Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập:
Mỗi xã chỉ còn một trường tiểu học
Thứ tư: 22:13 ngày 28/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong số gần 550 trường học hiện nay, có nhiều trường quy mô nhỏ, số lượng học sinh ít và khoảng cách giữa các trường không quá xa. Cái lợi lớn nhất của việc sáp nhập là bớt được một bộ máy gồm hiệu trưởng, hiệu phó và nhiều chức danh khác như chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, thanh tra, Đoàn Thanh niên, Đội thiếu niên…

Một lớp học chỉ vỏn vẹn 8 em học sinh ở Trường Tân Phong (điểm phụ).

Theo kế hoạch (dự thảo) tới đây, ngành Giáo dục Tây Ninh bắt đầu triển khai thực hiện rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục cho tinh gọn, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương.

Ngành tiến hành điều chỉnh lại quy mô lớp học của từng cấp, sắp xếp lại các điểm trường, chỉ hình thành các điểm trường ở vùng sâu vùng xa để tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Những nơi có khả năng xã hội hoá cao sẽ được tạo điều kiện chuyển đổi mô hình từ công lập ra ngoài công lập.

SÁP NHẬP CHO BỚT LÃNG PHÍ

Đi vào cụ thể là việc rà soát, sáp nhập đối với những trường có quy mô nhỏ (dưới 10 lớp học), cự ly các trường gần nhau (bán kính 5km); nghiên cứu làm rõ cơ chế quản lý đối với trường phổ thông có nhiều cấp học về tổ chức, chuyên môn, tài chính, tài sản.

Ngành cũng sắp xếp lại Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh theo hướng kêu gọi xã hội hoá để thành lập trường có nhiều cấp học với chất lượng cao, bên cạnh đó, vẫn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên trên địa bàn tỉnh theo quy định của ngành.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh chuyển từ thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên sang thực hiện theo cơ chế tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong việc sáp nhập lại các điểm trường, chỉ giữ lại các điểm trường cách xa cơ sở chính trên 10km hoặc thuộc vùng sâu, biên giới do đường sá đi lại khó khăn, và các điểm trường được giữ lại phải bảo đảm có từ ba lớp học trở lên.

Việc sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên cùng địa bàn được thực hiện theo hướng mỗi xã, phường, thị trấn chỉ thành lập một trường công lập dạy mầm non, một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở (nếu chưa thành lập được trường có nhiều cấp học).

Ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh sẽ sáp nhập vào Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh.

Với kế hoạch nêu trên, trong thời gian tới, quy mô trường lớp ở tất cả các bậc học và cả bộ máy của ngành sẽ rất nhiều thay đổi, xáo trộn.

Tháng 11.2017, báo Tây Ninh đã có bài viết đề cập đến việc phải sắp xếp, cải tổ lại bộ máy ngành Giáo dục, cũng như việc cần xem lại quy mô trường lớp trên địa bàn tỉnh, vì để tồn tại như thời gian qua là bất hợp lý. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 546 trường (chưa tính các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp).

Ở bậc học mầm non và phổ thông, Tây Ninh có đủ trường hạng 1, hạng 2 và hạng 3 (việc xếp hạng từng trường được căn cứ vào tổng số lớp học của mỗi trường). Trong đó, trường hạng 1 có từ 28 lớp trở lên, trường hạng 2 có từ 18-27 lớp, trường hạng 3 có dưới 18 lớp.

Theo quy định hiện hành, trường hạng 1 được bố trí 3 hiệu phó, trường hạng 2 và hạng 3 có từ 1 đến 2 hiệu phó. Tại cuộc hội thảo về quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục tổ chức hồi cuối tháng 8.2017 tại Sở Giáo dục - Đào tạo khi đề cập đến vấn đề tự chủ nhân sự, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở TP. Tây Ninh đã phát biểu rằng, trường phổ thông chỉ cần một hiệu trưởng, một hiệu phó là đủ.

Theo vị này, giảm bớt số hiệu phó không ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành quản lý, trái lại, bộ máy tinh gọn sẽ dễ hoạt động hơn. Giảm bớt cấp phó cũng có nghĩa là Nhà nước giảm được khoản chi phụ cấp chức vụ. Số hiệu phó nhiều hơn nhu cầu công việc dẫn đến trùng lặp về lĩnh vực phụ trách cũng như điều hành, quản lý.

Nếu một trường phổ thông có hai hiệu phó, một người được giao phụ trách chuyên môn, người còn lại phụ trách cơ sở vật chất. Trường nào có ba hiệu phó, hiệu phó thứ ba gần như chỉ... tồn tại cho đúng quy định. Chính vì thế, việc giảm bớt số hiệu phó trong trường phổ thông (và không chỉ riêng bậc học phổ thông) là điều cần được tính đến.

Thực tế, thời gian qua, có trường phổ thông ở Tây Ninh chỉ có một hiệu trưởng điều hành (do chưa có hiệu phó), mọi hoạt động của nhà trường không vì thế mà khó khăn hơn, cũng như không ai cảm thấy là thiếu thốn. Tuy vậy, việc giảm số hiệu phó cũng như các chức danh có hưởng phụ cấp khác còn phụ thuộc vào quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong đó có quy định về điều lệ trường phổ thông.

Ngoài vấn đề giảm số lượng hiệu phó, một vấn đề khác mà ngành Giáo dục cũng như các cấp quản lý có thẩm quyền có thể phải làm, đó là xem xét cho sáp nhập một số trường học.

Do biến động của dân số cũng như một vài nguyên nhân thứ yếu khác, trong khoảng 15-17 năm qua, số lượng học sinh ở Tây Ninh giảm rất mạnh. Có những trường chỉ trong 10 năm, tổng số lớp học giảm gần một nửa. Hiện nay, có trường trung học cơ sở chỉ còn trên dưới 100 học sinh, mỗi khối lớp 6, 7, 8, 9 chỉ có đúng một lớp.

Trong khi đó, khoảng cách địa lý giữa trường của xã này với trường của xã bên cạnh không quá xa nhau. “Tôi cho rằng, hoàn toàn có thể sáp nhập hai trường thành một. Trường ít học sinh hơn trở thành điểm phụ, tức cơ sở 2. Các em học sinh vẫn học bình thường ở trường mình, chỉ có bộ máy quản lý là giảm. Như vậy, ngân sách cũng không phải chi cho bộ máy ấy như hiện nay”- một vị cán bộ quản lý có thâm niên trong ngành Giáo dục phát biểu.

Hồi tháng 6.2017, UBND huyện và ngành Giáo dục Tân Biên sau một thời gian xem xét đã tiến hành sáp nhập Trường THCS Thạnh Tây với Trường THCS Nguyễn Khuyến (cùng địa bàn xã Thạnh Tây). Lý do sáp nhập là vì năm học 2016-2017, Trường THCS Thạnh Tây chỉ có vỏn vẹn 64 học sinh, không đáp ứng quy mô phát triển.

Không chỉ giảm số học sinh mà số trường ở Tây Ninh cũng giảm theo từng năm. Ví dụ ở cấp tiểu học, trong thời gian từ năm 2008 đến 2015, số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh giảm từ 283 xuống còn 262 trường, tức có 21 trường phải giải thể, sáp nhập vào trường khác. Số trường phải sáp nhập thường có quy mô nhỏ, ít học sinh.

Năm học này (2017-2018), cấp tiểu học giữ nguyên con số 262 trường. Đây chắc chắn không phải là con số sau cùng, vì một số địa phương đang xem xét tiếp tục sáp nhập trường tiểu học. Mới đây, UBND huyện Châu Thành đã cho sáp nhập Trường tiểu học Bố Lớn vào Trường tiểu học Hoà Hội (hai trường này cùng đứng chân trên địa bàn xã Hoà Hội).

ĐỔI MỚI VỀ... MÔ HÌNH CŨ

Trong số gần 550 trường học hiện nay, có nhiều trường quy mô nhỏ, số lượng học sinh ít và khoảng cách giữa các trường không quá xa. Cái lợi lớn nhất của việc sáp nhập là bớt được một bộ máy gồm hiệu trưởng, hiệu phó và nhiều chức danh khác như chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, thanh tra, Đoàn Thanh niên, Đội thiếu niên…

Nếu tiếp tục để quy mô, số lượng trường lớp như hiện nay là một sự lãng phí khó có thể chấp nhận. Do số học sinh quá ít, số lượng giáo viên lại nhiều nên nếu tính theo suất đầu tư (trên đầu học sinh) thì khoản ngân sách Nhà nước chi ra cho một học sinh hệ phổ thông hoặc hệ giáo dục thường xuyên có khi còn cao hơn khoản đào tạo dành cho một sinh viên đại học.

Về chuyện thành lập trường phổ thông nhiều cấp học, điều này thực ra không có gì mới, vì sự đổi mới này thực ra là trở về với mô hình cũ. Hàng chục năm trước đây, có một thời kỳ dài, học sinh cấp 1 (tiểu học) và cấp 2 (trung học cơ sở) học chung một trường; hoặc cấp 2 học chung với cấp 3 (trung học phổ thông) và từ giữa thế kỷ trước, Tây Ninh đã từng có các trường trung - tiểu học (đủ 3 cấp).

Cả ba cấp học gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ thật sự “ra riêng” vào cuối những năm 2000. Việc thành lập hay tái lập trường phổ thông nhiều cấp học còn cho thấy: trường công lập có thể sẽ được tổ chức theo mô hình của trường tư thục. Hầu hết, các trường phổ thông tư thục hiện nay đều là trường nhiều cấp học.

VIỆT ĐÔNG

Tin liên quan