BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mọi việc đều có thể

Cập nhật ngày: 10/05/2019 - 14:07

BTN - Mấy bữa nay, chính trường và dư luận báo chí trong nước đang xôn xao câu chuyện “Khát vọng hoá rồng”, với quyết tâm ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để kinh tế nước nhà bứt phá, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Ông nghĩ sao khi nghe thông tin này?

- Vâng, mọi việc đều có thể! Nếu về mặt quản lý kinh tế chúng ta chịu học tập và làm theo các nước tiên tiến, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Một lần đến tham quan du lịch hai tiểu vương quốc Dubai và Abu Dhabi thuộc UAE, tuy là “cỡi ngựa xem hoa” thôi, cũng cho chúng ta thấy tầm nhìn chiến lược về kinh tế - xã hội của các ông hoàng xứ này thật là đáng nể, xứng đáng cho lãnh đạo nhiều quốc gia đang phát triển nghiêng mình bái phục.

- Vậy mà tui tưởng câu chuyện UAE thành lập “Bộ Không gì là không thể” chỉ là một câu chuyện mang tính hài hước của xứ sở thần thoại Nghìn lẻ một đêm chớ!

- Không phải thần thoại đâu, mà đó là chuyện hiện thực trong hai thập niên đầu thế kỷ 21 đấy ông ạ! Giữa sa mạc quanh năm chỉ mấy cơn mưa lác đác thoáng qua, vậy mà người ta xây dựng được những trang trại nông nghiệp trồng cây lương thực, cây ăn trái. Còn bông hoa các loại thì... bao la: Hoa trồng hai bên lề đường, trên dải phân cách của những con đường lớn trong thành phố; hoa trồng trong những công viên rộng lớn, với những “lâu đài” hoa rực rỡ, muôn hồng nghìn tía, hoa trồng từ mặt đất, hoa treo lên trên cao, với những hình thù kỳ thú, ngoạn mục không bút mực nào tả xiết.

Còn du lịch thì nói thế nào nhỉ khi UAE, nhất là tại tiểu vương quốc Dubai, người ta xây dựng cơ man nào là những chúng cư cao tầng, những biệt thự hiện đại, những khách sạn cao cấp, trong đó đáng chú ý có những khách sạn 7 sao (hàng top thế giới) như khách sạn Emirates Palace tại Abu Dhabi, khách sạn Pentominium và khách sạn Burj Al Arab ở Dubai...

- Giữa sa mạc làm sao có đủ nước ngọt để phục vụ cho dân cư và các công trình nói trên hả ông?

- Những nhà máy khử nước mặn khổng lồ của UAE, nhất là ở Dubai thoả mãn câu hỏi của ông. Trở lại chuyện “Bộ Không gì là không thể” ở UAE: Ðây là bộ có nhiệm vụ giải quyết những khoảng trống trong quản lý nhà nước ngay từ khi nó chưa phát sinh; đây là bộ không cần chức danh bộ trưởng, có cơ cấu tối giản chuyên lo giải quyết chuyện vị lai.

- Ôi trời ơi! Ðúng là đáng nghiêng mình bái phục thật! So với Việt Nam mình đúng là trời với vực, trong khi họ hướng tới tương lai thì ta còn mãi loay hoay ở thì quá khứ với những dự án ngàn tỷ “trùm mền, đắp chiếu”, những quy hoạch đô thị, khu dân cư “treo” mười năm, hai chục năm, những khoảng trống quản lý nhà nước giữa các địa phương (xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh, bộ với bộ) và ngay trong một địa phương thì cũng không kể xiết, vì thế mới có tệ trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” cùng với các vấn nạn “cát tặc”, “rác tặc”, “bất động sản tặc”, hàng nhái, hàng giả, hàng sản xuất lậu và các loại tệ nạn xã hội... mặc sức lộng hành, xử lý dọn dẹp vừa yên nơi này thì chúng lại “mọc” lên nơi kia, đau đầu quá ông ạ.

- Ðó là do bệnh “thiếu trách nhiệm”, “cục bộ địa phương” trong một bộ phận công chức cầm quyền, bệnh “vô cảm”, xa dân, ngồi lì văn phòng của một bộ phận cán bộ các ngành chức năng đã làm cho bộ máy quản lý nhà nước một số nơi, một số lĩnh vực lâm vào tình trạng - nói theo ngôn ngữ máy tính - là... bị “đơ” hoặc bị “treo”. Phải trị dứt các căn bệnh nói trên thì đất nước ta mới có “cơ hội hoá rồng”, mới có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển ông ạ!

THIÊN HẠ