BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mối nguy hiểm từ bàn tay lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 

Cập nhật ngày: 21/08/2021 - 10:02

Trong bối cảnh nhiều địa phương mở rộng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, vấn đề vệ sinh, khử khuẩn của nhân viên y tế cần được đảm bảo đúng quy định để tránh lây lan virus.

Thời gian gần đây, nhiều người dân và chuyên gia dịch tễ đã lên tiếng, bày tỏ lo ngại về nguy cơ bị lây nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Tại Hà Nội, thành phố đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đợt 2 với số lượng dự kiến là 1 triệu. Trong khi đó, từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã lấy mẫu cho hơn 4,5 triệu người tại các khu cách ly, vùng phong tỏa cũng như các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Với số lượng người được lấy mẫu lớn, việc các nhân viên y tế không đảm bảo quy trình sát khuẩn, vệ sinh sẽ mang đến nguy cơ gì?

Vì sao nhân viên lấy mẫu bắt buộc phải sát khuẩn tay?

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định việc không vệ sinh, sát khuẩn tay theo đúng quy định là hành động rất nguy hiểm.

“Theo quy định của Bộ Y tế, người lấy mẫu sau khi làm cho 5 người phải thay một đôi găng tay mới. Ngoài ra, trước và sau khi lấy mẫu cho một người dân, nhân viên y tế cũng phải rửa hoặc sát khuẩn tay để đảm bảo an toàn”, bác sĩ Khanh nói.

Việc không sát khuẩn tay trong quá trình lấy mẫu có thể mang đến nguy cơ lây nhiễm lớn. Ảnh minh họa: Hoàng Giám.

Theo vị chuyên gia này, việc lấy mẫu xét nghiệm có mục tiêu là phát hiện F0, được thực hiện ở những khu vực nguy cơ cao. Do đó, trong số người được xét nghiệm hoàn toàn có thể xuất hiện F0. Lúc này, việc không đảm bảo vệ sinh tay trong quá trình lấy mẫu sẽ mang đến nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

Ông giải thích: “Khi lấy mẫu, người dân buộc phải kéo khẩu trang xuống và mở mũi để nhân viên y tế thực hiện thao tác. Lúc này, nếu người được lấy mẫu là F0, virus hoàn toàn có thể dính vào găng tay nhân viên y tế. Nếu không lập tức sát khuẩn tay sau đó, nhân viên y tế lại tiếp tục đưa tay chạm vào mũi người dân tiếp theo, nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Thậm chí, hành động này có thể gây lây nhiễm virus cho cả một khu phố”.

Về phía người dân, bác sĩ Khanh nhấn mạnh chúng ta hoàn toàn có quyền từ chối lấy mẫu nếu nhận thấy nhân viên y tế không đảm bảo quy định.

Người dân có quyền giám sát

Đồng ý với bác sĩ Trương Hữu Khanh, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, khẳng định về nguyên tắc, sau mỗi lần thực hiện lấy mẫu, nhân viên y tế phải sát khuẩn tay cẩn thận bằng cồn. Việc lấy mẫu cho người này, sau đó chưa sát khuẩn mà đã tiếp tục lấy cho người khác là sai quy định.

“CDC Hà Nội cũng đã có chỉ đạo tới tất cả đơn vị, nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu. Chúng tôi yêu cầu tất cả nhân viên y tế phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Găng tay không cần thay liên tục nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Người dân có quyền giám sát và nhắc nhở nhân viên y tế nếu không đảm bảo quy định về an toàn khi lấy mẫu. Ảnh minh họa: Đức Anh.

Tuy nhiên, đại diện CDC Hà Nội cho hay khi thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, một số trường hợp nhân viên quên quy trình chuẩn có thể xảy ra. Trong tình huống này, người dân hoàn toàn có quyền giám sát, nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng lưu ý người dân khi đi lấy mẫu xét nghiệm cần đeo khẩu trang đầy đủ, đồng thời tuân thủ quy định về giãn cách.

Nguồn Zing