Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sắp xếp lại bộ máy nhà nước:
Mỗi hình thức chỉ phù hợp với một giai đoạn
Thứ ba: 23:33 ngày 04/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một điều cần nhận thức cho đúng đắn là, việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước đã được thực hiện, điều chỉnh nhiều lần trong từng giai đoạn khác nhau của đất nước. Điều này hoàn toàn bình thường, vì mỗi hình thức tổ chức hay mô hình nào đó chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định.

Đại biểu HĐND Nguyễn Đài Thy- Bí thư Huyện uỷ Hoà Thành phát biểu tại một kỳ họp của HĐND tỉnh. Ảnh: Đức An

Như tin đã đưa, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XII về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh đã ban hành Đề án sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện.

Tuy nhiên, để chủ trương của Đảng được thực hiện thành công, cần có thời gian, cách làm khoa học, bảo đảm đúng quy định của pháp luật với lộ trình, bước đi phù hợp, không thể nôn nóng, vội vàng.

BIÊN CHẾ - NƠI CÓ KHÔNG CẦN, NƠI CẦN KHÔNG CÓ

UBND tỉnh đánh giá, việc sắp xếp tổ chức bộ máy như hiện nay đã bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Trung ương, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương theo thẩm quyền được giao. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh được sắp xếp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, không còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và giữ ổn định số lượng cơ quan chuyên môn trong thời gian dài.

Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập đã được thành lập ở hầu hết các địa bàn, trên tất cả các lĩnh vực, giữ vị trí then chốt và đã bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25.4 .2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (nay là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập) đã giúp cho các đơn vị chủ động hơn, năng động hơn trong việc chuyển đổi cơ chế hoạt động, tích cực khai thác nguồn thu, đổi mới cơ chế quản lý tài chính hiệu quả trong đơn vị, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công có chất lượng cao, góp phần cải thiện từng bước thu nhập của người lao động.

Tỉnh đã hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính với 29/29 cơ quan (tỷ lệ 100%) và 597/732 (tỷ lệ 81,56%) đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc bố trí sử dụng biên chế và xây dựng đề án tinh giản của cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

Mặc dù vậy, thực trạng của bộ máy Nhà nước và tình hình biên chế không phải không có những hạn chế. Theo các thông tư hướng dẫn, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện chưa được đổi mới, cập nhật nên tổ chức bộ máy ở địa phương chưa tinh gọn.

Hiện nay, vẫn còn lĩnh vực giao cho nhiều cơ quan quản lý thực hiện nên trùng lặp chức năng, còn tồn tại mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chi cục với tư cách pháp nhân đầy đủ, từ đó làm cho bộ máy tiếp tục cồng kềnh, biên chế đề xuất tăng.

Mối quan hệ trong công tác của chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chi cục với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố vẫn phải thông qua đầu mối quản lý là cấp sở (như chi cục thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do đó khi giải quyết công việc mất nhiều thời gian hơn.

Việc tồn tại mô hình chi cục có tư cách pháp nhân đầy đủ trực thuộc sở, cấp trung gian trong quản lý hành chính Nhà nước gây lãng phí, cồng kềnh bộ máy hành chính Nhà nước. Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hiện nay chưa được các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức hoặc có văn bản hướng dẫn nhưng đã quá cũ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội (các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Do đó, dẫn đến địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức bên trong của sở, ngành còn chưa được Trung ương thống nhất quy định nên khó khăn trong việc xác định số lượng cấp phó phù hợp.

Việc quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc tại một số cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp chưa thực sự hiệu quả, chỉ tiêu biên chế còn nhưng không thực hiện việc tuyển dụng, do một số cơ quan, đơn vị không có nguồn tuyển dụng hoặc tuyển các ngành nghề không có chỉ tiêu đăng ký như bác sĩ, giáo viên…

Việc định mức biên chế hiện nay không còn phù hợp, một số đơn vị không sử dụng hết biên chế được giao, một số có nhu cầu nhưng không được giao bổ sung biên chế dẫn đến nhân viên không kịp thời giải quyết nhiệm vụ được giao. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ để có thêm nguồn nhân lực hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ, dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật về quản lý cán bộ công chức.

Cơ chế quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đổi mới đồng bộ dẫn đến chất lượng và hiệu quả cung ứng các dịch vụ sự nghiệp còn hạn chế. Quy chế chi tiêu nội bộ, phân phối thu nhập còn mang tính bình quân, nên chưa khuyến khích người lao động.

Hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi như định mức giờ giảng, định mức biên chế theo lĩnh vực, theo ngành, nghề, các định mức kinh tế - kỹ thuật của một số lĩnh vực đã làm hạn chế tính tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập gây lãng phí nguồn nhân lực. Chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu còn thiếu tính thực tiễn, còn nhiều bất cập nhưng chưa được kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Xuất phát từ thực tế đó, chủ trương tổ chức, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước ở cấp tỉnh, huyện cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết.

DƯỚI 9 BIÊN CHẾ ĐƯỢC BỐ TRÍ MỘT PHÓ TRƯỞNG PHÒNG

Theo tinh thần của đề án, đối với cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, trước mắt vẫn giữ ổn định số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 4.4.2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Việc sắp xếp được thực hiện theo nguyên tắc tinh gọn cơ cấu tổ chức bên trong của các sở, ban ngành theo hướng sáp nhập các phòng chuyên môn có quy mô nhỏ, biên chế ít, nhiệm vụ ít hoặc phân tán. Khi tổ chức sắp xếp lại, các phòng chuyên môn thuộc sở và tương đương thực hiện nhiệm vụ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Lĩnh vực công tác do phòng phụ trách phải có quy trình quản lý hoặc đối tượng quản lý rõ ràng, phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan, khối lượng công việc yêu cầu bố trí tối thiểu từ 7 biên chế trở lên. Việc sắp xếp lại sẽ thực hiện theo hướng giảm các tổ chức trung gian khiến bộ máy cồng kềnh, chuyển các chi cục và tương đương có quy mô nhỏ (dưới 15 biên chế) thành phòng chuyên môn thuộc sở.

Phòng thuộc chi cục phải có khối lượng công việc yêu cầu bố trí tối thiểu từ 5 biên chế trở lên và chỉ được tổ chức tối đa 3 phòng chuyên môn. Về bố trí lãnh đạo cấp phó phòng chuyên môn, đối với phòng chuyên môn thuộc sở có dưới 9 biên chế được bố trí 1 phó trưởng phòng.

Nếu  có từ 9 biên chế đến 14 biên chế được bố trí 2 phó trưởng phòng và có từ 15 biên chế trở lên được bố trí 3 phó trưởng phòng. Phòng trực thuộc chi cục có dưới 7 biên chế được bố trí 1 phó trưởng phòng, từ 7 biên chế trở lên bố trí 2 phó trưởng phòng.

Trong trường hợp đặc biệt, yêu cầu phải thành lập phòng thấp hơn mức biên chế tối thiểu hoặc bố trí cấp phó trưởng phòng cao hơn các nguyên tắc nêu trên, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải có văn bản gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.

Ở cấp huyện, sắp xếp lại các tổ chức hoạt động kém hiệu quả, chuẩn bị để thực hiện phương án giải thể phòng y tế và bố trí từ 1 đến 2 chuyên viên quản lý Nhà nước về y tế tại Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Việc sắp xếp này chỉ thực hiện sau khi Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 37/2014/NĐ-CP ngày 5.5.2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Đối với đơn vị sự nghiệp, thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Các đơn vị sự nghiệp công lập phải cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2021 giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015.

Không thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập, trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Cùng với đó, tăng cường giao quyền tự chủ, giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập.

CHỜ HƯỚNG DẪN

Những thông tin vừa đề cập cho thấy, Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương Đảng về việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy Nhà nước cũng như đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết. Tuy nhiên, nghị quyết của Trung ương Đàng chỉ mới là chủ trương, vì vậy, ngoài những kết quả đã đạt được sau một năm triển khai thực hiện, các địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng chưa thể làm vì chưa có hướng dẫn.

Ví dụ, ở cấp tỉnh, chỉ khi Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 4.4.2014 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì mới có thể tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Tương tự, ở cấp huyện, theo quy định hiện hành, cấp hành chính này có 10 cơ quan chuyên môn, gồm các phòng Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá và Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thanh tra, Văn phòng Hội đồng nhân và Uỷ ban nhân dân.

Như vậy, việc tổ chức lại, hợp nhất một số đơn vị như Văn hoá - Thông tin hay giải thể Phòng Y tế chỉ có thể thực hiện sau khi sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 37/2014/NĐ-CP ngày 5.5.2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Đến nay, Nghị quyết 18 và 19 đã ban hành được hơn một năm, song, nhiều nội dung chưa được thể chế hoá, cụ thể là nhiều quy định của Chính phủ và các bộ, ban, ngành ở Trung ương chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế kịp thời nên địa phương chưa có căn cứ để triển khai.

Điều này cũng tương tự như luật ban hành nhưng còn chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Một điều cần nhận thức cho đúng đắn là, việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước đã được thực hiện, điều chỉnh nhiều lần trong từng giai đoạn khác nhau của đất nước. Điều này hoàn toàn bình thường, vì mỗi hình thức tổ chức hay mô hình nào đó chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh