Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mổ tật khúc xạ không chạm mắt, phẫu thuật robot trị ung thư
Thứ ba: 20:55 ngày 21/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngành y tế Việt Nam ngày càng có nhiều thành tựu mới trong chuyên môn kỹ thuật như mổ tật khúc xạ không chạm mắt, phẫu thuật robot trị ung thư dạ dày, mổ nội soi ít sẹo...

Bệnh nhân bị ung thư dạ dày được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật robot sáng 20-3 - Ảnh: H.Khoa

Mới đây, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã ứng dụng phương pháp mổ các tật khúc xạ như cận, viễn, loạn, lão thị mà không chạm vào mắt. Khoa khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM là bệnh viện đầu tiên ở VN được trang bị thiết bị thực hiện phương pháp này và là đất nước thứ hai tại Đông Nam Á triển khai phương pháp phẫu thuật mới này, sau Singapore.

Mổ tật khúc xạ không... chạm mắt

Đó là phương pháp SmartSurfACE - phẫu thuật laser không cần phải cắt vạt giác mạc, mềm mại, nhẹ nhàng trên bề mặt mắt. Trước kia các phương pháp cũ phải bóc biểu mô giác mạc bằng tay hoặc máy. Khi người bệnh nằm trên bàn mổ, máy tự định vị, mọi thứ được thực hiện toàn bằng laser chiếu qua khoảng 1-2 phút.

Theo Bệnh viện Mắt TP.HCM, do phương pháp mổ mới này không chạm vào mắt nên thị lực được điều chỉnh chính xác qua việc bào mòn các lớp trên cùng của giác mạc. Phương pháp mổ an toàn vì không cắt vạt giác mạc, thị lực được cải thiện nhanh hơn đáng kể so với phương pháp điều trị bề mặt thông thường, thời gian điều trị được rút ngắn...

Phương pháp mới này thích hợp cho tất cả những người có các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị trên 18 tuổi, đặc biệt trong cả các trường hợp giác mạc mỏng không thể điều trị bằng những phương pháp trước.

Phương pháp này đặc biệt thích hợp cho những người có hoạt động thể thao, thể thao dưới nước hoặc thể thao ngoài trời. Ngoài ra, phương pháp mới này cũng thích hợp cho các ngành nghề, đòi hỏi tầm nhìn sắc nét chẳng hạn như các phi công, cảnh sát...

“Chúng tôi đang thay van tim người bệnh bằng đường mổ rất nhỏ, chỉ 3-4cm, trong khi trước đây đường mổ kéo dài tới 20cm, từ hõm xương ức kéo dài đến gần rốn người bệnh. Khi người bệnh quay lại Singapore khám, các bác sĩ Singapore rất ngạc nhiên, vì bác sĩ VN đã mổ thay van với hiệu quả tốt và đường mổ nhỏ như vậy" - BS Dương Đức Hùng (trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia)

Phẫu thuật robot trị ung thư dạ dày lần đầu tiên

Ngày 20-3, các bác sĩ khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Bình Dân TP.HCM tiến hành ca phẫu thuật robot điều trị ung thư dạ dày đầu tiên tại Bệnh viện Bình Dân cho ông N.H.V. (54 tuổi, quê Đồng Tháp) bị ung thư hang vị dạ dày giai đoạn 3.

Ông V. được các bác sĩ cắt khoảng 2/3 dạ dày, nạo vét hạch triệt để bằng robot phẫu thuật. Phẫu thuật robot có nhiều ưu điểm cho bệnh lý của ông V., như giúp lấy triệt để các hạch này, hạn chế tổn thương các mô lành lân cận, giảm nguy cơ biến chứng và rất ít chảy máu, giảm nguy cơ tái phát...

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng - phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân, từ nhiều năm nay, mỗi năm Bệnh viện Bình Dân TP.HCM đều đón nhận từ 2-3 học viên từ các nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan đến học các kỹ thuật mới tại Bệnh viện Bình Dân.

Đó là các kỹ thuật nội soi chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tiết niệu, đặc biệt kỹ thuật mà họ đồn nhau đến Bệnh viện Bình Dân để học nhiều là nội soi ổ bụng tiêu chuẩn (Standard Laparoscopy). Phần lớn học viên là các bác sĩ và chỉ một số ít là sinh viên y khoa.


Bác sĩ Anggie Novaldy Rahwanto (người Indonesia - giữa) đang học kỹ thuật nội soi tiết niệu tại BV Bình Dân, TP.HCM - Ảnh: H.Khoa

Tuyệt vời mổ nội soi

Phương pháp mổ nội soi điều trị các bệnh lý tuyến giáp như ung thư tuyến giáp, basedow của bác sĩ Trần Ngọc Lương, giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư, là một kỹ thuật độc đáo, hoàn toàn “made in bác sĩ Lương”.

Theo bác sĩ Lương, trước đây ông và các bác sĩ khắp nơi đều mổ mở. Nhưng điều bác sĩ Lương trăn trở là rất nhiều trong số những phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp đều còn trẻ, sau mổ mở để lấy khối u tuyến giáp hoặc bướu cổ, các chị em luôn có một vết sẹo dài ngay chân cổ, họ trở nên e ngại, luôn phải mặc áo cổ cao ngay cả trong mùa hè để che đi vết sẹo.

Vì những trăn trở này, bác sĩ Lương đã tìm ra phương pháp nội soi bệnh lý tuyến giáp, nhờ phương pháp này thay vì vết sẹo dài 3-8cm, nay nhờ nội soi vết sẹo chỉ còn 1cm và ở vùng nách và ngực, giúp chị em hoàn toàn tự tin sau phẫu thuật.

Theo bác sĩ Lương, khối u tuyến giáp lớn nhất đã được bóc tách nhờ nội soi có thể tích lên tới 12cm3. Từ khi ông và các cộng sự bắt đầu triển khai phương pháp này, đã có 260 giáo sư, bác sĩ ở nhiều quốc gia đến VN học phẫu thuật nội soi bệnh lý tuyến giáp.

Theo ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, ngoại trừ một số phương pháp như mổ nội soi bệnh lý tuyến giáp, bác sĩ VN là người triển khai đầu tiên, thì bác sĩ VN cũng đã ứng dụng rất hiệu quả các kỹ thuật nội soi và can thiệp - phẫu thuật tim mạch. Nhiều bác sĩ ở các quốc gia đang phát triển đã và đang được đào tạo về tim mạch can thiệp tại Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ông Quang, VN chưa có nhiều phát minh về kỹ thuật y khoa, mà chủ yếu là ứng dụng, tuy nhiên nhiều bác sĩ đã trưởng thành bằng sự khéo léo và chuyên cần, cộng với một ưu thế mà... riêng VN có, đó là số lượng người bệnh mà mỗi bác sĩ điều trị nhiều hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông Quang cũng hi vọng có thêm nhiều bác sĩ giỏi nghề để VN là một “điểm hẹn” thực sự của giới y khoa quốc tế.

Những thành tựu có thể coi là bất ngờ và là đỉnh cao của kỹ thuật y học trên thế giới mà không phải nước nào cũng thực hiện được (dù kinh tế mạnh) như: phẫu thuật bằng robot, ghép tạng như ghép phổi, ghép tim, ghép bộ tim phổi, ghép gan, thận tụy tạng... và kỹ thuật điều trị bằng tế bào gốc.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục