Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sinh ra và lớn lên ở làng quê Đức Hợp, Hưng Yên, tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô cử nhân Trần Thị Thúy quay trở về quê hương để trở thành cô giáo tiếng Anh tại chính ngôi trường mà mình đã theo học trước sự ngạc nhiên của bạn bè, người thân.
Lý do của cô Thúy chỉ đơn giản: “Tôi muốn các em có cơ hội học theo cách học của năm 2017, của thế kỷ 21. Tôi luôn tin rằng giáo dục là từ khóa để thay đổi mọi thứ”.
Với niềm tin và khát khao giúp những đứa trẻ Đức Hợp vươn tầm thế giới, cô Thúy đã làm được nhiều điều mà một cô giáo tiếng Anh trường làng điển hình không thường làm.
Lá cờ Việt Nam được cô Thúy giương cao trên bục chiến thắng chung cuộc của Diễn đàn giáo dục toàn cầu Microsoft 2017 mà cô và các đồng nghiệp tham gia. Ảnh: NVCC
Không an phận với những tiết học dài 45 phút, cả cô và trò cùng nhìn vào cuốn sách giáo khoa, cô cho học sinh của mình làm những dự án sáng tạo, thiết thực với cuộc sống và đòi hỏi các em phải ứng dụng nhiều kỹ năng hơn để hoàn thành. Giải Nhì cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT do Bộ GD-ĐT tổ chức tháng 8/2016 là sự ghi nhận những nỗ lực sáng tạo trong giảng dạy, học tập của cô Thúy và học trò của mình.
Tuy nhiên, điều mà cô gây ấn tượng với nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước là khả năng ứng dụng công nghệ vào chính những giờ giảng. Bằng công cụ Skype, cô kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới, từ đó sắp xếp những giờ học xuyên lục địa với lớp học ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ… Học trò của cô được trò chuyện, lắng nghe, thảo luận với những học sinh đang ngồi cách Đức Hợp nửa vòng Trái Đất.
Sau chuyến tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu Microsoft tại Canada hồi cuối tháng 3 năm nay, mặc dù có lời mời ở lại với đất nước xinh đẹp này nhưng cô Thúy cương quyết nói “Tôi ra đi là để trở về”. Trở về để tận hưởng niềm vui giản dị khi các học sinh của mình hứng thú hơn với những bài học mới mẻ, thú vị, để không chỉ truyền cảm hứng cho những học trò của mình, mà còn để chia sẻ, lan tỏa những tâm huyết, những năng lượng, khát khao được cống hiến với các đồng nghiệp.
“Tôi rất muốn thay đổi quan niệm của giáo viên về Micosoft in Education. Không phải cứ tham gia hoạt động của họ là để làm điều gì đó khác thường. Ngoài Word, PowerPoint và Excel, còn rất nhiều các công cụ miễn phí khác dành cho giáo dục mà giáo viên có thể tiếp cận, hướng dẫn và giúp học sinh hoàn thiện các năng lực và phẩm chất của bản thân”.
“Cả ngành Giáo dục của chúng ta đang chuyển mình để thực hiện Đổi mới theo Nghị quyết 29, những việc làm của cộng đồng giáo viên sáng tạo là giúp thực hiện và lan tỏa quá trình này, giúp giáo viên tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, sử dụng sáng tạo và hiệu quả công nghệ thông tin trong giảng dạy và gắn kết các thành viên trên của nước nhà” – cô Thúy chia sẻ.
“Một giáo viên tâm huyết với nghề chỉ giúp cho học sinh của họ, nhưng nếu tâm huyết đó được chia sẻ, lan tỏa thì nó có sức mạnh to lớn hơn rất nhiều. Nếu mỗi thầy cô giáo giống như một ngôi sao trên bầu trời và nếu càng nhiều ngôi sao tỏa sáng, thì một tương lai tươi sáng sẽ là tất yếu.
Microsoft in Education đã thay đổi bản thân mình về quan niệm dạy học thế kỷ 21, là nguồn học liệu giúp mình tự trau dồi và cải thiện bản thân, và là môi trường hoàn hảo giúp mình thực hiện các hoạt động học cùng học sinh”.
Cô Thúy và giáo viên các nước trên thế giới tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu Microsoft 2017. Ảnh: NVCC
Trước thềm năm học mới, mong muốn và mục tiêu lớn nhất của cô Thúy là: giáo viên tạo môi trường để học sinh học tập, Bộ GD-ĐT tạo môi trường để giáo viên phát triển. Tư duy giảng dạy hiện đại của cô giáo trường làng được đúc kết trong một câu nói của Albert Einstein mà cô tâm đắc: “Tôi không bao giờ dạy học sinh của mình. Tôi chỉ cố gắng tạo ra môi trường để học sinh của mình có thể học tập”.
Và cô Thúy không hề đơn độc trên hành trình ấy. Cô luôn cảm thấy mình thật may mắn khi nhận được sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của những người thân, thậm chí của những người không quen biết. Cô giáo tự nhận đây là duyên may của mình. Cô Thúy hài hước chia sẻ về câu chuyện “cái mặt xin tiền” trong những chuyến bay đi về.
“Trên chuyến bay từ Đài Bắc đến Toronto, mình ngồi cạnh một cô người Canada, công việc chủ yếu của cô là nhân viên bảo hiểm. Ngoài ra cô còn tham gia hoạt động từ thiện bảo vệ phụ nữ trên toàn thế giới. Mình chia sẻ với cô về quê hương, về trường, về lớp, về Skype và cô rất xúc động vì điều đó. Khi chuẩn bị xuống máy bay, cô tặng mình $100 để giúp học sinh của mình. Cô còn gửi card để có thể liên lạc và thực hiện Skype nếu có thể”.
“Trên đường từ Đài Bắc về Hà Nội, mình ngồi cạnh một em người Việt định cư ở Canada về thăm quê ở Hải Phòng. Cô bé đã tặng mình 10 đô Canada. Cô bé nói là “để chị lấy may” và vì “em ngưỡng mộ chị” – cô Thúy nói đùa với mọi người trong đoàn chắc mặt mình giống như đi xin tiền là vì thế.
Số tiền đó cô không sử dụng để mua quà cho người thân hay các em học sinh, mà cô dồn số đô la Mỹ và Canada còn lại sau chuyến đi vào chiếc phong bao mà cô bé người Hải Phòng đã tặng, dự định sẽ thực hiện một điều có ý nghĩa hơn với các em học sinh của mình.
“Thế giới này thật ấm áp và đầy tình người bởi những con người như thế” – cô Thúy nói. Và những hành động ấy lại càng khiến cô có thêm lửa nhiệt huyết để “cháy” hết mình vì những đứa trẻ Đức Hợp thân yêu. Cho dù những việc mà cô đang làm không hề được trả công thêm, cho dù phải đánh đổi bằng những đêm dài nghiên cứu, tìm tòi trong căn buồng tuềnh toàng chỉ có chiếc ri-đô ngăn giữa giường ngủ và bàn làm việc. Cô Thúy vẫn sẵn sàng làm một ngôi sao tỏa sáng.
Nguồn Vietnamnet