Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giải pháp kéo giảm người nghiện ma tuý:
Mỗi địa phương sẽ xây dựng mô hình điểm về quản lý, giáo dục người nghiện ma tuý tại gia đình trong năm nay
Thứ tư: 06:01 ngày 28/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Nguyễn Thanh Ngọc-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị năm 2018, mỗi huyện, thành phố chọn 1 xã, phường; mỗi xã, phường chọn 1 ấp, khu phố thực hiện điểm về mô hình quản lý, giáo dục và điều trị người nghiện có hiệu quả tại gia đình, cộng đồng để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

UBND tỉnh vừa ban hành thông báo kết luận của ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cuộc họp bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện thế giới có 50 triệu người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý và thực tế có 4% dân số thế giới thường xuyên tiêu thụ ma tuý (khoảng trên 230 triệu người), và đặc biệt là không có quốc gia nào không có người nghiện.

Theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 7.2017, cả nước có 210.000 người nghiện ma tuý, đối tượng thuộc mọi thành phần và lứa tuổi. Trong đó, hơn 70% là người dưới 35 tuổi; từ 35% đến 40% người nghiện có tiền án, tiền sự.

Hiện có 31.000 người đang điều trị tại 105 cơ sở cai nghiện, 3.500 người điều trị tại gia đình và cộng đồng, khoảng 24.000 người đang được quản lý sau cai tại cơ sở quản lý và tại nơi cư trú. Đối với tỉnh Tây Ninh, hiện có 4.022 người nghiện có hồ sơ theo dõi, quản lý và có 1 cơ sở quản lý 691 học viên (hiện có mặt 568 học viên).

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh cũng chỉ ra một số khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức cai nghiện như: khó kiểm soát và thiếu hợp tác từ người nghiện ma tuý; cơ chế quản lý, điều trị chưa chặt chẽ, đồng bộ, thiếu chế tài; chưa có phương pháp chữa trị hữu hiệu, cũng như chưa có thuốc đặc trị cai nghiện, nhất là thuốc đặc trị đối với người nghiện ma tuý tổng hợp; còn biểu hiện kỳ thị, xa lánh người nghiện; tình hình người nghiện ma tuý phức tạp, tăng hằng năm; không còn địa phương nào trên địa bàn tỉnh không có người nghiện… và đặc biệt là tội phạm do người nghiện gây ra chiếm tỷ lệ lớn (35-40%).

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm, chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; nhận thức về hiểm hoạ ma tuý của người dân chưa cao; công tác phối hợp còn nhiều hạn chế; chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý...

Để công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý, công tác quản lý cai nghiện đạt hiệu quả trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý, nhất là nhận thức rõ tác hại của ma tuý để phòng tránh và chuyển đến mọi người thông điệp rõ, gọn, mạnh mẽ.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma tuý trong tình hình mới.

Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền; xác định rõ trách nhiệm và xử lý về trách nhiệm tập thể, người đứng đầu để tình trạng người nghiện gia tăng. Tăng cường công tác phối hợp với Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, hỗ trợ cai nghiện ma tuý; đồng thời vận động sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân theo phương châm gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.

Đẩy mạnh đấu tranh triệt phá, xử lý nghiêm các hành vi trồng, chế biến, vận chuyển, buôn bán ma tuý, nhất là phong trào tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý trong người dân, nhất là tố giác hành vi mua bán các chất gây nghiện trái phép và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm như quán bar, karaoke, nhà nghỉ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị năm 2018, mỗi huyện, thành phố chọn 1 xã, phường; mỗi xã, phường chọn 1 ấp, khu phố thực hiện điểm về mô hình quản lý, giáo dục và điều trị người nghiện có hiệu quả tại gia đình, cộng đồng để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn đề nghị triển khai thực hiện và lồng ghép các chương trình, chính sách an sinh xã hội- nhất là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm để thanh niên có công ăn việc làm, tránh xa ma tuý. Tiếp tục thực hiện tốt các phương pháp điều trị- nhất là sử dụng thuốc thay thế Methadone; nâng cao chất lượng, năng lực quản lý của cơ sở cai nghiện.

Đức An

Tin cùng chuyên mục