Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mối nguy từ thế giằng co cân não Mỹ - Iran
Chủ nhật: 19:24 ngày 23/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/6 tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran từ ngày 24/6, thay vì phát động một cuộc tấn công hạn chế nhằm vào quốc gia Hồi giáo - quyết định được cho là đã tạm thời tháo ngòi nguy cơ chiến tranh Mỹ - Iran trong ngắn hạn.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN

Lý giải cho quyết định này, Tổng thống Trump cho rằng quốc gia Hồi giáo “khôn ngoan” khi đã không bắn hạ một máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ, bởi Washington có thể chấp nhận thiệt hại về phương tiện kỹ thuật, khó có thể chấp nhận bị thiệt hại về người.

Có thể hiểu rằng Tổng thống Mỹ muốn cảnh báo Iran không được vượt “giới hạn đỏ”, song dường như chính việc Tehran lựa chọn phương án không bắn hạ máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ cũng phần nào “mở cánh cửa” cho ông chủ Nhà Trắng, tránh có những quyết định mang tới hậu quả nguy hiểm không thể kiểm soát.

Căng thẳng Mỹ - Iran bị đẩy lên đỉnh điểm với những tranh cãi sau vụ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bắn hạ máy bay do thám chiến lược không người lái Global-Hawk BAMS-D của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6, cáo buộc máy bay Mỹ đã vi phạm không phận Iran, gây hấn và việc bắn hạ thể hiện chính sách của Tehran. Trái lại, Mỹ tuyên bố máy bay do thám bị bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận quốc tế.

Trung tướng Joseph-Guastella, Chỉ huy không quân Mỹ tại Trung Đông, lập luận máy bay của Mỹ đang hoạt động trong các hành lang không phận đã được thiết lập trước đó và chưa từng tiếp cận dưới 34 km cách bờ biển Iran. 

Máy bay trinh sát và do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ bị lực lượng phòng không Iran bắn rơi. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ việc trên xảy ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi Mỹ công bố kế hoạch gửi thêm 1.000 quân tới Trung Đông và điều tàu khu trục USS Mason tới Vùng Vịnh ngay sau cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu nước ngoài tại vịnh Oman ngày 14/6, cáo buộc mà Tehran khẳng định là vô căn cứ và là một phần của "ngoại giao phá hoại" đang được Mỹ áp dụng đối với quốc gia Hồi giáo. 

Liên tiếp gia tăng những động thái gây căng thẳng, cả “đấu khẩu” lẫn triển khai các biện pháp liên quan tới lực lượng quân sự, có thể nói Mỹ và Iran đã cận kề chiến tranh hơn bao giờ hết, thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết “đã ra lệnh tấn công 3 mục tiêu của Iran”, nhưng cũng chính người đứng đầu Nhà Trắng chỉ thị hủy kế hoạch tấn công chỉ 10 phút trước khi máy bay Mỹ tấn công các mục tiêu của Iran với lý do tránh gây thương vong cho khoảng 150 người và Washington “không vội tấn công” Tehran.

Về phần Iran, giới chức nước này tuyên bố đã lựa chọn phương án không bắn hạ máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ đang hoạt động gần với máy bay không người lái trên, chỉ buộc máy bay quân sự P-8 đổi hướng, có vẻ phần nào tránh để xung đột bị đẩy cao hơn nữa. 

Giới chuyên gia cho rằng những động thái leo thang căng thẳng gần đây từ cả Mỹ và Iran tiếp tục là những “đòn cân não” để nắn gân, gây sức ép đối với đối thủ nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng. Tổng thống Trump phải phản ứng khi máy bay do thám của Mỹ bị IRGC bắn hạ, nhưng cách thức phản ứng cho thấy ông chủ Nhà Trắng không muốn có chiến tranh với Iran vào thời điểm chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai đã bắt đầu.

Một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Iran có nguy cơ dẫn tới Tehran trả đũa, có khả năng gây ra xung đột quy mô lớn trên phạm vi khu vực. Cuộc xung đột này khó tránh kéo theo sự tham gia của các đồng minh của Mỹ và là “đối thủ” của Iran như Saudi Arabia hay Israel, cũng như các lực lượng lâu nay Washington vẫn cho rằng “có quan hệ với Iran” như Hezbollah tại Liban, Al-Houthi tại Yemen và một số nhóm dân binh Shiite tại Iraq.

Rủi ro từ cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông khiến các lợi ích của Mỹ và đồng minh khu vực chắc chắn bị ảnh hưởng, chưa kể Washington có thể bị “sa lầy” vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Trung Đông rơi vào khủng hoảng tất yếu làm gia tăng giá dầu thô toàn cầu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn là yếu tố quyết định lá phiếu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. 

Việc Tổng thống Trump công khai rút lại quyết định tấn công Iran và tuyên bố về “sự thịnh vượng cho Iran nếu quốc gia Hồi giáo này chấp nhận hợp tác với Mỹ để phi hạt nhân hóa”, được đánh giá là nhằm thực hiện chiến tranh tâm lý với Tehran, cũng như truyền tải thông điệp muốn đàm phán và tạo dư luận ông đang “trao cơ hội hòa bình” cho Iran, tháo ngòi nổ chiến tranh đã rất cận kề.

Đây có thể coi là bước đi đầy tính toán vì nếu căng thẳng tiếp tục leo thang và chính sách gây sức ép tối đa không đạt hiệu quả, Tổng thống Trump có thể phải sử dụng đến một cuộc tấn công quân sự hạn chế vào Iran để giữ thể diện nước lớn và uy tín cá nhân. Khi đó, Tổng thống Trump có thể nói với cử tri rằng Mỹ đã mở cánh cửa đàm phán nhưng Iran từ chối và buộc phải tấn công quân sự hạn chế. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần thời gian để gia tăng nỗ lực bảo vệ các lợi ích tại khu vực phòng trường hợp căng thẳng với Iran vượt tầm kiểm soát trở thành xung đột quân sự.

Tàu chở dầu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy, tại Vịnh Oman ngày 13/6/2019 bị cháy, bị Mỹ cáo buộc do Iran tiến hành. Ảnh: AFP/TTXVN

Iran đang rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) để gây sức ép đối với Liên minh châu Âu (EU) và các nước có lợi ích tại Trung Đông gia tăng nỗ lực tác động Mỹ thay đổi chính sách cứng rắn với Tehran. Đây cũng có thể là “quân cờ mặc cả” của Iran trước khi ngồi vào bàn đàm phán, mà khi đó nhượng bộ của Tehran chính là khôi phục nguyên trạng JCPOA. 

Tuy nhiên, có thể nhận thấy Iran không có lợi nếu rút hoàn toàn khỏi JCPOA vào thời điểm hiện nay, vì điều đó sẽ tổn hại tới lợi ích kinh tế, đánh mất sự ủng hộ của EU, Nga, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, có thể buộc Mỹ phải tiến hành một cuộc tấn công quân sự, cuộc chiến tranh chắc chắn cũng gây hậu quả tàn khốc với Iran.

Trong khi đó, các nỗ lực ngoại giao nhằm xúc tiến một cuộc đối thoại Mỹ - Iran chưa đem lại kết quả. Bởi vậy, động thái của Iran bắn hạ máy bay quân sự không người lái của Mỹ có thể hiểu như “biện pháp răn đe” nhằm gây sức ép ngược với Mỹ. 

Có thể nhận thấy chính sách của Mỹ về trừng phạt và răn đe Iran khó đạt được mục đích đề ra. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump đang trong tình thế khó có thể nhượng bộ Iran vì thể diện nước lớn và phục vụ tranh cử nhiệm kỳ hai. Thế giằng co cân não giữa Mỹ và Iran vì thế có thể còn kéo dài. Tổng thống Trump đang lựa chọn trừng phạt thay vì tấn công Tehran, nhưng nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Iran rõ ràng hơn bao giờ hết.

Với việc hai nước đều thực hiện các bước đi cứng rắn, chưa chấp nhận nhượng bộ, vòng tròn luẩn quẩn trả đũa lẫn nhau sẽ gia tăng, khi đó những tính toán sai lầm hoặc tai nạn sẽ đẩy hai nước vào tình trạng đối đầu quân sự trực diện vì chính sách “bên miệng hố chiến tranh” có mức độ rủi ro rất cao. 

Hệ quả của chính sách này trước hết sẽ khiến Trung Đông bất ổn, tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố tiếp tục tồn tại và phát triển, khuyến khích chạy đua vũ trang tại khu vực.

Trung Đông có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng toàn cầu, nhất là ổn định giá dầu thô thế giới, qua đó giúp duy trì tăng trưởng kinh tế giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa thể sớm kết thúc. Trung Đông cũng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và ổn định của EU. Vì vậy, EU là bên có liên quan trực tiếp và có khả năng nhất trong tác động chính sách của Mỹ và Iran để giảm căng thẳng.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Anh phụ trách khu vực Trung Đông, ông Andrew Murrison, đến Tehran ngày 23/6 với thông điệp “trung thực và xây dựng” nhằm làm giảm căng thẳng Mỹ - Iran. Khi Trung Đông đang trong tình thế nguy hiểm do những căng thẳng giữa Mỹ và Iran, rất cần nhân tố trung gian đủ mạnh để thúc đẩy hai bên hóa giải bất đồng, tiến tới đạt được một thỏa thuận sơ bộ.

Nguồn TTXVN 

Tin cùng chuyên mục