Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Giả thiết đường phố nơi bạn ở được quét dọn sạch tinh tươm vào lúc nửa đêm nhưng mỗi sáng mai thức dậy bạn vẫn cứ thấy rác hiện hữu. Bạn nên hiểu rằng tác nhân đưa rác đến chính là... gió, chớ bạn hỏi người, chả ai nhận “tui vừa vứt rác” đâu.
Mặc dù vậy bạn vẫn cứ hạnh phúc hơn bao người, vì con đường trước cửa nhà bạn may mắn không có một bến xe “tự phát”, hay một bến xe “lợi ích nhóm” trá hình. Người... không may có nhà gần những “bến xe” loại đó khổ lắm bạn ơi. Khổ thứ nhất là ô nhiễm môi trường do rác trên xe thải xuống vô tội vạ. Khổ thứ hai là mùi khét lẹt tuôn ra từ ống xả (khói) các loại xe vận tải xộc vào nhà.
Khổ thứ ba là nguy cơ tai nạn giao thông rình rập, vì đường thì hẹp mà xe cộ thì nhiều, họ đậu để lên xuống hàng hoá không theo một trật tự nào, vì không có ai đứng ra chịu trách nhiệm quản lý điều hành, nhưng thỉnh thoảng lại thấy có ai đó cầm một xấp giấy giống... cùi biên lai đến thu lệ phí bến bãi (!?)
Ðấy là câu chuyện thường ngày ở đường Phạm Văn Chiêu, khu phố 2, phường 2, TP. Tây Ninh mà ông bạn của Thiên Hạ (TH) thường hay ca cẩm mỗi khi có dịp gặp mấy ông bà đại diện dân cử tại các cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri. Ý kiến phản ánh của ông bạn và các cử tri khác được tiếp thu, ghi nhận, hứa sẽ giám sát và yêu cầu cơ quan hữu quan xử lý, nhưng rồi... qua nhiều năm, cái “bến xe không phải bến xe” vẫn cứ hiện hữu đấy.
* * *
Suốt cả tuần nằm điều dưỡng vì căn bệnh mãn tính nó hành hạ, sáng hôm kia, nghe người khoe khoẻ, TH lấy xe đạp ra đạp một vòng quanh các công viên cặp bờ rạch Tây Ninh, địa bàn phường 2. Dự định đến công viên cầu Yết Kiêu sẽ dừng xe lại, phơi nắng và tập dưỡng sinh. Vừa quẹo xe vào, điều đầu tiên... đập vào mắt TH là rác hộp xốp, bịch nylon đựng đồ ăn, nước chấm vứt bừa bãi tại đầu công viên. Hình như ở đây có một cuộc nhậu vừa tan vào sáng sớm nay.
Vào trong công viên, dưới một số băng đá, lại thấy có rác chai, lon, túi nhựa đựng đồ ăn thức uống của nhóm gia đình hay cặp hò hẹn nào đó ở đây vào chập tối hoặc khuya qua. Gần đấy, tại một chỗ rất dễ nhìn thấy là một bô rác lớn hình chú chim há miệng đòi ăn rất dễ thương, nhưng đã bị ai đó... đá cho chim... bể bụng làm rác đổ tháo từa lưa ra ngoài bãi cỏ.
Rõ ràng, nguyên nhân ở đây không phải là... gió, và cũng không cần cặp mắt tinh tường của một nhà điều tra, ai cũng biết đó là hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường, phá hoại tài sản công, thách thức dư luận và chính quyền. Nhưng thủ phạm là ai, chẳng ai biết mà trả lời.
Hỏi một người đàn ông đi bộ tập thể dục: “Ông anh ơi! Dàn đèn trang trí công viên ta sao đâu mất hết rồi?”, người ấy bức xúc... xả một hơi: “Cây đèn nào cũng đều bị đập phá hết, sứt tai gãy gọng, đứt dây. Bao lần sửa chữa, thay bóng mới cũng bị đập bể luôn, nên cuối cùng quản lý công viên... chịu thua, cho tháo dỡ hết các trụ chân đèn trang trí.
Sau đó, chắc là để cho công viên được sáng sủa vào ban đêm, người ta lắp đặt theo trục giữa công viên ba cái trụ đèn cao áp kia. Nhưng có điều lạ là từ ngày thay đèn mới đến giờ, các bóng đèn cao áp đêm đêm vẫn không chịu sáng, công viên mang tên người anh hùng dân tộc chống Nguyên - Mông xâm lược vẫn tối om, chẳng rõ vì sao, ông ạ!”
THIÊN HẠ