BAOTAYNINH.VN trên Google News

Môi trường dùng máy điều hoà dễ phát tán virus cúm

Cập nhật ngày: 04/05/2009 - 05:59

“Dịch bệnh trong đó có dịch cúm A/H1N1, thường lây truyền qua đường hô hấp nên cần hạn chế tối đa việc sử dụng máy lạnh vì đây là môi trường thuận lợi để phát tán virus gây bệnh” - ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến chỉ đạo khẩn cấp công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1.

Tổng rà soát trang thiết bị

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 4.5 đã có 19 quốc gia, 3 lục địa trên thế giới có ca dương tính virus cúm A/H1N1 với 889 trường hợp mắc. Con số này đang xu hướng tăng nhanh. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có buổi họp khẩn với các sở y tế bàn phương án chủ động đối phó với dịch bệnh.

Tại buổi làm việc, ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế nhanh chóng đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, tất cả phải thành lập đội ngũ chuyên môn, rà soát lại trang thiết bị có sẵn... Các tỉnh, thành trong cả nước phải dự trữ sẵn nguồn thực phẩm, xăng dầu, các phương tiện điều trị… đề phòng khi có dịch bệnh bùng phát.

“Dịch bệnh trong đó có dịch cúm A/H1N1, thường lây truyền qua đường hô hấp nên cần lưu ý hạn chế tối đa việc sử dụng máy lạnh vì đây là môi trường thuận lợi để phát tán virus gây bệnh cho cộng đồng” - ông Huấn khuyến cáo.

Hội nghị giao ban trực tuyến chỉ đạo khẩn cấp công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 do Bộ y tế tổ chức

Ngoài việc giám sát không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam qua các đường cửa khẩu, cán bộ làm công tác y tế dự phòng phải hết sức lưu ý đến những nhà thuốc công và tư trên địa bàn. Khi thấy lượng người đến mua thuốc cảm nhiều hơn bình thường hay người bệnh cảm có dấu hiệu bất thường hàng loạt thì phải điều tra nắm rõ, báo cáo cho y tế dự phòng để có hướng giám sát cụ thể.

Đối với người từng di chuyển từ vùng dịch trong vòng 7 ngày gần nhất, nếu có dấu hiệu cảm, ho, sổ mũi… thì phải báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Ông Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Tỷ lệ tử vong của dịch bệnh ở mỗi nước dao động từ 0 đến 4%; phụ thuộc vào tình hình sức khỏe bệnh nhân, chế độ chăm sóc… và đặc biệt là thời điểm phát hiện bệnh.

“Nếu người bị nhiễm virus cúm A/H1N1 được phát hiện, điều trị sớm bằng thuốc Tamiflu sẽ tránh được tử vong” - ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Môi trường (Bộ Y tế) nói.

Thiếu dụng cụ phòng chống dịch

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Việc kiểm soát dịch bệnh qua đường hàng không, đường thủy tương đối thuận lợi nhưng tại các cửa khẩu đường bộ thì rất khó.

Theo đó, cần đề cao hơn nữa công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu để “cô lập” Việt Nam với đại dịch cúm A/H1N1. Nhưng tại buổi giao ban trực tuyến, hầu hết đại diện các tỉnh, thành đều phản ánh thiếu dụng cụ phục vụ công tác kiểm dịch.

“Chúng tôi đang thiếu máy đo thân nhiệt trầm trọng, có nhiều cửa khẩu nhưng lại chỉ có 1 máy đo thân nhiệt. Thuốc chuyên trị không còn, khẩu trang, găng tay… cũng hết” - đại diện Sở y tế Đà Nẵng bày tỏ.

Cùng cảnh ngộ, đại diện Sở Y tế Khánh Hòa, Nghệ An, Thái Nguyên, ĐắkLắk... đồng đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm máy đo thân nhiệt, dụng cụ phục vụ cho công tác phòng dịch. Yêu cầu ban hành thời gian trực dịch 24/24 cụ thể bắt đầu từ thời điểm nào? Vì chi phí cho công tác này rất khó quyết toán nếu như không xảy ra dịch bệnh.

“Hiện nay, các bệnh viện chưa có trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra. Đề nghị Bộ phê duyệt cho mua dụng cụ không cần qua đấu thầu vì nếu làm theo nguyên tắc thì khi đấu thầu được dụng cụ… dịch bệnh cũng đã qua đi” - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nói.

Hệ thống máy đo thân nhiệt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Điều gây nhiều lo ngại trong thiết lập hành lang đảm bảo không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là máy đo thân nhiệt không thể phát hiện được mầm bệnh.

Bác sỹ Nguyễn Văn Châu cho rằng, trong giai đoạn ủ bệnh, cơ thể người chưa bị sốt và máy đo thân nhiệt không phát hiện được. Đặc biệt, TP.HCM là khu vực đông dân cư và hành khách nhập cảnh cũng không tập trung nên rất khó giám sát, khoanh vùng khi có ca nhiễm virus cúm A/H1N1.

Theo BS Châu, cần có giải pháp tăng cường công tác kiểm dịch tại cộng đồng, ở các nơi sinh hoạt như: nhà hàng, khách sạn, khu du lịch... để phát hiện kịp thời.

Xây dựng phần mềm kiểm dịch ở tại các cửa khẩu, trong đó lưu trữ thông tin cá nhân của mọi hành khách để khi phát hiện ca bệnh thì nắm rõ được số hành khách đi cùng chuyến bay, xác định nhanh được nơi cư trú… để khoanh vùng dịch bệnh.

BS Châu đề nghị Bộ Y tế cho thành lập Ban chỉ đạo liên vùng để kịp thời thông tin về dịch bệnh giữa các tỉnh, thành trong cả nước nhằm hỗ trợ nhân lực, phương tiện, lên phương án cách ly,khoanh vùng… Đối với những khu vực giao lưu quốc tế cần thành lập vùng đệm ngăn chặn dịch bệnh giữa các quốc gia.

Trước những bày tỏ của các cơ sở y tế, ông Huấn hứa sẽ tìm cách hỗ trợ đầy đủ máy đo thân nhiệt, cấp cho mỗi sở y tế 5.000 viên thuốc Tamiflu.

“Nếu phát hiện ra người dân có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh thì phải yêu cầu đến cơ sở y tế để theo dõi, nếu họ không đồng ý thì áp dụng biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của Pháp luật” - ông Huấn chỉ đạo.

(Theo Vietnamnet)