BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mỏi mòn chờ ánh điện

Cập nhật ngày: 08/03/2010 - 08:41

“Giải phóng đã 35 năm rồi, người dân nơi đây vẫn chưa biết đến ánh sáng của điện. Chúng tôi sẽ ráng chờ thêm ít năm nữa. Hy vọng Nhà nước sẽ quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân chúng tôi”. Người dân ở ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên đã nói với phóng viên Báo như thế.

Trước năm 1992, gần 250 hộ dân của ấp Thanh Xuân hiện nay là dân cư của xã Trà Vong. Năm 1992, ấp Thanh Xuân mới thành lập và thuộc xã Mỏ Công. Ông Nguyễn Văn Ai, trưởng ấp Thanh Xuân cho biết, hiện đã có gần 100 hộ của ấp có điện để thắp sáng và phục vụ sản xuất nông nghiệp: Ấy là nhờ họ ở giáp ranh với hai xã Trà Vong (Tân Biên) và Tân Hưng (Tân Châu). Mới đây, có thêm 4 hộ có điện. Các hộ kể trên đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để có điện: từ 4 đến 5 triệu đồng. Những hộ dân còn lại vì nhà ở quá xa đường dây chính nên không thể kéo điện vào tận nhà được.

Trong những lần tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội, bà con nông dân đã nhiều lần nêu lên nguyện vọng tha thiết của mình. Tuy nhiên, họ chỉ được nghe giải thích một cách khái quát rằng, do tình hình khó khăn, khi nào có kinh phí sẽ làm. Đã có cử tri nêu lên chất vấn: Sao nhiều điểm khó khăn hơn, xa xôi hơn từ lâu đã có điện, còn ấp Thanh Xuân nằm ngay cạnh đường 785, cách trụ sở uỷ ban nhân dân xã không quá xa mà đến nay vẫn chưa có điện? Trong khi sự phân bố dân cư của ấp tập trung chứ không rải rác như những nơi khác!

Người dân ấp Thanh Xuân gần như 100% làm nông nghiệp, điện không có nên việc sản xuất, canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, đáng kể nhất là việc dùng máy dầu để bơm nước khiến chi phí cho trồng trọt, chăn nuôi tăng cao. Theo tính toán của người dân, chi phí để mua dầu cho máy nổ cao gấp khoảng 3 lần so với dùng điện để bơm nước! Đó là còn chưa nói đến so với giá xăng dầu, giá điện sinh hoạt và sản xuất ổn định hơn nhiều. Nói cách khác, giá điện ít lên cơn “co giật” hơn so với giá xăng dầu. Có gia đình trồng được hơn một mẫu mía, vì không có điện và cũng chẳng có tiền để mua máy nổ nên đành phải thuê máy bơm nước tưới cho mía, cứ mỗi giờ bơm, người trồng mía phải trả 21.000 đồng. Ông Nguyễn Văn Ngà, một nông dân kể: nhà ông chỉ có hai ông bà già, sức khoẻ yếu nên bỏ tiền ra thuê người trồng được gần 5 mẫu mía. Nhà có máy nổ nhưng để tưới mía, hai ông bà lại phải thuê người kéo máy ra ruộng, quay cho máy nổ rồi mới có thể tưới. “Hai ông bà sức yếu không kéo được máy ra ruộng. Nếu như có điện, tui chỉ cần kéo cầu dao”- vợ ông Ngà vừa ao ước vừa than thở!

Cái máy dầu cũ kỹ, ông Quang quay đến 4 lần vẫn không nổ để ông tưới nước cho đám mía trước nhà!

Chưa có điện nên đời sống văn hoá, tinh thần của cả trăm hộ dân cũng đang khá “tăm tối”. Theo ước tính của ông trưởng ấp, hiện nay toàn ấp có khoảng 3 chục cái ti vi đen trắng, dùng điện ắc quy. Hài hước nhất là trường hợp nhà ông bà Trần Văn Quang và Trần Ngọc Châu. Bà Châu khoái xem ca nhạc, phim ảnh nên đề nghị chồng mua ti vi màu Samsung để xem cho đẹp mắt! Mua ti vi xong, ông bà mới biết rằng, để ti vi hoạt động được, phải mua thêm hai cái bình ắc quy loại lớn. Thế là hai vợ chồng không có con này lại “đầu tư” thêm hơn hai triệu đồng nữa để mua hai cái bình điện. Số tiền để mua bình ắc quy còn nhiều hơn tiền mua ti vi! Cứ 4 ngày một lần, ông Quang lại còng lưng chở hai cái bình ắc quy nặng đến mấy chục kg đi 7 cây số để xạc điện. Mỗi lần xạc hết 7.000 đồng, chưa kể tiền xăng xe máy. Nhưng bình ắc quy hoạt động không ổn định. “Nhiều bữa đang xem thời sự, ti vi mờ dần rồi tắt hẳn, vì bình hết điện, tức không chịu nổi” – ông Quang nói. Sau khi chạy được 6 tháng, một trong hai cái bình bị hư, không tích được điện nữa. Đã mấy tháng nay, cái ti vi màu xịn nhất xóm của ông Quang không còn cất được tiếng nói nữa!

Được biết, trong hai năm 2008 – 2009 UBND xã Mỏ Công đã làm tờ trình gửi lên huyện Tân Biên và Sở Công thương, đề nghị kéo điện cho người dân ở ấp Thanh Xuân. Cách nay chừng 4, 5 tháng, người của Sở Công thương đã lên khảo sát để kéo điện. Tuy nhiên, mọi việc vẫn mới dừng lại ở khâu khảo sát. Còn khi nào có điện thì cũng chưa biết được.

Trong một lần trò chuyện với phóng viên Báo Tây Ninh nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập huyện Tân Biên, một lãnh đạo của Phòng Công thương Tân Biên giải thích rằng, có hai nguyên nhân cơ bản khiến cho một số khu dân cư chưa có điện. Thứ nhất, do khu dân cư mới hình thành nên hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư. Thứ hai, ngành Điện lực thường tập trung đầu tư ở những địa điểm đông dân cư, vì đầu tư vào những nơi này khả năng thu hồi cả vốn lẫn lời sẽ nhanh hơn rất nhiều so với điểm ít dân cư.

Dưới góc độ kinh doanh, câu giải thích thứ hai là rất đúng và thuyết phục. Tuy vậy, điện là nhu cầu bức thiết, thiết tưởng cũng cần được ưu tiên xem xét ở góc độ phục vụ dân sinh.

VIỆT ĐÔNG