Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Môn công nghệ chậm đổi mới

Cập nhật ngày: 09/01/2014 - 06:29

Cần thay đổi nhận thức của giáo viên lẫn học sinh trong việc học nghề ở phổ thông - Ảnh: Minh Luân
Cần thay đổi nhận thức của giáo viên lẫn học sinh trong việc học nghề ở phổ thông - Ảnh: Minh Luân.

Học để kiếm điểm khuyến khích

Mặc dù môn công nghệ có 2 tiết/tuần nhưng do không phải là môn chính nên nhà trường và học sinh vẫn chưa chú trọng đầu tư cả về giảng dạy lẫn học tập. Chính vì thế, học sinh học môn này mang tính chất đối phó, học chủ yếu để kiếm điểm khuyến khích tốt nghiệp và tuyển sinh.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên công nghệ thiếu. Nhiều trường, đặc biệt ở bậc THPT, phải sử dụng giáo viên các môn khác dạy. Không những thiếu về số lượng, chất lượng giáo viên cũng là vấn đề. Dù dạy công nghệ nhưng phương pháp dạy học của giáo viên chậm đổi mới, chưa phù hợp với từng đối tượng học sinh. Chưa kể trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy ở môn này còn hạn chế và chưa được đầu tư đúng mức.

Mạnh dạn thay đổi

Một nguyên nhân khác khiến môn học này ít tạo hứng thú cho học sinh vì chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành giáo dục - đào tạo và lao động - thương binh - xã hội trong việc phân luồng học sinh sau THCS về đào tạo nghề. Nhà nước giao cho ngành lao động - thương binh - xã hội đào tạo nghề còn ngành giáo dục chú trọng dạy các môn văn hóa nên việc dạy nghề ở trường phổ thông chỉ với mục tiêu hướng nghiệp.

Dựa vào điểm thi tuyển sinh đại học hằng năm, Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT thống kê hàng trăm ngàn thí sinh có tổng điểm 3 môn thi dưới 3 điểm. Những thí sinh này chuyển sang học nghề sẽ phù hợp hơn nhưng lại vào ĐH và không trúng tuyển. Trong khi đó, trường nghề lại không tuyển được học sinh.

Trước thực tế này, có thể ghép 2 trung tâm kỹ thuật thực hành - hướng nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên thành trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề để vừa dạy văn hóa (7 - 8 môn) và dạy nghề cho học sinh. Về lâu dài, nhà nước nên chuyển các trường trung học nghề hiện nay ở các tỉnh thành trường trung học kỹ thuật, các trường TCCN hiện nay dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp. Tốt nghiệp trường này, học sinh có thể lấy 2 bằng (bằng THPT hệ giáo dục thường xuyên và bằng TCCN).

Về chương trình, cần có sự thống nhất, liên thông giữa nội dung chương trình môn công nghệ và nghề phổ thông, có tính tích hợp cao, thiết kế theo từng chủ điểm.

Ngoài ra, phải đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Môn học này cần phải kết hợp nhiều phương pháp giáo dục khác nhau như: thuyết trình, diễn giảng, thực hành/thí nghiệm, thảo luận/đàm thoại, hướng dẫn đọc tài liệu, tham quan/thực địa, dạy học theo dự án, nêu và giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm, làm bài tập/dự án nhỏ… Khi kiểm tra đánh giá, ngoài lý thuyết còn có thực hành, cho học sinh thực hiện các dự án nhỏ như dự án nuôi gà, trồng cây, tái chế phế liệu…

Mô hình ở một số nước phát triển

Pháp: Môn kỹ thuật là những kiến thức về công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế gia đình và kinh doanh. Sau THCS, học sinh được chuyển lên trường THPT đại cương và công nghệ hoặc trường THPT nghề. Những học sinh mong muốn tiếp tục học ĐH sẽ học ở các trường THPT đại cương và công nghệ. Những học sinh muốn đi làm ngay sau khi ra trường sẽ học ở các trường THPT nghề. Học sinh lấy chứng chỉ khả năng chuyên môn hoặc chứng chỉ nghề sẽ chỉ học 2 năm tương đương lớp 10, 11; học tiếp 2 năm nữa sẽ lấy bằng tú tài nghề, với trình độ tay nghề sau khi tốt nghiệp có thể kiếm được việc làm.

Mỹ: Việc giảng dạy kỹ thuật và dạy nghề của các bang đều xác định mục tiêu là giúp học sinh có kiến thức tổng quát để tiếp tục học tới ĐH; cung cấp cho học sinh không theo đuổi đến bậc ĐH những kiến thức kỹ thuật, chuyên môn cần thiết để khi ra trường có thể kiếm việc làm dễ dàng.

Các trường trung học cũng được phân làm 2 loại: THPT và trung học chuyên môn. Tại trường THPT, các môn học được chia làm 2 loại: môn học bắt buộc (sinh ngữ, kiến thức, xã hội, khoa học, toán học, y tế, thể dục), môn học tự chọn (ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa, nữ công gia chánh, kỹ thuật, thương mại). Tại các trường trung học chuyên môn, học sinh được học một số chuyên ngành như: kỹ thuật, thương mại, canh nông, kinh tế, dịch vụ...

Th.S Hồ Sỹ Anh
(Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)