Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Môn Khoa học tự nhiên sau 3 năm cải cách
Thứ ba: 10:51 ngày 30/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chuẩn bị cho việc triển khai sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12 của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, vừa qua, Sở GD&ĐT Tây Ninh cùng các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa các môn học lớp 9 và lớp 12 (bộ sách Cánh Diều), trọng tâm là môn Khoa học tự nhiên lớp 9.

SGK lớp 5

Giảm giá sách giáo khoa Cánh Diều

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, 2024-2025 là năm học cuối kết thúc chu trình thay SGK theo Chương trình GDPT 2018. Cấp học tiểu học đã thực hiện 4 năm, THCS thực hiện 3 năm, THPT là 2 năm, giáo viên cũng đã có “trải nghiệm” để thực hiện cho những lớp áp chót.

“Quá trình đổi mới sách giáo khoa có khó khăn bước đầu. Đến thời điểm này, với vai trò của nhà quản lý, tôi khẳng định đại đa số giáo viên nắm chắc nội dung, chương trình; giáo viên cũng tham khảo nhiều bộ sách giáo khoa để soạn bài dạy đúng theo tiêu chuẩn hiện nay.

Bất kỳ cuộc thay đổi nào cũng khó khăn, nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu, lặp đi lặp lại những việc hằng ngày, đọc tư liệu, giảng dạy, rút kinh nghiệm, vượt qua những khó khăn đó, vấn đề sẽ được khắc phục. Qua 4 năm thay sách, không phải giáo viên nào cũng thực hiện tốt. Xuất phát từ cơ sở đó, Sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho những giáo viên đại trà, chúng tôi sẽ lặp đi lặp lại câu chuyện đó nhiều lần, khi bổ sung như vậy, giáo viên dần nhận ra mình cần đổi mới, cần có sự nghiên cứu sâu hơn về bài giảng.

Chương trình GDPT 2018 kế thừa từ chương trình 2006, tức đổi mới có kế thừa, để đi vào những chuyên sâu lĩnh vực cho học sinh bắt kịp xu hướng của thời đại, bắt buộc chúng ta phải thay đổi. Sự thay đổi này mang ý nghĩa tác động đến học sinh khi học chương trình mới có những kỹ năng sống nhiều hơn”- ông Nguyễn Văn Phước phát biểu.

Việc chọn SGK, theo thông tư mới, quyền chọn sách giáo khoa là của giáo viên, của cơ sở giáo dục. Giáo viên lựa chọn, xem xét nội dung chương trình, SGK có phù hợp hay không. “Hiện nay, nếu tính về mặt bộ sách thì sách Cánh Diều cũng không phải là chiếm quá lớn cho thị trường Tây Ninh, thị phần sách đã có sự cân bằng giữa các bộ sách với nhau.

Ông Phạm Văn Hồng- Phó tổng Giám đốc Công ty VEPIC (đơn vị liên kết với Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản SGK Cánh Diều) cho biết, SGK Cánh Diều đã có trên thị trường. “Từ tháng 4.2024, chúng tôi phát hành SGK ra thị trường, đến hôm nay có 80% sách đã đưa về các cơ sở giáo dục để chuẩn bị cho năm học mới, số còn lại đang tiếp tục đưa về địa phương. Chúng tôi triển khai nhiều chính sách, như giảm giá 10% cho học sinh từ ngày 30.7 - 2.9 (triển khai các trường trên cả nước).

Năm nay, công ty sẽ tặng 300 thư viện trường học, mỗi thư viện một tủ sách trị giá 30 triệu đồng, trên 150 tivi 65 inch có tích hợp SGK Cánh Diều cho các trường. Riêng Tây Ninh được tặng 10 tủ SGK, 8 tivi, kết hợp tặng sách giáo khoa cho học sinh nghèo. Hiện nay, sách bán rộng rãi trên cả nước, ở vùng sâu vùng xa có thể mua trên các nền tảng của công ty. Đội ngũ tác giả SGK Cánh Diều đều là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, các thầy từng tham gia là chủ biên, tổng chủ biên, tham gia tập huấn cho giáo viên, nội dung SGK dễ hiểu, dễ học”- ông Phạm Văn Hồng thông tin.

Người biên soạn, giáo viên nói gì về môn Khoa học tự nhiên?

Trên phương diện thuần tuý chuyên môn, PGS.TS Dương Bá Vũ- Khoa Hoá học, trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, môn Khoa học tự nhiên có những đặc điểm riêng. Đối với môn Khoa học tự nhiên lớp 9, có 2 đặc điểm quan trọng.

Thứ nhất, môn học này có nhiều yêu cầu cần đạt, điều đó tạo cơ hội cho học sinh vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học thông qua hoạt động Stem. Thông qua các hoạt động vận dụng, học sinh phát triển được thành phần thứ 3 trong năng lực khoa học tự nhiên, đó là vận dụng kiến thức kỹ năng đã học. Thứ hai, môn Khoa học tự nhiên lớp 9 có nhiều kiến thức mới, hiện đại so với các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học của chương trình 2006.

“Môn Khoa học tự nhiên, bản chất là môn học gắn liền giữa lý thuyết với thực hành. Thông qua quá trình khám phá tự nhiên, môn học này được tác giả sách Cánh Diều khai thác trọng tâm vào việc phát triển kỹ năng để học sinh hoàn thiện bước đầu khả năng nghiên cứu, tìm tòi khám phá tự nhiên và đó là căn cơ để học sinh tốt nghiệp THCS có thể định hướng nghề nghiệp của mình.

Đối với bộ sách Cánh Diều, phần biên soạn của các tác giả chú trọng vào các hoạt động rèn luyện vận dụng, tạo điều kiện cho học sinh huy động các kỹ năng để giải quyết các vấn đề, phát triển thành phần thứ 3 của khoa học tự nhiên, đó là thành phần vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học”- PGS.TS Dương Bá Vũ phát biểu.

Vẫn theo ý kiến này, sau 3 năm triển khai môn Khoa học tự nhiên thay cho 3 môn độc lập của chương trình cũ, giáo viên được sinh hoạt trong bộ môn chung gọi là Khoa học tự nhiên. Khó khăn của giáo viên thuộc về mặt nhận thức. Thứ nhất, giáo viên vẫn coi Khoa học tự nhiên là 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, nhận thức đó không phù hợp, bởi vì môn Khoa học tự nhiên là một môn học duy nhất gồm 4 chủ đề khoa học.

Như vậy giáo viên cần hiểu rằng, tất cả các thành viên trong bộ môn Khoa học tự nhiên chỉ phụ trách một môn duy nhất là Môn Khoa học tự nhiên. Từ việc chưa nhận thức rõ nên chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các giáo viên, người phụ trách chủ đề khoa học này với chủ đề khoa học khác, cho nên giáo viên chưa nhận ra sự tích hợp giữa các chủ đề với nhau.

“Chúng tôi là thành viên xây dựng môn Khoa học tự nhiên, khi xây dựng chương trình này, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo quốc tế, phân tích việc tổ chức môn Khoa học tự nhiên tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về nguyên tắc, giáo viên phụ trách được phân công như sau: giáo viên nào có thế mạnh về chủ đề khoa học nào sẽ phụ trách chủ đề đó, đặc biệt giáo viên lớp 7, 8, 9, còn lớp 6 giáo viên có thể phụ trách tất cả chủ đề, vì nó chỉ dừng ở mức giải thích khái niệm, hiện tượng của một vấn đề”- PGS.TS Dương Bá Vũ lưu ý.

SGK lớp 9

Liên quan đến thực tế dạy học, bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương- giáo viên trường THCS Tân Đông (Tân Châu) cho biết, bà dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 7. Quá trình thay sách cho đến nay, khó khăn, thuận lợi đều có. “Thiết bị dạy học vẫn còn thiếu, gây khó khăn trong giảng dạy trực tiếp tại lớp.

Chương trình GDPT 2018 đổi mới hoàn toàn mục tiêu, phương thức đánh giá cũng khác, không tránh được việc giáo viên chưa nắm bắt thuần thục. Ưu điểm sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên ở chỗ, sách có nhiều nội dung vận dụng kiến thức kỹ năng vào thực tế, cuốn sách Cánh Diều đáp ứng cụ thể, chi tiết đối với Chương trình GDPT 2018”- cô giáo Nguyễn Thị Thuỳ Dương bình luận.

Ông Lê Ngọc Long- giáo viên trường THCS Phước Minh, huyện Dương Minh Châu đánh giá quá trình giảng dạy thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được Chương trình GDPT 2018, trong đó phần thiết bị dạy học quan trọng nhưng chưa trang bị kịp thời. So với những chương trình trước đây, Chương trình GDPT 2018 có nhiều nội dung hay, chủ yếu phát triển về phẩm chất, năng lực cho học sinh, phát triển con người toàn diện, đáp ứng cho xã hội sau này.

“Trước đây, chương trình mang tính hàn lâm, hiện nay nghiêng về phát triển phẩm chất, năng lực, phải trải qua thời gian dài chúng tôi mới đáp ứng theo yêu cầu mới. Một người đảm nhiệm hết các chủ đề là rất khó, đảm nhiệm phân môn theo khoa học tự nhiên là bình thường, theo từng chủ đề, từng người dạy, mỗi người dạy theo một chủ đề. Chương trình đổi mới về phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng mới, dạy theo chủ đề từng người chấm thì không sao, nếu một người dạy hết các chủ đề thì khó khăn.

Qua 4 năm, tôi thấy có sự đổi mới nhưng chưa toàn diện, để làm được điều này phải bảo đảm cơ sở vật chất, hiện còn thiếu thốn nhiều thứ, giáo viên chúng tôi cố gắng nhưng cũng còn nhiều bất cập trong quá trình giảng dạy trên lớp" - ông Long nói.

Việt Đông - Hoàng Yến

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục