Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhân Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7.4:
Mỗi giọt máu, một tấm lòng
Thứ bảy: 06:27 ngày 06/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm gần đây, hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào có sức lan toả sâu rộng trong xã hội. Mỗi một giọt máu cho đi đã góp phần cứu sống mạng người trong lúc khốn khó. Những giọt máu không chỉ mang đến niềm vui cho người nhận mà còn chứa cả hạnh phúc của chính người cho.

Anh Nguyễn Hoàng Vũ vui vẻ khi cho đi những giọt máu hồng.

Mỗi giọt máu là cả tấm lòng

Những người chúng tôi gặp trong lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện  của tỉnh hôm 3.4 vừa qua đều có chung vẻ hăm hở, tự nguyện cho đi những giọt máu của mình; và xem đó như một niềm vui trong cuộc sống. Trong đó, chúng tôi ấn tượng với những người dân chất phác, sẵn sàng gác lại buổi đi làm thuê kiếm sống. Với họ, cho đi những giọt máu cũng như cho đi cả tấm lòng.

Trong hàng trăm tình nguyện viên đến tham gia hiến máu có ông Bùi Thanh Sang, 50 tuổi, nhà ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Ông Sang có dáng vẻ lam lũ, chân chất của người nông dân một nắng hai sương. Ông nói: “Đây là lần thứ 20 tôi tham gia hiến máu. Trong một lần tình cờ được tình nguyện viên ở ấp rủ đi hiến máu tình nguyện. Có vài lần tôi đăng ký tham gia hiến máu nhưng không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ. Những lúc đó, tôi cảm thấy buồn vì mất đi cơ hội hiến máu cứu người. Từ đó, tôi luôn cố gắng ăn uống đủ dinh dưỡng để bảo đảm sức khoẻ cho những lần đi hiến máu”.

Và cứ thế, nhiều năm qua, ông Sang đều đặn 3 tháng/lần cho đi những giọt máu hồng  quý giá. “Mỗi lần hiến máu, tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc vì đã làm được việc có ý nghĩa. Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu cho đến khi sức khoẻ không còn cho phép”- ông Sang chia sẻ. Ông Sang sinh sống chủ yếu bằng nghề làm thuê làm mướn, làm ngày nào ăn ngày nấy. Dù bộn bề với cuộc sống mưu sinh, nhưng mỗi lần có đợt hiến máu tình nguyện, ông lại sẵn sàng bỏ một buổi làm để đi hiến máu.

Anh tài xế taxi Nguyễn Hoàng Vũ, 42 tuổi, ngụ tại xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành dễ gây ấn tượng với vẻ ngoài trông hơi gầy nhưng trên gương mặt luôn nở nụ cười tươi rói. Khi được hỏi anh ốm thế có đủ sức khoẻ hiến máu không, anh Vũ hào hứng: “Trông tôi có vẻ gầy nhưng thật ra rất khoẻ, cân nặng luôn bảo đảm. Đợt nào tôi đăng ký tham gia hiến máu cũng đạt hết. Tính đến lần này nữa, tôi đã có 15 lần hiến máu cứu người rồi đó”.

Nói về cơ duyên đến với hiến máu tình nguyện, anh Vũ cho biết, trước đây, anh làm bảo vệ ở một trường mầm non. Năm 2012, anh được nhà trường vận động đi hiến máu tình nguyện. Mới đầu, anh cũng có chút lo lắng, sợ sệt. Từ khi nghe được thông điệp: “Mỗi giọt máu không chỉ mang lại sự sống, mà còn có thể cứu được nhiều người”, anh Vũ đã tự nguyện đăng ký tham gia. Anh kể, lần đầu tiên hiến máu không thấy mệt, vẫn đi làm bình thường, còn cảm thấy có một niềm vui khó tả.

Anh Vũ có biết về quyền lợi của người tham gia hiến máu. Nhưng anh không nghĩ đến nó nhiều. Với anh, hiến máu đơn giản là cứu được người, góp phần tiếp thêm sự sống cho nhiều người. Cho đến nay, khi chuyển qua công việc tài xế taxi, dù không có nhiều thời gian, anh Vũ vẫn duy trì việc làm ý nghĩa của mình, một năm đi hiến máu 3 lần.

Chị Nguyễn Thị Bích Loan (35 tuổi) ngụ xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành phải đổ mồ hôi sau một hồi xếp hàng vào đăng ký hiến máu. Chị chia sẻ: “Tôi rất lấy làm tiếc khi không thể cho máu lần này, do bị mất ngủ mấy hôm trước. Nhưng không sao, tôi sẽ cố gắng dưỡng sức để hiến vào lần tiếp theo”.

Người phụ nữ này chia sẻ chị làm công nhân cho một xí nghiệp tại địa phương, mỗi ngày nghỉ làm mất 150 ngàn đồng tiền công và điểm chuyên cần. Tuy nhiên, từ hơn một năm nay, hễ có đợt hiến máu là chị sẵn sàng tham gia, chưa bỏ qua đợt nào. Và chị đã có 7 lần tham gia hiến máu tình nguyện.

Ở đây, chúng tôi còn gặp vợ chồng anh Lê Văn Nga, ngụ thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu cùng nhau đi hiến máu. Đôi vợ chồng bỏ một ngày làm thuê để cùng nhau đi hiến máu. Anh Nga đã có hơn chục lần hiến máu và vợ anh cũng đã hiến lần thứ 7.

Lan toả nghĩa cử

Có thể nói, những nghĩa cử đến từ những con người bình dị tự nó đã có sức mạnh tuyên truyền hiệu quả nhất. Và hiến máu tình nguyện ngày một trở thành phong trào lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội. 

Trong đợt hiến máu hưởng ứng Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện này, có 17 em học sinh lớp 12 đến từ Trường THPT Hoàng VănThụ (huyện Châu Thành). Tuy là lần đầu tiên hiến máu, nhưng các em rất hào hứng đăng ký tham gia thực hiện một nghĩa cử đẹp.

Em Nguyễn Huỳnh Lý Trinh, một trong số những học sinh này cho biết: “Đây là lần đầu tiên em tham gia hiến máu tình nguyện. Em mong muốn hiến máu cứu người đã lâu, đến nay mới có cơ hội. Biết được tin em đăng ký tham gia hiến máu, gia đình rất ủng hộ nên em cảm thấy phấn khởi, không lo lắng”. Nhờ kiểm tra, Trinh biết mình thuộc nhóm máu O, có thể truyền cho các nhóm máu khác. Em rất vui vì có thể góp thêm nhóm máu này vào ngân hàng máu cứu người.

Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành cho biết, sau nhiều năm làm công tác Chữ thập đỏ, niềm vui lớn nhất của bà chính là vận động được ngày càng nhiều người hưởng ứng phong trào hiến máu. Bà Kim Hồng nói rằng mình không ngại đến từng nhà, đến các công sở, xí nghiệp để vận động người đi tham gia hiến máu, không ngừng giải thích ý nghĩa cũng như lợi ích của việc hiến máu cho mọi người hiểu rõ.

Riêng đợt vận động hiến máu này (lần thứ 2 của năm 2019), bà Hồng vận động được 31 người, gần bằng với số người nguyên năm 2018 do bà vận động được. Theo bà Kim Hồng, đây là một điều đáng vui mừng khi phong trào ngày càng có sức lan toả. “Vui nhất là có những người sau lần đầu được tôi vận động đi hiến máu đã “lôi kéo” thêm nhiều người khác cùng tham gia. Những tấm lòng này thật đáng quý, đặc biệt khi nó đến từ những người lao động bình thường như người làm thuê, bán vé số”.

Một tình nguyện viên được kiểm tra lấy máu trước khi hiến.

Theo ông Lê Quang Trung- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hhến máu cứu người là việc làm đầy tính nhân văn, một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng. Hằng ngày, hằng giờ, người bệnh, người bị tai nạn cần có máu để kịp thời cho cấp cứu và điều trị. Do đó, chỉ cần hiến một phần máu của mình là mọi người có thể cứu tính mạng của nhiều bệnh nhân.

Ngoài việc cứu sống con người, hiến máu còn mang lại sức khoẻ cho chính người hiến. Khoa học đã chứng minh việc hiến máu đúng quy định có lợi cho sức khoẻ. Một người mất đi 10-15% lượng máu thì không ảnh hưởng gì đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể, vì ngay lúc đó máu dự trữ sẽ được tái tạo lại.

Khi tham gia hiến máu, máu của chúng ta sẽ được đổi mới, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8-10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng một thời gian ngắn từ 3-4 tuần, các thành phần trong máu sẽ phục hồi lại bình thường.

Khi đó, các thành phần trong máu sẽ được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật. Hiến máu nhiều lần giảm nguy cơ ứ đọng sắt và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, rất có lợi với người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc. Hiến máu còn là cách tự kiểm tra và giám sát sức khoẻ của chính mình.

VI XUÂN - CHÂU PHA

Tin cùng chuyên mục