp 16 trạm y tế xã; Xây dựng và hoàn
thành sân vận động tỉnh, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, Phim trường Đài
phát thanh-Truyền hình tỉnh; Triển khai xây dựng Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu
niên; Xây dựng, hoàn thành hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực
thị xã Tây Ninh, dự án chôn lấp rác Tân Hưng; Triển khai xây dựng Nghĩa địa
xanh, Đài hoả táng…
Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp và môi
trường đầu tư cũng còn những mặt hạn chế. Hầu hết cơ sở sản xuất công nghiệp quy
mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Giá
trị sản xuất và tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt thấp. Công nghiệp chế biến
mía đường còn gặp khó khăn, chưa đạt mục tiêu nâng công suất chế biến mía đường
lên 20.500 tấn mía cây/ngày; Phát triển khu, cụm công nghiệp có mặt chưa đồng
bộ, không hoàn thành mục tiêu lấp đầy 50% các cụm công nghiệp thuộc Khu Kinh tế
cửa khẩu Mộc Bài. Đầu tư phát triển trên địa bàn chưa mạnh. Việc triển khai đầu
tư các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các trung tâm thương mại còn
chậm. Xây dựng cơ bản có mặt còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa
đáp ứng yêu cầu, nhất là hệ thống cầu đường, hạ tầng đô thị, hạ tầng ngoài hàng
rào khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu…
D.H