Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ghi chép dọc miền Trung
Mỗi tấc đất một cuộc đời có thật
Thứ hai: 03:48 ngày 05/05/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTN) - Cuối cùng thì cũng phải trở về Tây Ninh, dù trong lòng tôi vẫn còn muốn đi, đi mãi… để càng thấy thêm yêu đất nước hình cong cong chữ S của mình, bởi càng đi càng thấy quê mình sao mà quá đẹp!

Thành cổ Quảng Trị

Tôi lại đến bên cầu Hiền Lương- cây cầu chứng tích của nỗi đau chia cắt đất nước một thời, nay đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Lần nào dừng lại cầu hay chỉ đi ngang qua thôi trên đường ra Bắc tôi cũng bỗng dưng thấy tim mình xao xuyến. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, người Việt Nam ai chẳng từng một lần nghe tên với những cảm xúc khó tả dù chưa có dịp đến tận nơi để được tận mắt nhìn. Những lần trước khi tôi đến trước đây, cây cầu chỉ có một màu, lần này nó đã được sơn mới hai màu vàng, xanh, mục đích- theo như lời thuyết minh của cô hướng dẫn viên tại khu di tích phía bờ Bắc sông là để phục dựng đúng như màu sắc cây cầu trong giai đoạn đất nước chưa thống nhất- trước khi cầu bị bom Mỹ đánh sập vào năm 1967. (Màu xanh là của miền Bắc, màu vàng là của miền Nam). Âu cũng là một cách tôn trọng lịch sử và phải chăng qua đó cũng để người ta ngẫm ngợi sâu thêm về ý nghĩa của độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất? Bên này cầu, cột cờ Hiền Lương uy nghi, trên đỉnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng. Bên kia, phía bờ Nam là cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” với hình tượng những tàu lá dừa cách điệu vừa mảnh mai, vừa mạnh mẽ vút thẳng lên trời và bà mẹ miền Nam đau đáu dõi nhìn về phương Bắc. Chắc là nhà thơ Tế Hanh khi đến đây cũng dạt dào cảm xúc như tôi, chỉ khác ở chỗ ông là người tài hoa nên mới viết lên được những câu thơ mà cả đời tôi không viết nổi: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu…”.

Trên mảnh đất địa đầu giới tuyến Vĩnh Linh bời bời đạn bom, khói lửa thời chiến tranh, không chỉ có cầu Hiền Lương, sông Bến Hải với bề dày lịch sử sống động của cả một dân tộc tiềm ẩn qua đó đủ sức tạo ra những dư ba lay động lòng người dân Việt. Tôi không khỏi ngẩn ngơ khi được đặt chân đến khu di tích địa đạo Vịnh Mốc- một biểu tượng của tinh thần chiến đấu kiên cường không gì sánh nổi của quân dân Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hệ thống địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng vào năm 1965, có tổng chiều dài gần 2 cây số, với 3 tầng sâu từ 10 đến 23m từng là nơi trú ngụ và là pháo đài chiến đấu của quân dân Vĩnh Linh những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Đường hầm ở đây đủ rộng và cao cho phép chúng tôi chui xuống mà không cần phải cúi khom người thật thấp như ở địa đạo Củ Chi. Tôi nhìn thấy rất nhiều du khách nước ngoài cũng chịu khó chui xuống. Lần dò từng bước trong đường hầm tối, thăm từng gian hầm nhỏ bé nằm sâu dưới lòng đất, xưa kia từng là nơi ăn ở, sinh hoạt của các hộ gia đình, có cả gian dành riêng cho việc sinh nở của các bà mẹ, tôi tự hỏi: có thể đong đếm bao nhiêu mồ hôi, công sức mà người Vĩnh Linh đã đổ xuống ngay dưới đạn bom kẻ thù để kiến tạo nên công trình kỳ diệu và cũng thật kỳ vĩ này?

Một góc nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Có ở đâu như Quảng Trị- mảnh đất ngút trời khói lửa thời kỳ đất nước chia đôi, đã đi vào thơ, nhạc với tất cả dáng hình, sắc màu đau thương, khốc liệt, tả tơi và cả lẫm liệt, uy nghi, ngời ngời tráng khí qua những năm dài đối mặt với địch hoạ lẫn thiên tai? Quảng Trị- từng được coi là cửa tử của giặc Mỹ, là nơi tập trung mạnh nhất binh lực và phương tiện chiến tranh của cả ta và địch trước 1975. Những địa danh vang lên từ vùng đất vốn là châu Ô thuở xưa đã từng gây xúc động bao trái tim người Việt yêu chuộng hoà bình, khát khao độc lập: Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà, Khe Sanh, Cam Lộ, Hải Lăng… và nhất là thành cổ Quảng Trị- một cái tên đầy ám ảnh sau mấy chục năm hoà bình vẫn thừa sức gợi lên nỗi đau đớn, cảm hoài về một mùa hè đỏ lửa năm 1972, đặc biệt là những cựu chiến binh khi trở về đây thắp nén nhang tưởng vọng anh linh những đồng đội đã nằm xuống trong một trận chiến khốc liệt 81 ngày đêm với kẻ thù. Đến với thành cổ Quảng Trị nằm bên cạnh dòng sông Thạch Hãn, người ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của câu “chiến tranh không phải trò đùa”- cho dù là với bên thua hay bên thắng! Đứng trong khuôn viên thành cổ, nhìn cây cỏ tươi xanh rạng ngời hôm nay, tôi không thể nào hình dung nổi mỗi tấc đất nơi này năm xưa đều dày đặc bom đạn, dày đặc máu xương của những người lính- cả ở hai bên bờ chiến tuyến. Nhà thơ cựu chiến binh Phạm Đình Lân chắc là đã khóc khi trở về đây viếng ngôi mộ chung của các đồng đội ngã xuống trong mùa hè năm ấy, và viết lên những câu thơ như rút từ gan ruột của mình: “Mỗi tấc đất một cuộc đời có thật/ Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào…”. Khi đến viếng thăm bến thả hoa tưởng niệm liệt sĩ bên bờ sông Thạch Hãn, nhìn ra mặt nước lung linh trong nắng chiều hôm, tôi lắng nghe lòng mình chùng xuống. Cả một khúc sông im lìm, vắng vẻ vì không nhằm mùa lễ hội, vẫn thấy rải rác đó đây những khóm hoa tươi cắm ven bờ nước, hẳn là ai đó vừa đến đây để trầm tư vọng tưởng đến ai năm xưa vì nước quên mình, vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông sâu… Tôi hiểu thêm vì sao có quá nhiều bài thơ, bài hát về Quảng Trị- miền đất lửa anh hùng, trong đó không thể không nhắc tới bài thơ của nhà thơ cựu chiến binh Lê Bá Dương với những câu như cứa lòng người: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”. Sẽ thật thiếu sót khi đến Quảng Trị mà không viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn- nơi hội tụ anh linh của hàng ngàn người con ưu tú khắp mọi miền đã đền xong nợ nước. Khu nghĩa trang nằm trên đồi Bến Tắt, thuộc địa bàn huyện Gio Linh, rộng thênh thang với hơn mười ngàn ngôi mộ liệt sĩ một màu trắng tinh, nằm xếp hàng thẳng tắp với nhau, dưới bóng mát cây xanh như chở che, vỗ về giấc ngủ. Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của những chiến sĩ đã hy sinh trên khắp các nẻo đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) thời chống Mỹ. Nghĩa trang trong những ngày tháng Tư- tháng của những ngày lễ lớn, nên có rất đông khách đến viếng thăm. Người phụ trách phần hướng dẫn nghi lễ tưởng niệm cho các đoàn khách tham quan cho biết: trung bình mỗi ngày có khoảng 100 đoàn đến đây. Đến thắp nhang tại một khu mộ trong nghĩa trang, tôi rảo mắt kiếm tìm theo lời mách bảo của người đồng nghiệp ở Báo Quảng Trị và cuối cùng cũng tìm thấy một ngôi mộ nữ liệt sĩ là người Tây Ninh, quê ở Gò Dầu. Trời Quảng Trị hôm ấy thật im gió và chan hoà nắng.

Rất đông khách du lịch nước ngoài đến thăm địa đạo Vịnh Mốc

Trên dọc đường miền Trung, tôi còn la cà thêm ở nhiều tỉnh khác, cho phép mình trải nghiệm cảm giác được nhìn ngắm, quan sát, cảm nhận một thành phố Đà Nẵng với những phố xá tráng lệ, huy hoàng và những đường phố sạch bong, không rác rưởi, một Quảng Nam với những món ăn bình dân ngoài vỉa hè đã trở thành nét văn hoá ẩm thực riêng biệt độc đáo, với khu phố cổ Hội An thong dong những lối nhỏ đi bộ luôn nườm nượp khách du lịch Á, Âu, Mỹ mỗi ngày, một Quảng Ngãi với núi Ấn sông Trà quyến rũ, một Ninh Thuận với những bãi biển nước trong xanh, bờ cát trắng tinh… Nhưng có lẽ không nơi đâu để lại nhiều ấn tượng bằng Quảng Trị- nơi mà gió Lào bỏng rát, như muốn thiêu cháy mọi vật, mọi thứ trong mùa khô nhưng những cô con gái sinh ra, lớn lên trên vùng đất nắng gió khắc nghiệt này thì nước da cứ trắng như bông bưởi. Có phải cũng giống như sức sống của con người, vùng đất nơi đây, từ trong gian khổ, hy sinh vẫn cứ vượt lên sáng ngời, tươi mới… bất chấp cả sự thách đố của thiên nhiên và chiến tranh?

Cuối cùng thì cũng phải trở về Tây Ninh, dù trong lòng tôi vẫn  còn muốn đi, đi mãi… để càng thấy thêm yêu đất nước hình cong cong chữ S của mình, bởi càng đi càng thấy quê mình sao mà quá đẹp!

Nhất Phượng

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục