Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, tháng 4 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Giữa tháng 7.2010, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường chính sách tín dụng đối với lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, sau 10 năm thực hiện chính sách đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg, dư nợ cho vay lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh tăng rất mạnh. Cụ thể năm 2009 tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lên đến hơn 5.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn năm 2009 chiếm đến hơn 60% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống ngân hàng trong tỉnh. Tính ra trong 10 năm liên tục (1999 - 2009) tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng đến 8,7 lần. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được khơi thông, hộ nông dân và các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở nông thôn đã tiếp cận ngày càng nhiều hơn nguồn vốn vay để tăng cường đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, các hộ, các doanh nghiệp ở nông thôn đã cải thiện được đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời cũng góp phần quan trọng gia tăng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua.
|
Nguồn vốn đầu tư tín dụng góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp |
Để tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngày 12.4.2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo các mức sau: tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại. Các lĩnh vực cho vay gồm có: cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn; cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; cho vay chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản và muối; cho vay để kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thuỷ sản; cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn và cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.
Theo Nghị định này, các tổ chức tín dụng xem xét cho vay tín chấp đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình trên cơ sở có bảo đảm của các tổ chức chính trị- xã hội ở nông thôn theo quy định hiện hành. Các cá nhân, hộ gia đình khi đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn tại tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh thì không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm. Thời hạn cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận căn cứ vào thời gian luân chuyển vốn, khả năng hoàn vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Theo thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì những trường hợp rủi ro phát sinh trong điều kiện hoạt động kinh doanh bình thường, tổ chức tín dụng cho vay tự xử lý từ nguồn dự phòng rủi ro của mình theo quy định. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, tổ chức tín dụng căn cứ vào mức độ thiệt hại và khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với khách hàng bị thiệt hại nặng, khó khăn không trả được nợ ngân hàng đúng hạn. Thời gian khoanh nợ không tính lãi tối đa là 2 năm đối với dư nợ hiện còn của khách hàng tại thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Số tiền lãi tổ chức tín dụng đã khoanh cho khách hàng được giảm trừ vào lợi nhuận để tính thuế thu nhập của tổ chức tín dụng.
Như vậy, chính sách đầu tư tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 sẽ tiếp tục khơi thông nguồn vốn đầu tư cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn với những điều kiện thuận lợi hơn. UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhanh chóng triển khai chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh để thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh mở phòng giao dịch tại các khu vực nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển.
SƠN TRẦN