Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sự kiện UNESCO vừa công nhận mộc bản Trường Lưu là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã một lần nữa khẳng định truyền thống hiếu học của người dân Hà Tĩnh cũng như những tinh hoa bác học đỉnh cao của dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng.
Từ đây, khối mộc bản duy nhất về văn hóa, giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ ở Việt Nam đã cùng với hơn 900 di sản khác trên thế giới trở thành tư liệu ký ức của nhân loại.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh, ngành chức năng Hà Tĩnh tháp tùng đoàn học giả quốc tế và Việt Nam tìm hiểu mộc bản cổ Trường Lưu. (Ảnh: Lê Bá Hạnh)
Nguyễn Huy Oánh và Phúc Giang thư viện
Từ ngàn xưa, xứ Nghệ vốn có truyền thống hiếu học, khoa cử nên từ thế hệ này đến thế hệ khác đều rất trọng sách vở. Ở nhiều làng quê, nhiều dòng họ, những người học rộng biết nhiều đã sưu tầm, tập hợp các loại sách và lập nên những thư viện với quy mô khác nhau phục vụ việc học tập cho các nho sinh, con cháu.
Trong hệ thống các thư viện như thế, Phúc Giang Thư viện của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc, Can Lộc) do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh sáng lập là tiêu biểu nhất và còn được lưu giữ đến tận ngày nay.
Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) sinh ra ở làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc - Can Lộc). Tuổi nhỏ ông nổi tiếng thần đồng, đọc sách một ngày được hàng ngàn chữ, năm 20 tuổi đỗ Giải nguyên thi Hương (1732). Khoa thi Hội năm Mậu Thìn (1748), ông đỗ Đình nguyên, Đệ nhất giáp đệ tam danh - Thám hoa và làm quan ở nhiều nơi. Ông là người giỏi văn chương, trước thuật, đã để lại một di sản khá đồ sộ với gần 40 bộ, tập sách. Để viết được những bộ sách lớn, ông phải đọc và tham khảo rất nhiều bộ sách quý khác của các tác gia khác. Đó là nguồn gốc để ông chú ý để tâm sưu tầm sách vở, tập hợp lại thành một thư viện lớn.
Ấn triện gia huy trên Mộc bản.
Thời gian về chịu tang mẹ (1775-1777) ở quê nhà, Nguyễn Huy Oánh bắt tay gây dựng kho sách trong trang viên dòng họ bên bờ sông Phúc Giang và sau khi ông rời chốn quan trường về quê thì Phúc Giang Thư viện chính thức đi vào hoạt động. Thư viện còn lưu giữ các trước tác của ông và nhiều sách của bạn bè, thầy trò dành cho việc nghiên cứu, dạy và học tập ở trường Trường Lưu học hiệu. Nhiều sách và công trình, tác phẩm quý của Thư viện Phúc Giang đã được cụ Thám hoa và dòng họ cho khắc in (mộc bản) để nhân bản phục vụ cho việc dạy học và lưu trữ lâu dài. Vốn di sản tài liệu quý hiếm này hiện còn 375 bản khắc gỗ là duy nhất có ở một thư viện tư nhân thời phong kiến nước ta còn lưu lại đến ngày nay.
Bộ Mộc bản Trường Lưu được 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy biên soạn gồm Nguyễn Huy Tửu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự. Hầu hết những người này đều tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám. GS,Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ - một hậu duệ của dòng họ cho biết: “Toàn bộ mộc bản được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván bằng âm bản tinh xảo trên cả hai mặt, chữ được viết với thư pháp đẹp đẽ, thanh thoát với nhiều dạng chữ như: Lệ, thảo, giản, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy… được khắc nổi theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18-20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ. Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao nên mới lưu giữ được đến ngày nay”.
Tàng thư quý của một dòng họ trở thành di sản ký ức thế giới
Chương trình ký ức thế giới (MOW) được UNESCO xây dựng từ năm 1992 nhằm mục đích tiếp cận, bảo tồn và quảng bá những bộ sưu tập có giá trị đang được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng và một số nơi khác trên toàn thế giới. Đây là một trong 3 sáng kiến của UNESCO nhằm bảo vệ và nâng cao nhận thức về di sản văn hoá toàn cầu. Ký ức thế giới là những hồi ức chung được ghi lại của con người khắp mọi nơi trên thế giới.
Bìa sách Ngũ kinh toản yếu đại toàn, Nguyễn Huy Oánh biên soạn, Thạc Đình tàng bản.
Những tư liệu ký ức này phản ánh sự phát triển của ý thức, những khám phá và thành tựu của xã hội loài người trong các thời kỳ lịch sử. Trong sự biến động của nhiều vấn đề, mỗi ngày thế giới lại vĩnh viễn mất đi một phần không thể thay thế được, vì vậy chương trình này nhằm các mục đích: Tạo điều kiện bảo tồn các di sản tư liệu trên thế giới bằng những kỹ thuật phù hợp nhất; hỗ trợ con người tiếp cận dễ dàng với các di sản tư liệu trên toàn cầu; nâng cao nhận thức của con người trên thế giới về sự tồn tại và tầm quan trọng của di sản tư liệu; cảnh báo các chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong bảo tồn, tiếp cận các loại tư liệu.
Ông Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Xét về góc độ lịch sử ra đời, mộc bản Trường Lưu có trước cả mộc bản triều Nguyễn và mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Và mộc bản Trường Lưu còn độc đáo hơn ở chỗ, đây là di sản thuộc sở hữu của một dòng họ duy nhất ở nước ta còn được lưu giữ đến ngày nay. Xét thấy những giá trị đặc biệt sánh tầm quốc tế của bộ mộc bản Trường Lưu, Sở VH-TT&DL, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Bộ VH-TT&DL nỗ lực lập hồ sơ trình Chương trình ký ức thế giới của UNESCO công nhận. Và thật vui mừng khi trong đợt xét duyệt vừa qua, mộc bản của dòng họ Nguyễn Huy đã cùng với di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.
Giáo sư, viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ bên gia tài mộc bản của dòng họ.
Vượt khỏi khuôn khổ của một dòng họ, hệ thống văn bản của mộc bản Trường Lưu được đánh giá là có tính giáo dục cao, chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề liên quan đến giá trị lịch sử, văn hóa cổ của dân tộc. Ngoài thông tin về giáo dục, văn học, nghề in, đời sống KT-XH của một vùng quê xa kinh thành, mộc bản Trường Lưu còn cung cấp thông tin về các dòng họ nổi tiếng ở Can Lộc cũng như Hà Tĩnh và sự hình thành truyện thơ Nôm, hình thành Hồng Sơn văn phái, mối liên hệ giữa văn chương bác học và văn chương bình dân...
Việc mộc bản Trường Lưu được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới không chỉ khẳng định những giá trị bất biến mà Nguyễn Huy Oánh cùng dòng họ Nguyễn Huy ở Can Lộc để lại cho hậu thế mà thông qua đó còn góp phần giúp cho việc bảo tồn, nghiên cứu, phát huy giá trị của di sản có những bước tiến mới…
Nguồn Báo Hà Tĩnh